Nội dung quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGĂN HÀNGTHƯƠNG MẠI CÔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH KHU CÔNG NGHIỆP PHÚ TÀI (Trang 36 - 43)

Nội dung quản trị RRTD bao gồm các khâu: Xây dựng chính sách tín dung; nhận biết RRTD; đo lường RRTD; kiểm soát RRTD và xử lý RRTD. Các khâu luôn có mối liên hệ gắn bó, tạo thành một quy trình khép kín để đám bảo kiểm soát rủi ro theo mục tiêu đề ra.

1.3.4.1. Xây dựng chính sách tín dụng

- Xây dựng chiến lược quản trị rủi ro: Ngân hàng cần xác định được tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh của ngân hàng để từ đó đưa ra “khẩu vị rủi ro” - mức độ rủi ro có thể chấp nhận được - để từ đó hoạch định chiến lược quản trị rủi ro phù hợp. Chiến lược quản trị rủi ro phải trả lời được giải quyết được các vấn đề quan trọng: Thái độ của ngân hàng đối với RRTD; Mức độ chấp nhận RRTD của ngân hàng; Năng lực quản trị RRTD của ngân hàng.

- Xây dựng chính sách quản trị RRTD: Để thực thi Chiến lược quản trị rủi ro,

trong từng thời kỳ, Ban điều hành đưa ra các chính sách quản trị RRTD là cơ sở để hình thành nên quy trình tín dụng với những hướng dẫn nghiệp vụ chi tiết, các bước cụ thể trong quá trình cấp tín dụng. Chính sách quản trị rủi ro cũng quy định giới hạn cho vay đối với khách hàng, phân loại nợ, trích lập dự phòng. Chính sách phải vạch ra cho cán bộ tín dụng phương hướng hoạt động và một khung tham chiếu rõ ràng để làm căn cứ xem xét các nhu cầu vay vốn, cụ thể làm rõ các nội dung về:

+ Mức ủy quyền phán quyết. + Giới hạn rủi ro.

+ Quản trị danh mục cho vay

+ Rà soát chính sách quản trị rủi ro theo từng thời kỳ 1.3.4.2. Nhận biết và phân tích rủi ro tín dụng

Khâu đầu tiên của quản trị RRTD là nhận biết rủi ro. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác quản trị rủi ro, là tiền đề đề các nhà quản trị thực hiện các khâu tiếp theo. Để nhận biết rủi ro cần xem xét đến các dấu hiệu của RRTD, trên cơ sở đó để phân tích, đánh giá và nhận biết rõ bản chất của RRTD, các nhân tố ảnh hưởng và mức độ tác động của các nhân tố đó đến RRTD của NHTM.

- Tài khoản thanh toán dao động, giảm sút số dư, khó khăn trong thanh toán lương, thường xuyên yêu cầu hỗ trợ nguồn vốn lưu động từ nhiều nguồn khác nhau...

- Mức độ vay thường xuyên gia tăng; trì hoãn hoặc gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình kiểm tra; sử dụng nhiều các nguồn tài trợ ngắn hạn cho các hoạt động dài hạn; chấp nhận sử dụng những nguồn tài trợ đắt nhất...

- Khách hàng có sự thay đổi thường xuyên cơ cấu của hệ thống quản trị hoặc ban điều hành, có tranh chấp trong quá trình quản trị. Chuẩn bị số liệu tài chính chậm trễ, trì hoãn nộp các báo cáo tài chính, làm đẹp báo cáo tài chính,...

Các dấu hiệu liên quan đến ngân hàng:

- RRTD được thể hiện qua quy mô tín dụng, cơ cấu tín dụng, nợ quá hạn, nợ xấu, và dự phòng rủi ro do đó, khi các yếu tố này có xu hướng thiên lệch như: quy mô tín dụng tăng quá nhanh vượt quá khả năng quản trị của ngân hàng, hay là cơ cấu tín dụng tập trung quá mức vào một ngành, một lĩnh vực rủi ro, hoặc là các chỉ tiêu nợ quá hạn, nợ xấu có dấu hiệu vượt qua ngưỡng cho phép, dự phòng rủi ro được sử dụng hết, ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro.

- Trình độ của nhân viên tín dụng và năng lực quản trị của người quản trị ngân hàng

- Chính sách tín dụng quá cứng nhắc hoặc quá lỏng lẻo để khe hở cho khách hàng lợi dụng, cho vay hỗ trợ mục đích đầu cơ (mua bất động sản, kinh doanh chứng khoán), chính sách cho vay ưu đãi, cho vay theo chỉ định, quy trình tín dụng không chặt chẽ.

1.3.4.3. Đo lường rủi ro tín dụng

Sau khi nhận biết được RRTD, từ việc phân tích và đánh giá, ngân hàng thực hiện các biện pháp đo lường về chỉ tiêu định tính và định lượng, có thể kể đến các mô hình như sau:

a. Mô hình định tính trong đo lường rủi ro tín dụng:

Là mô hình truyền thống đánh giá khách hàng vay vốn dựa vào chủ quan từ phía ngân hàng. Theo mô hình này, các ngân hàng chủ yếu sử dụng các thông tin

khác nhau về người vay theo phương pháp 5Cs hoặc mô hình PASER và sau đó phát triển hơn là 6Cs để đưa ra nhận xét chủ quan của mình. Trọng tâm của mô hình 6Cs là xem xét liệu người vay có thiện chí và có khả năng trả nợ hay không. Điều này liên quan đến việc nghiên cứu chi tiết “6 khía cạnh - 6C” của khách hàng. Tất cả các tiêu chí này phải được đánh giá tốt thì khoản vay mới được xem là khả thi. Cụ thể như sau:

- Character (tư cách của người vay): Cán bộ thẩm định sẽ xem xét đến những khía cạnh của khách hàng như: thái độ hợp tác, tính trung thực, mục đích vay vốn, thiện chí trả nợ, đồng thời xem xét cả lịch sử tín dụng tại các TCTD trước đây, thông tin nếu có về các vấn đề tranh chấp, kiện tụng, lừa đảo,...

- Capacity (năng lực của người vay): Cán bộ thẩm định phải chắc chắn rằng người đi vay có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp lý của người tham gia ký kết hợp đồng tín dụng và các giấy tờ có tính pháp lý liên quan.

- Cash (Thu nhập của người vay): Đây là cơ sở xác định nguồn trả nợ. Nguồn thu của khách hàng là từ: doanh thu bán hàng, thu nhập từ lương, thanh lý tài sản, khấu hao tài sản,.... Trong đó ngân hàng sẽ ưu tiên những nguồn thu đầu tiên hơn là việc thanh lý tài sản vì việc thanh lý tài sản sẽ làm suy yếu năng lực của người đi vay, việc xử lý tài sản cũng phức tạp hơn.

- Collateral (Tài sản bảo đảm): Ngân hàng có thể xử lý tài sản thế chấp của khách hàng khi khách hàng bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả nợ. Ngân hàng được đảm bảo quyền ưu tiên xử lý tài sản thế chấp của khách hàng trước các chủ nợ khác. Đối với ngân hàng, đây là sự đảm bảo và là nguồn trả nợ thay thế ngoài dòng tiền trả nợ dự tính, đồng thời cũng là biện pháp ràng buộc trách nhiệm trả nợ đối với người vay, tạo áp lực hoàn trả nợ vay đúng hạn.

- Conditions (Các điều kiện): Để đánh giá xu hướng ngành và điều kiện kinh tế có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của khách hàng, cán bộ thẩm định cần phải nắm được thực trạng về ngành nghề và công việc kinh doanh của khách hàng, cũng như khi các điều kiện kinh tế thay đổi sẽ tác động như thế nào đến khoản tín dụng.

- Control (Kiểm soát): Đánh giá những ảnh hưởng do sự thay đổi của luật pháp, quy chế hoạt động, khả năng khách hàng đáp ứng được tiêu chuẩn của ngân hàng và của nhà quản lý về chất lượng tín dụng.

b. Các mô hình định lượng trong đo lường rủi ro tín dụng

Mô hình định tính được xem là mô hình cổ điển để đánh giá RRTD nhưng mô hình này ngày nay được xem là mất thời gian, tốn kém và mang tính chủ quan. Vì vậy hiện nay hầu hết các NHTM đều tiếp tiếp cận phương pháp đánh giá RRTD hiện đại hơn, đó là lượng hóa RRTD. Có rất nhiều mô hình được các NHTM sử dụng như: hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; mô hình điểm số Z; đo lường theo công thức đo lường tổn thất dự kiến; đo lường rủi ro danh mục,.... Hiện nay các NHTM chủ yếu sử dụng đo lường RRTD bằng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.

Đo lường RRTD bằng hệ thống xếp hạng nội bộ:

Mô hình đơn giản nhất được sử dụng trong xếp hạng tín dụng là mô hình một biến số. Chỉ tiêu đánh giá phải được thống nhất trong mô hình. Tỷ suất tài chính được sử dụng trong mô hình bao gồm: các chỉ tiêu thanh khoản, các chỉ tiêu hoạt động, chỉ tiêu cân nợ, chỉ tiêu lợi tức, chỉ tiêu vay nợ và chi phí trả lãi. Các chỉ tiêu phi tài chính thường được sử dụng bao gồm: thời gian hoạt động của doanh nghiệp, số năm kinh nghiệm và trình độ của nhà quản trị cao cấp, triển vọng ngành. Nhược điểm của mô hình một biến số là kết quả dự báo khó chính xác nếu thực hiện phân tích và cho điểm các chỉ tiêu đánh giá một cách riêng biệt, hơn nữa mỗi người có thể hiểu các chỉ tiêu đánh giá theo cách khác nhau. Để khắc phục nhược điểm này các nhà nghiên cứu đã xây dựng các mô hình kết hợp nhiều biến số thành một giá trị để đánh giá thất bại của doanh nghiệp như mô hình phân tích hồi quy, phân tích logic, phân tích xác suất có điều kiện, phân tích nhiều biến số.

Xếp hạng tín dụng theo mô hình điểm số là phương pháp khoa học kết hợp sử dụng dữ liệu để nghiên cứu thống kê và áp dụng mô hình thuật toán để phân tích, tính điểm cho các chỉ tiêu đánh giá trong mô hình một biến hoặc đa biến. Các chỉ tiêu sử dụng trong xếp hạng tín dụng được xác lập theo nhóm bao gồm phân tích ngành, phân tích hoạt động kinh doanh, phân tích hoạt động tài chính. Sau đó đưa

vào mô hình để tính điểm theo trọng số và quy đổi điểm nhận được sang biểu xếp hạng tương ứng.

1.3.4.4. Kiểm soát rủi ro tín dụng

Kiểm soát RRTD là một nội dung của quản trị RRTD được thực hiện song song với hoạt động quản trị rủi ro nhằm mục tiêu: (i) phòng, chống và kiểm soát các rủi ro có thể phát sinh trong hoạt động ngân hàng (ii) đảm bảo toàn bộ các hoạt động, các bộ phận và từng cá nhân trong ngân hàng đều tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ và thực hiện các chiến lược, chính sách, quy trình và quyết định của các cấp thẩm quyền, đảm bảo mục tiêu an toàn và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng. Kiểm soát RRTD bao gồm kiểm soát trước khi cho vay, trong khi cho vay và sau khi cho vay.

Sơ đồ 1.2. Quy trình kiểm soát tín dụng liên tục

(Nguồn: Nguyễn Như Dương (2018))

Kiểm soát RRTD bao gồm kiểm soát đơn (kiểm soát độc lập của ngân hàng) và kiểm soát kép. Kiểm soát kép là quá trình kiểm soát có sự tham gia của nhiều tổ chức như: cơ quan Thanh tra NHNN và bộ phận kiểm soát của ngân hàng (bao gồm có bộ phận kiểm soát, kiểm tra nội bộ, quản trị tín dụng), ngoài ra cần có sự tham gia của các cơ chế giám sát bên ngoài như các cơ quan kiểm toán độc lập, ủy ban giám sát tài chính, và đặc biệt là sự giám sát của thị trường.

1.3.4.5. Xử lý rủi ro tín dụng

Để ứng phó RRTD, ngân hàng thường sử dụng các công cụ phân tán rủi ro, phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm rủi ro và xử lý nợ xấu:

a. Phân tán rủi ro

Phân tán rủi ro trong hoạt động tín dụng là việc thực hiện cấp tín dụng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, khu vực sản xuất kinh doanh nhằm tránh những tổn thất lớn xảy ra cho NHTM. Các hình thức phân tán rủi ro chủ yếu bao gồm:

- Không tập trung cấp tín dụng cho một ngành, một lĩnh vực, một khu vực. - Không nên dồn vốn cấp tín dụng cho một hoặc một số khách hàng. - Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng.

- Cho vay đồng tài trợ.

b. Sử dụng các công cụ tín dụng phái sinh để phòng ngừa rủi ro:

Sử dụng các công cụ tín dụng phái sinh thông qua hợp đồng trao đổi tín dụng (Credit swap), hợp đồng quyền chọn tín dụng (credit options). Hợp đồng quyền chọn tín dụng là một công cụ bảo vệ ngân hàng trước những tổn thất trong trị giá tài sản tín dụng, giúp bù đắp mức chi phí vay vốn cao hơn khi chất lượng tín dụng của ngân hàng giảm sút. Hợp đồng quyền chọn tín dụng cũng có thể được sử dụng để bảo vệ ngân hàng trước rủi ro chi phí vay vốn tăng do chất lượng tín dụng của ngân hàng giảm sút.

c. Mua bảo hiểm RRTD:

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu bù đắp rủi ro cho các khoản tín dụng cho các ngân hàng hay cho các khách hàng vay vốn, các doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới cũng như Việt Nam đã phát triển các sản phẩm bảo hiểm RRTD cho các khách hàng là ngân hàng hay các tổ chức, cá nhân vay vốn. Nhiều ngân hàng đã yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm cho các khoản vay và coi như là một yêu cầu bắt buộc trước khi được cấp tín dụng (bảo hiểm tín dụng dự án, tín dụng cá nhân...). Bản thân ngân hàng, để đảm bảo bù đắp một phần hay tổn thất cho các khoản tín dụng cấp cho khách hàng, ngân hàng có thể chủ động mua bảo hiểm tín dụng cho một số trường hợp.

d. Xử lý nợ xấu

Khi một khoản vay bị xếp xuống nhóm nợ xấu thì ngân hàng sẽ chuyển sang bộ phận xử lý nợ xấu, thực hiện rà soát khoản vay, lập phương án gặp gỡ khách hàng để tìm hướng khắc phục. Hiện nay, đang tồn tại 2 loại xử lý nợ:

- Một là, hình thức xử lý khai thác: bao gồm cho vay thêm, bổ sung tài sản bảo đảm, chuyển nợ quá hạn, thực hiện khoanh nợ xóa nợ, chỉ định đại diện tham gia quản trị doanh nghiệp.

- Hai là, hình thức xử lý các biện pháp thanh lý: bao gồm xử lý nợ tồn đọng (bao gồm nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm, và không có tài sản đảm bảo); thanh lý doanh nghiệp, khởi kiện, bán nợ cho các tổ chức được phép mua bán nợ (như DATC, VAMC..), sử dụng dự phòng rủi ro và sự trợ giúp của Chính phủ. (đối với các khoản cho vay có chỉ định).

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGĂN HÀNGTHƯƠNG MẠI CÔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH KHU CÔNG NGHIỆP PHÚ TÀI (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w