CHƯƠNG 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ GIAN LẬN THUẾ
4.3. Một số giải pháp tăng cường công tác kiểm soát gian lận thuế
4.3.2. Tăng cường công tác quản lý thuế TNCN
4.3.2.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế
Nâng cao ý thức tuân thủ của NNT kết hợp với hỗ trợ NNT trong tuân thủ pháp luật thuế sẽ giúp cho họ hiểu rõ các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm về thuế của mình. Hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ NNT đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật thuế của cộng đồng dân cư; nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT; tạo lập mối quan hệ bình đẳng, thân thiện thường xuyên giữa cơ quan quản lý thuế và NNT; giúp cho NNT hiểu rõ các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm về thuế
của mình theo quy định của pháp luật thuế. Đây được coi là nội dung tiền đề rất quan trọng trong công tác quản lý thuế, đi sâu vào giải quyết các nguyên nhân dẫn đến các hành vi gian lận thuế xuất phát từ nhân tố ý thức của NNT. Lập kế hoạch phát triển công tác tuyên truyền, hỗ trợ thuế dài hạn, ngắn hạn đến từng năm của toàn ngành, từ trung ương đến các CQT địa phương. Có phương thức tuyên truyền thuế phù hợp từng đối tượng nộp thuế. Các phương tiện thông tin đại chúng khác như truyền hình, radio hay báo in cũng chỉ cung cấp giới hạn các thông tin liên quan đến chính sách thuế. Vì vậy, cần nghiên cứu và tăng cường triển khai nhiều hình thức phổ biến thông tin về các chính sách thuế tới mọi đối tượng người dân. Hiện nay các kênh tuyên truyền chủ yếu thông qua các phương tiện trực tuyến (do số lượng người dùng internet thường xuyên tại Việt Nam đã đạt 68,17 triệu người năm 2020 theo Vnetwork). Tuy nhiên, số lượng người thực sự truy cập vào các nội dung liên quan đến chính sách thuế chiếm một tỷ trọng chưa cao trong số người dùng internet.
4.3.2.2. Công tác quản lý kê khai thuế
Cải cách các thủ tục về thuế và các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với mô hình quản lý và phương pháp tự kê khai, tự tính thuế và tự nộp thuế.
Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào NSNN để có biện pháp thu hồi kịp thời. Kiên quyết xử lý DN không nộp, chậm nộp hồ sơ khai thuế. Cập nhật số lượng tờ khai phải nộp vào dữ liệu của cơ quan thuế, thông báo, nhắc nhở NNT nộp tờ khai thuế đúng quy định, kịp thời xử lý vi phạm.
4.3.2.3. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Tăng cường công tác chuẩn bị trước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT trên cơ sở phân tích chuyên sâu để lựa chọn các nội dung trọng tâm cần thanh tra, kiểm tra; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng
ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; triển khai thanh tra kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Chuẩn hóa phương thức trao đổi dữ liệu giữa CQT và NNT về thu thập thông tin tài liệu qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, qua đó tăng khả năng thu thập, tiếp nhận được nhiều thông tin, dữ liệu, đồng thời hạn chế tối đa việc tiếp xúc với NNT, chuẩn bị tiền đề cho việc phát triển thanh tra kiểm tra thuế điện tử theo định hướng mới. Để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thuế, cơ quan quản lý thuế cần cập nhật, nhận diện các hành vi, thủ đoạn gian lận của NNT một cách thường xuyên, liên tục.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra kiểm tra thuế. Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc ban hành và áp dụng quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra thuế tại CQT các cấp, ứng dụng nhật ký thanh tra kiểm tra thuế điện tử. Thường xuyên tập huấn kỹ năng kiểm tra phát hiện các hành vi gian lận thuế, qua đó rút ra cách thức để nhận dạng DN gian lận, các dạng sai phạm thường gặp nhằm ngăn chặn sai phạm về thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định cụ thể việc kiểm tra tại trụ sở CQT. Trên cơ sở nguồn cơ sở dữ liệu về NNT hiện có trên hệ thống quản lý thuế, Tổng cục Thuế chỉ đạo CQT các cấp tăng cường kiểm tra tại trụ sở CQT theo phương thức quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích, kiểm tra hồ sơ khai thuế nhằm phát hiện và xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra tại trụ sở CQT. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra điện tử, đối với những hồ sơ khai thuế đã được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin phải nghiêm túc triển khai, thực hiện.
4.3.2.4. Hiện đại hóa công nghệ thông tin vào quản lý người nộp thuế
Xây dựng, nâng cấp, duy trì hoạt động hệ thống ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa ngành thuế.
Xây dựng và mở rộng kết nối, trao đổi thông tin với các đơn vị bên ngoài (cơ quan đăng ký đất đai thuộc Bộ Tài nguyên môi trường, Bảo hiểm xã hội, Tổng cục Thống kê, Ủy ban chứng khoán…) nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giúp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của NNT, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát gian lận thuế của NNT.
Cần không ngừng nâng cấp, đưa các phần mềm công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro về thuế, khi xây dựng cần nghiên cứu tình hình thực tế vi phạm của NNT để có những phần mềm phân tích hiệu quả.
4.3.2.5. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế
Tăng cường đào tạo và thường xuyên thay đổi phương pháp đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho công chức thuế, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng chuyên sâu theo các chức năng quản lý thuế, đồng thời lựa chọn công chức có đủ kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ để tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi trong khi thi hành công vụ; tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Xây dựng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra nội bộ và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, thời hạn giải quyết, phòng ngừa ngăn chặn những hành vi phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ đối với NNT.
4.3.2.6. Phối hợp giữa các cơ quan chức năng
Một trong những nội dung quan trọng tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) là đã bổ sungquy định trách nhiệm của Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan. Theo đó, các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm phối hợp với CQT thực hiện việc thu nộp, cũng như kết nối chia sẻ thông tin để quản lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Đó là các Bộ Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước, Viện Kiểm sát, Toà án, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, HĐND, UBND các cấp, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, hội đồng tư vấn thuế xã, phường, ngân hàng thương mại và cơ quan thông tin, báo chí.
Tăng cường sự phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin phục vụ công tác thanh tra kiểm tra và công tác quản lý thuế với các bên có liên quan như cơ quan Hải quan, Thanh tra Chính phủ, cơ quan công an và các cơ quan tư pháp… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, góp phần chống thất thu NSNN.
4.3.3. Cơ chế xử phạt vi phạm
Tại điều 23 Luật Quản lý thuế số 38/2019 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án; quy định các cơ quan này trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho CQT. Quy định như vậy nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đảm bảo tính bảo mật nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.