Năm nọ, gần đến lễ Noel, chúng tôi gặp một trận động đất tương đối mạnh có sức phá hoại ngang với một con voi nổi điên, khiến vài túp lều của người bản xứ lật nhào. Đất rung chuyển ba đợt, mỗi lần kéo dài vài giây, khoảng giữa là mấy mươi giây tĩnh lặng. Mấy khoảng lặng này đã cho mọi người thời gian để nhận thức chuyện đang xảy ra.
Denys Finch-Hatton, khi ấy cắm trại ở Khu bảo tồn Masai và đang ngủ trong xe tải, kể với tôi lúc trở về rằng thời điểm chợt tỉnh vì chấn động anh đã nghĩ: “Có một con tê giác dưới gầm xe.” Phần tôi đang trong phòng, sửa soạn đi ngủ thì động đất xảy đến. Đợt rung lắc đầu tiên tôi nghĩ: “Có một con báo nhảy lên mái nhà.” Tới đợt thứ hai tôi thầm nhủ: “Mình sắp chết, cảm giác chết là thế này đây.” Nhưng ở khoảng lặng giữa cơn chấn động thứ hai và thứ ba thì tôi nhận ra đó là một trận động đất mà mình không bao giờ tưởng tượng sẽ có dịp trải qua. Trong khoảnh khắc tôi nghĩ nó đã chấm dứt. Nhưng lúc cơn địa chấn thứ ba và là cơn cuối diễn ra, nó mang đến cảm giác hân hoan ngập tràn mà tôi chẳng thể nhớ đời mình còn dịp nào được một niềm sung sướng đột ngột và trọn vẹn hơn thế cuốn phăng đi. Trên lộ trình của mình, các thiên thể mang theo thứ mãnh lực huyền diệu đưa con người lên những đỉnh cao chưa từng được khám phá của niềm vui thích. Chúng ta thường chẳng mấy khi để tâm tới thiên thể, có điều khi ý niệm về chúng đột nhiên quay lại và trở nên chân thật, nó sẽ lập tức mở ra cho ta một thực tại bao la vô tận. Sau nhiều năm lao động miệt mài để cuối cùng tìm ra định luật chuyển động của các hành tinh, Kepler* đã viết về cảm tưởng của mình khi ấy như sau:
“Tôi phó mặc bản thân cho niềm hạnh phúc tột cùng. Số mệnh đã an bài. Cảm giác lúc này chẳng giống bất kì xúc cảm nào tôi từng nếm trải. Người tôi run lên, bầu máu sôi trào. Chúa trời đã ngóng đợi một khán giả cho tác phẩm của Người suốt cả sáu nghìn năm. Trí thông tuệ của Người là vô hạn, chứa đựng cả kho tri thức chúng ta còn chưa biết, cũng như nhúm hiểu biết nhỏ nhoi ta đang nắm”
Đó cũng chính là niềm sướng vui mãnh liệt đã nhấn chìm và khiến toàn thân tôi run rẩy, ở thời điểm động đất.
Nguồn cơn cảm giác hạnh phúc lớn lao kia chủ yếu ở chỗ nhận ra một thứ bạn cho là bất động lại có năng lực cựa mình. Đấy có lẽ là một trong những cảm giác mừng vui và hi vọng mạnh nhất trên đời. Quả cầu vô tri, khối vật chất chết, Trái Đất, đã trở mình, duỗi người bên dưới tôi. Nó gửi cho tôi một thông điệp, một va đụng nhẹ nhàng nhất, nhưng lại mang ý nghĩa to
lớn vô hạn. Nó cười khiến lều của dân bản xứ đổ sụp và la lớn: Dầu gì Trái
Đất cũng chuyển động*.
Sáng sớm hôm sau, Juma mang trà vào cho tôi rồi bảo: “Vua nước Anh chết rồi.”
Tôi hỏi sao cậu ta biết.
“Memsahib chẳng cảm thấy mặt đất tối qua tròng trành, lắc lư sao? Đó có nghĩa là vua nước Anh bị chết.”
George
Trên chuyến tàu hàng sang châu Phi, tôi đánh bạn với một chú nhỏ tên George đang đồng hành cùng mẹ và người dì còn khá trẻ. Một hôm, lúc trên boong, chú tách khỏi người thân đi lại phía tôi, dưới ánh mắt dõi theo của người mẹ và dì. Tuyên bố ngày mai là sinh nhật tròn sáu tuổi của mình, và mẹ sẽ mời tiệc trà các hành khách người Anh, George hỏi tôi có tham dự được chăng?
“Nhưng cô đâu phải người Anh, George,” tôi đáp. “Thế cô là gì?” chú sửng sốt hỏi.
“Một dân mọi*” tôi đáp.
Chú bé đứng thẳng, và nhìn tôi rất nghiêm trang. “Chẳng hề gì,” George nói, “Cháu hi vọng cô vẫn sẽ tới dự.”
George quay về thông báo cho mẹ và dì, theo cung cách lãnh đạm tuy vậy đầy kiên quyết đến mức họ chẳng tài nào bác bỏ nổi. “Cô ấy là mọi song con vẫn muốn mời.”
Kejiko
Tôi từng có một con la cái rất mập mạp, mà tôi đặt tên là Molly. Anh chàng chăn la lại gọi nó bằng tên khác, Kejiko, nghĩa là “cái thìa,” và khi tôi hỏi sao gọi cô nàng như vậy, anh đáp: “Bởi trông nó giống cái thìa.” Đi vòng quanh con la để gắng hiểu suy nghĩ của anh ta, nhưng từ mọi góc độ tôi chẳng thấy cô nàng có chút gì giống cái thìa cả.
Ít lâu sau tôi có dịp dong một cỗ xe có thắng Kejiko cùng ba con la khác. Từ vị trí ngồi trên cao của người đánh xe, tôi nhìn lũ la theo nhãn quan của loài chim. Và tôi nhận ra anh chăn la đã nhận xét xác đáng. Phần vai Kejiko thắt lại bất thường còn nửa thân sau lại nở nang nần nẫn khiến cô nàng nhìn rất ư giống một cái thìa đặt úp.
Nếu anh chăn la Kamau và bản thân tôi cùng vẽ Kejiko, hai bức tranh ắt sẽ hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên Chúa và các vị thần lại nhìn Kejiko như cách của Kamau. Đấng từ trên cao đến là trên hết mọi loài, và Ngài làm chứng về những điều Ngài thấy*.