Theo Sở Thuế vụ Mỹ, tình trạng DN không kê khai và nộp đủ thuế TNCN của người lao động không phải là vấn đề quá lớn tại nước này nhưng vẫn diễn ra tương đối phổ biến dù Mỹ là một trong những quốc gia có hệ thống thuế chặt chẽ nhất thế giới. Website của IRS hàng năm ghi nhận khoảng từ 10- 20 vụ việc bị đưa ra tòa xét xử liên quan đến vấn đề này. Vụ việc xảy ra năm 2017, khi hai giám đốc của một bệnh viện tại bang Arkansas bị phát hiện đã
không kê khai và nộp thuế TNCN của nhân viên trong suốt 4 năm từ năm 2009 đến năm 2012 [44].
Một vụ việc gây chấn động khác vào năm 2017 là một luật sư hình sự tại bang Louisiana bị cáo buộc đã trốn khoảng 260.000 USD thuế TNCN từ văn phòng luật của mình, đồng thời, ông này còn kết hợp trốn hơn 700.000 USD thuế của bản thân suốt từ năm 2003 đến năm 2013 [44].
Mặc dù Mỹ không công bố số liệu về các trường hợp phạm pháp được miễn truy cứu hình sự, tuy nhiên, trong các vụ việc lớn, án phạt thường khá nặng. Như trong vụ việc tại Arkansas, các bị đơn đã phải chịu án tù lên tới 3 năm, đồng thời phải hoàn trả khoảng 6 triệu USD thuế chưa nộp, tiền lãi và tiền phạt do hành vi gian lận.
Thông tin từ CQT Trung Quốc cho biết nữ diễn viên Phạm Băng Băng đã bị yêu cầu nộp thuế và tiền phạt trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ (NDT) vì trốn thuế. Theo điều tra, cô đã trốn khoảng 300 triệu NDT tiền thuế. Cục thuế Giang Tô đã gửi thông báo xử phạt hành chính tới Phạm Băng Băng và nữ diễn viên chấp nhận các khoản phạt. Ngoài 70 triệu USD tiền trốn thuế, diễn viên còn phải nộp tiền truy thu thuế, chậm thuế. Tổng số tiền cô phải nộp để không bị truy cứu hình sự là 883 triệu NDT (128 triệu USD). Nếu cô không thực hiện các quyết định xử phạt theo quy định, CQT sẽ chuyển hồ sơ vụ việc tới công an để xử lý [45].
Trốn thuế, gian lận thuế gây thất thoát thuế và làm giảm thu ngân sách. Ở một số nước, trong đó có Trung Quốc, mức phạt nặng nhất cho hành vi trốn thuế là tử hình. Tuy nhiên, ở nước ta việc xử lý vi phạm cho hành vi này thường rất nhẹ, xử lý không dứt điểm, không có tính răn đe.