1.3.2.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế thu nhập cá nhân
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Thông qua tuyên truyền mà NNT hiểu rõ nội dung pháp luật thuế TNCN, các khoản thu nhập phải nộp thuế, mức thuế phải nộp, thời điểm nộp thuế, đồng thời hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý về nộp thuế TNCN để tự giác thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật thuế TNCN. Nếu công tác tuyên truyền pháp luật thuế TNCN không hiệu quả sẽ làm tăng các hành vi gian lận thuế, trốn thuế của NNT.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet toàn cầu cũng đã làm phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tạo ra những khoản thu nhập phá vỡ khái niệm về thu nhập truyền thống và ngày càng khó kiểm soát hơn.
1.3.2.2. Công tác quản lý kê khai thuế
Thuế TNCN được quản lý theo cơ chế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Đây là một hình thức tạo sự chủ động cho NNT, tuy nhiên cũng là lỗ hổng để các cá nhân, DN trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Ý thức tự giác, tự nguyện của các DN trong việc kê khai, nộp thuế mặc dù được nâng lên nhưng nhiều DN vẫn cố tìm mọi cách để trốn thuế. Tình trạng các DN không nộp tờ khai hoặc nộp chậm tờ khai vẫn còn, tình trạng dây dưa, chây ì nợ đọng tiền thuế còn khá phổ biến. Khó bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến thông qua Google, Facebook,
Zalo… thực hiện kê khai thuế vì khó quản lý các giao dịch hàng hóa.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt thanh toán của người Việt Nam được coi là một trở ngại đáng kể trong công tác kiểm soát gian lận thuế TNCN. Việc sử dụng tiền mặt phổ biến tạo cơ hội cho các chủ thể che dấu nguồn thu nhập, từ đó không kê khai nộp thuế theo quy định, làm ảnh hưởng đến công tác giám sát thu nhập của cơ quan chức năng bị hạn chế.
1.3.2.3. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Tác động của công tác kiểm tra, thanh tra thuế đến hành vi tuân thủ thuế của NNT có thể xem xét ở nhiều góc độ: tỷ lệ kiểm tra, năng lực của cán bộ kiểm tra và vòng lặp kiểm tra; kiểm tra thuế và tuân thủ tự nguyện có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Một số nghiên cứu cho rằng kiểm tra thuế có tác động tích cực đến hành vi trốn thuế, NNT thường xuyên được CQT kiểm tra có tác dụng tăng mức độ tuân thủ thuế của NNT lên cao hơn.
Việc quản lý thuế TNCN mang tính răn đe cao, nặng về xử phạt mà chưa hướng tới thúc đẩy NNT tự nguyện tuân thủ thuế TNCN để hình thành
tâm lý tuân thủ bền vững. Mặc dù trong công tác quản lý thuế, các công cụ thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế nợ thuế TNCN được tăng cường, song mức độ tuân thủ của NNT vẫn chưa được cải thiện. Số vụ việc vi phạm vẫn tăng cao; hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn phải nỗ lực vượt bậc, nhưng cũng không hạn chế được các hành vi trốn, tránh nghĩa vụ nộp thuế TNCN.
Trình độ năng lực của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được nâng cao; tuy nhiên kinh nghiệm tác nghiệp thực tế còn hạn chế, một số nhỏ công chức nghiệp vụ chưa sâu, chưa tìm hiểu và nắm bắt được các thông tin ngoài ngành về đối tượng được thanh tra nên kết quả thanh kiểm tra chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng thỏa hiệp với NNT để bỏ qua các hành vi gian lận.
1.3.2.4. Yếu tố phân tích rủi ro thuế
CQT đã đưa ứng dụng phần mềm phân tích rủi ro NNT vào phục vụ công tác lập kế hoạch thanh tra thuế (TPR) nhằm đánh giá rủi ro của DN do các Cục, Chi cục thuế quản lý. Quản lý rủi ro dựa trên những tài liệu do NNT cung cấp và CQT thu thập được, như: tài liệu từ bên thứ ba; các thông tin trên mạng internet; các cơ sở dữ liệu kinh tế (tăng trưởng kinh tế, chỉ số kinh tế trung bình ngành hoặc của một số DN từng ngành, thu nhập lao động bình quân theo ngành...); cơ sở dữ liệu ngành thuế (lịch sử tuân thủ, số lần kê khai nộp chậm, số lần bị phạt vi phạm hành chính…).
Tuy nhiên, phương tiện hỗ trợ phân tích rủi ro trong thuế TNCN còn hạn chế. Trình độ và lực lượng quản lý, đánh giá, phân tích của cán bộ thuế đối với rủi ro trong thuế TNCN còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được tình hình gian lận thuế TNCN thực tế.
1.3.2.5. Thiếu phối hợp trong quản lý thuế
Thực tế chỉ ra rằng, nếu thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như: CQT, Hải quan, Công an, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Thông tin và truyền thông… trong quản lý DN, quản lý thuế thì tình trạng gian lận thuế
ngày càng phức tạp. Vì các cơ quan này giám sát các hoạt động của DN, nếu thiếu phối hợp thì dễ dẫn đến thiếu thông tin trong quản lý NNT, gian lận thuế ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng.
CQT đã phát hiện và chuyển cho cơ quan công an rất nhiều hồ sơ có hành vi vi phạm pháp luật thuế. Tuy nhiên, kết quả xử lý còn hạn chế, nghiệp vụ còn khá lúng túng và mất nhiều thời gian trong công tác phối hợp.