1.2.7.1. Nhân tố chủ quan
❖Sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp
Đây là một nhân tố tích cực trong việc góp phần hoàn thiện phân tích tài chính doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo có quan tâm và hiểu được tầm quan trọng của việc phân tích tài chính thì mới đầu tư công nghệ và phần mềm phục vụ cho công việc này, đào tạo nhân viên thành đội ngũ chuyên nghiệp, xây dựng các quy trình phân tích khoa học cho nhân viên thực hiện, chỉ đạo sự phối hợp giữa các phòng ban trong việc cung cấp thông tin, hồi âm kết quả, áp dụng các giải pháp mà việc phân tích tài chính đưa ra để làm tốt hơn quá trình phân tích sau.
❖Thông tin sử dụng
Thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng phân tích tài chính. Thông tin càng đầy đủ, rõ ràng và thường xuyên cập nhật thì kết quả phân tích càng có hiệu quả phục vụ cho việc ra quyết định chính xác. Ngược lại, thông tin sử dụng không chính xác, rõ ràng thì kết quả của phân tích tài chính sẽ trở nên vô nghĩa. Vì vậy có thể nói thông tin sử dụng trong phân tích tài chính là nền tảng của phân tích tài chính.
Từ những thông tin bên trong trực tiếp phản ánh tài chính doanh nghiệp đến những thông tin bên ngoài liên quan đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp, nhà phân tích có thể thấy được tình hình tài chính doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và dự đoán tương lai.
❖Trình độ cán bộ phân tích
Hiện nay, không khó để tìm kiếm thông tin, số liệu về một doanh nghiệp nhưng việc làm sao để đưa nó vào các phân tích để làm nên một bản phân tích thực sự hiệu quả thì lại không hề đơn giản, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một đội ngũ cán bộ chuyên trách để có thể tái hiện toàn bộ thực trạng của doanh nghiệp mình thông qua các phương pháp phân tích tài chính. Bằng kĩ năng và nghiệp vụ của mình, các nhà phân tích sẽ thu thập, xử lí những số liệu thô, tính toán ra các chỉ tiêu, thiết lập bảng biểu... bên cạnh đó, các nhà phân tích sẽ gắn kết, tạo mối liên hệ
giữa các chỉ tiêu, kết hợp với những thông tin và hoàn cảnh cụ thể để có thể lý giải về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tìm ra điểm mạnh điểm yếu và hướng đi mới để khắc phục những điểm yếu đó một cách hiệu quả nhất.
❖Công nghệ và phần mềm sử dụng trong phân tích
Việc phân tích tài chính đòi hỏi phải thu thập và xử lý một lượng thông tin vô cùng lớn, được thu thập từ nhiều nguồn, có nhiều phép tính phức tạp phải tính toán nhiều, đòi hỏi độ chính xác cao. Nếu sử dụng các phương pháp thủ công và chỉ sử dụng con người thì rất khó để có thể làm việc với khối lượng thông tin khổng lồ như vậy và đương nhiên, việc tính toán nhiều sẽ khó có thể tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn cũng như không đáp ứng được về mặt thời gian cho người sử dụng.
Trong thời đại khoa học hiện đại trở nên phổ biến và phát triển như hiện nay, việc ứng dụng các thành quả công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, cập nhật các thông tin và những sáng chế mới, giúp cho doanh nghiệp có khả năng phát triển một cách vững vàng.
Ứng dụng những phần mềm thống kê, thu thập số liệu, phân tích tài chính, phần mềm kế toán hiện đại sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao được độ chính xác của các thông tin, các con số tính toán, các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính. Từ đó, các báo cáo tài chính sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, đưa ra được tình hình thực tế hoạt động tài chính hiện tại của doanh nghiệp, cung cấp cái nhìn đúng đắn cho những nhà quản trị doanh nghiệp, quản lý Nhà nước, những đối tượng quan tâm khác đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
❖Tần suất phân tích tài chính
Để đánh giá mức độ hoàn thiện của phân tích tài chính thì tần suất phân tích cũng là một chỉ tiêu quan trọng. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tiến hành phân tích tài chính doanh nghiệp một năm một lần, thường là cuối năm sau khi hoàn thiện 4 báo cáo tài chính, trên cơ sở đó các doanh nghiệp mới tiến hành phân tích các chỉ tiêu tài chính để đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong 1 năm vừa qua so với kế hoạch đề ra, so với năm trước như thế nào. Như vậy, thông tin cung cấp chưa được cập nhật liên tục, các thông tin đôi khi phản ảnh không sát với
thực tế kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm ra quyết định vì thế gây khó khăn cho việc ra quyết định của người sử dụng thông tin.
Để khắc những hạn chế nêu trên, các doanh nghiệp cần phải thường xuyên cập nhật thông tin phục vụ cho việc phân tích, tránh sai sót trong việc nhập số liệu, đồng thời cũng tăng tần suất phân tích các chỉ tiêu tài chính theo quý thậm chí theo tháng tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp.
1.2.7.2. Nhân tố khách quan
Bên cạnh những yếu tố nội tại của doanh nghiệp cũng còn nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến kết quả việc hoàn thiện phân tích tài chính như sau:
❖Khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách của Nhà nước
Đây là một yếu tố ảnh hưởng tương đối lớn đến việc hoàn thiện phân tích tài chính doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp bị chi phối bởi các điều luật, quy định do Nhà nước đặt ra. Luật pháp yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động phải có đầy đủ hệ thống báo cáo tài chính theo quy định của Nhà nước. Môi trường pháp lý có thể tác động đến tình hình tài chính doanh nghiệp theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp trong lĩnh vực tài chính sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn.
❖Hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành
Hầu hết các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động cũng chịu sự chi phối của các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Chính vì thế, việc sử dụng hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành trong quá trình phân tích là không thể thiếu. Hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành là một cơ sở tham chiếu quan trọng khi tiến hành phân tích làm cho việc phân tích tài chính đầy đủ và có ý nghĩa hơn. Qua việc đối chiếu với các chỉ tiêu trung bình ngành cho thấy được vị thế của doanh nghiệp, thực trạng tài chính cũng như thực chất hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
❖Chế độ kế toán hiện hành
Chế độ kế toán khi doanh nghiệp áp dụng vào thực tế còn gặp nhiều bất cập. Việc thay đổi chính sách thuế, chế độ kế toán áp dụng, hướng dẫn thực hiện,... cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định và tính toán các chỉ tiêu tài chính.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Phân tích tài chính là công việc không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Thông qua phân tích tài chính làm lộ ra những ưu điểm cũng như hạn chế của doanh nghiệp để từ đó giúp các nhà quản lý đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Nhu cầu thông tin tài chính về doanh nghiệp là cần thiết. Để có thể đáp ứng nhu cầu thông tin khác nhau của các đối tượng khác nhau đòi hỏi phải sử dụng những nguồn tài liệu cũng như phương pháp phân tích phù hợp để có thể đánh giá đầy đủ và toàn diện các nội dung cần phân tích.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TẠI NHÀ MÁY Z119 - CỤC KỸ THUẬT QUÂN CHỦNG
PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN