Quãng trăm năm trước, một lữ khách người Đan Mạch, bá tước Schimmelmann, tới Hamburg rồi tình cờ bắt gặp và mê thích một gánh xiếc thú nhỏ, diễn lưu động. Trong thời gian ở đây, ngày nào vị bá tước cũng chọn con đường vòng để đi qua khu nhốt thú, mặc dầu chính bản thân ông cũng khó có thể lí giải có gì ở những cỗ xe chở thú nhớp nhúa, cũ nát kia cuốn hút mình. Sự thực là nhóm thú hoang đã khơi gợi điều gì đó trong hồn ông. Đang là mùa đông, ngoài trời rét cắt da. Trong dãy lán, người gác dan liên tục đốt cái lò sưởi cũ đến độ nó trở thành một đốm hồng rực giữa màn tối xỉn nơi hành lang chạy dọc các cũi nhốt thú, nhưng gió lạnh cùng buốt giá căm căm vẫn như còn xuyên thấu tận xương.
Bá tước Schimmelmann đang mê mải thưởng ngoạn con linh cẩu thì vị chủ nhân bầy thú bước tới bắt chuyện. Thấp nhỏ, nhợt nhạt, mũi tẹt, người chủ gánh một thời từng là sinh viên thần học, song đã phải rời trường sau một vụ tai tiếng, rồi kể từ đó mỗi lúc một tụt thấp xuống hơn ở cõi trần.
“Quý ngài quả rất tinh tường khi dừng bước ngắm linh cẩu,” ông ta nói. “Thật diệu kì khi có được một con linh cẩu giữa Hamburg, địa phương trước giờ chưa từng được nom thấy giống này. Ngài biết không, tất cả linh cẩu đều lưỡng tính và vào đêm trăng tròn ở xứ châu Phi quê hương, chúng tụ lại rồi nhập thành một vòng tròn giao phối mà mỗi con đều đóng cả hai vai giống đực lẫn giống cái. Quý ngài biết chuyện đó chứ ạ?”
“Không,” bá tước Schimmelmann đáp, ra dấu ghê tởm.
“Giờ liệu quý ngài có cho rằng,” ông bầu nói tiếp, “dựa trên thực tế vừa kể, linh cẩu sẽ khổ sở hơn các loài dã thú khác khi bị nhốt cũi? Nó sẽ phải chịu đựng nhu cầu của cả hai phái, hay bởi cơ thể hợp nhất các năng lực bù trừ của tạo hóa mà nó sẽ thỏa mãn được với chính mình, và sống trong trạng thái hài hòa. Nói cách khác, vì tất thảy chúng ta đều là tù nhân trong đời, nếu có thêm năng lực thiên phú, liệu ta hạnh phúc hơn hay khổ sở hơn?” Đang bận theo đuổi suy nghĩ riêng mà chẳng để tâm tới ông bầu gánh xiếc, bá tước Schimmelmann nói: “Thật lạ thường khi phải có hàng trăm, thậm
chí hàng nghìn con linh cẩu sống rồi chết đi cho chúng ta, sau cùng, có được mẫu vật này tại đây, để người dân Hamburg được biết linh cẩu là thế nào, và để các nhà tự nhiên học nghiên cứu chúng.”
Họ chuyển qua rồi nhìn vào chuồng hươu cao cổ kế bên.
“Các loài hoang thú sống ngoài hoang dã,” bá tước tiếp tục, “không thật sự tồn tại. Con này giờ tồn tại bởi ta đã được nhìn và biết nó ra sao, đã đặt cho nó một cái tên. Còn những con khác vẫn chưa, mà chúng lại chiếm đa số. Thiên nhiên thật hoang phí.”
Đẩy thêm chiếc mũ lông cũ mòn ra sau gáy, bên dưới mũ giờ lộ ra đầu ông bầu gánh xiếc chẳng có lấy một cọng tóc. “Chúng vẫn nhìn thấy nhau,” ông bảo.
“Ngay cả điều ấy cũng còn phải bàn,” bá tước Schimmelmann nói sau một thoáng im lặng. “Chẳng hạn mấy con hươu cao cổ có các đốm vuông trên da kia. Chúng không biết đến hình vuông, do đó khi nhìn nhau sẽ không thấy hình vuông nào cả. Liệu có thể bảo chúng thấy nhau chăng?”
Ông bầu gánh nhìn mấy con hươu một chặp đoạn nói: “Chúa nhìn thấy chúng.”
Bá tước Schimmelmann mỉm cười. “Ba cái con hươu cao cổ này sao?” “Đúng vậy thưa quý ngài,” ông bầu gánh xiếc đáp, “Chúa nhìn thấy hươu cao cổ. Lúc chúng đang chạy nhảy, nô giỡn ở Phi châu, Đức Chúa đã dõi xem và thích thú cung cách chúng. Người đã tạo nên chúng và chúng góp vui cho Người. Điều ấy có trong Kinh Thánh, thưa quý ngài,” ông bầu gánh nói tiếp. “Chúa trời quá yêu hươu cao cổ thành thử Người tạo ra chúng. Chính Chúa tạo ra hình vuông và cả hình tròn, quý ngài hẳn không thể chối bỏ, rằng Người nhìn thấy các đốm vuông trên da chúng cũng như hết thảy mọi thứ khác nữa về chúng. Các hoang thú, thưa quý ngài, là một bằng chứng khả dĩ về sự tồn tại của Chúa. Nhưng khi chúng tới Hamburg,” ông đội lại mũ rồi kết luận “lí lẽ ấy trở nên mơ hồ.”
Vốn là người thu xếp đời mình theo ý kiến của những người khác, Bá tước Schimmelmann giờ bước tiếp trong im lặng tới chiếc hòm nhốt rắn đặt gần lò sưởi. Để ông vui lòng, người bầu gánh mở nắp hòm, gắng đánh thức lũ rắn bên trong dậy; mãi sau cùng mấy con bò sát mới chậm chạp, ngái ngủ
quấn quanh tay ông ta. Bá tước Schimmelmann nhìn chằm chằm vào nùi rắn xoắn xuýt.
“Ái chà, anh bạn Kannegieter thân mến,” ông nhếch mép cười, “giả như anh làm công cho tôi hay tôi là vua còn anh là bộ trưởng, thì giờ anh hẳn đã có quyết định sa thải.”
Ông bầu gánh ngơ ngác ngước nhìn vị bá tước. “Thật thế sao, thưa ngài?” Đoạn cho lũ rắn trườn vào lại trong hòm, sau một thoáng ông hỏi tiếp: “Nếu được phép xin cho tôi hỏi vì cớ gì?”
“Chà, Kannegieter này, anh không đơn giản như biểu hiện bề ngoài nhỉ,” vị bá tước bảo. “Sao ư? Là thế này anh bạn ạ: Ác cảm với rắn là bản năng lành mạnh của con người, ai có được bản năng này thì sống. Rắn là kẻ thù nguy hiểm nhất của con người, nhưng ngoài bản năng về thiện và ác đâu có thứ gì mách bảo chúng ta như vậy? Móng vuốt sư tử, kích cỡ thân thể và bộ ngà của voi, cặp sừng trâu, thảy đều đập ngay vào mắt. Còn rắn lại là loài vật đẹp đẽ. Chúng tròn trịa, trơn mướt, giống những thứ ta yêu mến trên đời, màu sắc thì thanh nhã, lại chuyển động hầu êm nhẹ. Duy chỉ với những người ngoan đạo thì vẻ đẹp cùng cái duyên dáng kia thật đáng ghê tởm, bốc mùi trầm luân, nhắc nhở họ về sự sa ngã của con người. Có điều gì trong lòng khiến anh ta phải lánh xa rắn như lánh xa quỷ dữ, và ấy gọi là tiếng nói lương tâm. Kẻ vuốt ve một con rắn có thể làm bất cứ điều gì.” Bá tước Schimmelmann cười hài lòng bởi lập luận đầy tính dẫn dắt của mình, cài khuy tấm áo lông đắt tiền, đoạn quay người dợm bước khỏi dãy lán. Trong giây lát ông bầu gánh đứng im, chìm vào suy tư. Sau cùng ông cất tiếng: “Thưa quý ngài, ngài phải yêu rắn. Chả có cách gì tránh được cả. Từ kinh nghiệm sống của chính mình, tôi có thể nói với ngài như vậy, hơn nữa đấy còn là lời khuyên đáng giá nhất tôi có thể dành cho ngài: Ngài phải yêu lấy loài rắn. Hãy nhớ, đã bao lần, hầu như lần nào cũng vậy khi ta xin cá, Chúa đều ban cho rắn*.”