1.3.3.1. Lợi ích từ gian lận thuế
Gian lận thuế TNCN giúp NNT không phải nộp thuế, làm thất thoát lớn tiền NSNN. Trong thời gian qua, nhiều DN, cá nhân lợi dụng kẽ hở của chính sách pháp luật thuế để tiến hành gian lận hàng trăm tỷ đồng tiền thuế TNCN của Nhà nước. Trên thực tế, do lợi ích quá lớn nên DN tìm nhiều cách để gian lận thuế nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Hiện nay, việc xác định thuế TNCN chủ yếu dựa vào việc tự kê khai của cá nhân và tổ chức chi trả thu nhập. Như vậy có thể nói, phần lớn Nhà nước dựa vào sự tự giác của người dân trong việc thu thuế TNCN, mà sự tự giác này lại không có gì đảm bảo, do đó, việc gian lận trong kê khai thuế TNCN là một điều tất yếu. Một số người dân chưa hiểu biết đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của NNT, sự tự giác chưa cao, còn có nhiều biểu hiện trốn tránh, thoái thác việc thực hiện pháp luật thuế. Bản thân những người hiểu biết cũng cố tính không tuân thủ, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, tìm mọi cách để trốn thuế, gian lận thuế. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách thuế của Nhà nước vẫn chưa đến được đủ với mọi tầng lớp dân cư, nên người dân không nhận thức rõ nghĩa vụ và quyền lợi khi đóng góp vào NSNN.
1.3.3.2. Kiến thức và nhận thức về tính công bằng của người nộp thuế
Công bằng là đòi hỏi khách quan từ phía NNT vì đây chính là giá mà họ phải trả có tính chất bắt buộc cho những hàng hoá và dịch vụ công cộng.
Nói về vấn đề công bằng của pháp luật thuế trong lịch sử nghiên cứu kinh tế được đề cập nhiều. Đối với Aristotel ông nghiên cứu về sự công bằng của thuế đi từ những câu hỏi: “Ai có quyền thu thuế, tính công bằng của thuế như thế nào? Cho đến sau những sự tranh luận sôi nổi về tính công bằng của thuế trực thu và thuế gián thu trong xã hội cận đại, đó là những tranh luận về thuế trong thế kỷ 17 và 18” [13].
Ông Adamsmith lại có nghiên cứu về tính công bằng của thuế một cách tổng hợp hơn. Các nguyên tắc về thuế của ông không chỉ xem xét sự công bằng giữa NNT theo pháp luật thuế mà còn xem xét nguồn gốc của sự không công bằng và tính không rõ ràng của luật thuế [14].
Đối với khoa học kinh tế thì chỉ đưa ra vấn đề: điều gì công bằng và điều gì không công bằng, nên xem xét sự tái phân phối qua thuế một cách công bằng như thế nào? Nên có các giải pháp như thế nào? Các nhà kinh tế có thể đưa ra các ý tưởng khác nhau như: thuế có thể góp phần vào cấu trúc công bằng cần thiết của thu nhập, của tài sản và của lợi ích như thế nào? [14]
Quan niệm về tính công bằng của thuế như trên dù có khác nhau về cách tiếp cận nhưng tựu trung lại đều hàm ý hai nguyên lý, đó là: lợi ích và khả năng nộp thuế. Công bằng là một đòi hỏi khách quan trong tiến trình phát triển của thuế khi hệ thống thuế đảm bảo công bằng trong việc huy động nghĩa vụ thuế. Các nhà quản lý và NNT tin rằng, việc không hài lòng về sự công bằng về thuế sẽ là yếu tố gian lận thuế.