CHƯƠNG 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ GIAN LẬN THUẾ
4.3. Một số giải pháp tăng cường công tác kiểm soát gian lận thuế
4.3.1. Hoàn thiện về chính sách thuế
Một là, xây dựng mô hình thu thuế. Hiện nay, CQT đang thực hiện mô hình thu thuế hỗn hợp, kết hợp thu thuế theo nguồn và thu thuế trên tổng thu nhập. Mô hình này phù hợp với mô hình quản lý thuế TNCN tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên, trình độ nghiệp vụ của cán bộ thuế ở cấp Chi cục cần phải được đào tạo để nâng cao hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, dữ liệu khổng lồ của số lượng NNT và người phụ thuộc tập trung tại trung ương cũng đòi hỏi ngành thuế phải được trang bị một hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như các giải pháp phần mềm ưu việt, đáp ứng được cải cách và hiện đại hóa.
Hai là, xác định rõ mức thuế suất và biểu thuế cho các đối tượng nộp thuế. Thuế suất ở mức hợp lý sẽ hạn chế trốn thuế, gian lận thuế. Biểu thuế luỹ tiến áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh với 7 mức thuế suất (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%) được coi là nhiều nên cần có lộ trình giảm số bậc thuế suất theo từng bước, có thể giảm xuống 3 bậc (5%, 15%, 30%) hoặc 4 bậc (5%, 15%, 25%, 35%).
Ba là, khoảng cách giữa các bậc thuế suất lũy tiến. Luật thuế TNCN quy định thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến thu nhập từ kinh doanh, tiền lương và tiền công áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần, trong đó chia ra 7 khoảng thu nhập tương ứng với 7 mức thuế suất, thu nhập càng cao chịu mức thuế suất cao theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên biểu thuế suất này cũng cho thấy không có sự công bằng giữa các đối tượng có thu nhập cao chịu thuế bởi vì khoảng cách thu
nhập là quá ngắn. Khoảng cách từ bậc 1 đến bậc 2 chỉ có 5 triệu đồng, từ bậc 2 đến bậc 3 là 8 triệu đồng, và cho đến bậc thuế cuối cùng chỉ gấp bậc thấp nhất 16 lần. Trong khi đó ở các nước khoảng cách này là khá xa như Trung Quốc 200 lần, Malaysia 100 lần, Thái Lan 50 lần… Đề xuất nên giãn khoảng cách mức thu nhập chịu thuế làm sao cho mức cao nhất cách mức thấp nhất lớn hơn 16 lần và ở mức phù hợp nhất với thu nhập chịu thuế của người Việt Nam.
Bốn là, giải pháp không dùng tiền mặt trong giao dịch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện triển khai các nhiệm vụ được giao, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong mọi lĩnh vực, đảm bảo hoạt động thanh toán an ninh, an toàn, hiệu quả. Quy định này được thực hiện sẽ làm hạn chế tối đa gian lận thuế TNCN.