Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THANH TRA,GIÁMSÁT HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNGMẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 73 - 79)

5. Kết cấu của luận văn

2.3.2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

2.3.2.1. Những tồn tại, hạn chế

Nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ để đáp ứng nhu cầu công việc. Trong điều kiện đối tượng quản lý, thanh tra, giám sát ngày càng phát triển về quy mô, về tính phức tạp và sự đa dạng; cùng với đó là yêu cầu hoàn thiện khung thể chế về tổ chức và hoạt động của TCTD, tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, nhưng số lượng cán bộ của Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ thanh tra của NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên có những thay đổi nhất định. Đến cuối năm 2007 giảm 1 cán bộ chỉ còn 8 người, gần cuối năm 2008 bổ sung 2 cán bộ mới được tuyển dụng nâng tổng số lên 10 cán bộ, nhưng đến cuối năm 2009 lại giảm 2 cán bộ còn 8 cán bộ.

Bên cạnh hạn chế về số lượng, trình độ cán bộ đang là một vấn đề cần quan tâm. Các cán bộ lâu năm, có kinh nghiệm thực tế được điều động sang lĩnh vực khác hoặc phần nào hạn chế trong việc tiếp cận, ứng dụng những phương pháp, kỹ năng mới trong hoạt động quản lý thanh tra, giám sát, cũng như nắm bắt và xử lý những vấn đề mới trong hoạt động của TCTD nói chung, NHTM nói riêng. Số cán bộ mới tuyển dụng được đào tạo cơ bản về lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng phân tích, tổng hợp chuyên sâu; kiến thức pháp lý, thực tiễn hoạt động ngân hàng và đặc biệt là kỹ năng xử lý công việc trong lĩnh vực thanh tra, giám sát còn nhiều hạn chế.

2.3.2.2. Nguyên nhân dân đến tồn tại, hạn chế

Phương thức thanh tra đã có tiến bộ, nhưng chưa thật hiệu quả. Hiện tại, đối với thanh tra tại chỗ NHTM nói riêng và các TCTD nói chung, thanh tra thường làm thay chức năng của bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ của TCTD. Đó là khi thanh tra tại chỗ, chúng ta thường kiểm tra đến từng hồ sơ, chứng từ của các TCTD, thậm chí kiểm tra cả những khách hàng đang có quan hệ với TCTD, chưa quan tâm nhiều đến thanh tra việc quản trị rủi ro của lãnh đạo các TCTD.

Phương pháp thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật vẫn được áp dụng chủ yếu. Việc triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro tiến hành chậm và mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, phạm vi hẹp. Nguyên nhân là do những điều kiện cần thiết cho việc áp dụng thanh tra trên cơ sở rủi ro chưa được bảo đảm, trong đó có yếu tố về trình độ cán bộ, khung pháp lý có liên quan và bản thân hạ tầng quản trị rủi ro của TCTD.

2.3.2.3. Công tác giám sát từ xa còn nhiều khó khăn

Thực trạng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát từ xa còn nhiều bất cập như: đường truyền dữ liệu từ TCTD phải qua NHNN tỉnh, thành phố (đối với NHTMCP), qua Cục Công nghệ tin học ngân hàng, từ đó mới truyền số liệu về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có các Phòng Giao Dịch của một số NHTM cổ phần nên với đường truyền như vậy, thông tin về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của NHTƯ nói chung, chi nhánh NHNN tỉnh Thái Nguyên nói riêng rất chậm và không cập nhật.

Mặt khác, trong khi hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và công nghệ thông tin tại các TCTD đã ở trình độ cao thì hệ thống giám sát các TCTD đang được áp dụng (bao gồm công nghệ thông tin, chất lượng truyền, cơ

sở vật chất, kỹ thuật...) vận hành trên 10 năm nay, đã trở nên rất lạc hậu so với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Mặt khác, sản phẩm hoạt động giám sát từ xa còn thiếu tính cập nhật, khả năng dự báo rủi ro chưa cao, chưa đánh giá hoạt động của TCTD nói chung và NHTM nói riêng theo tiêu chuẩn CAMELS. Do chương trình giám sát từ xa bị lỗi nên Thanh tra, giám sát chi nhánh NHNN tỉnh Thái Nguyên năm 2009 không thực hiện việc phân tích giám sát như đã đề cập ở trên. Chính vì thế, hoạt động giám sát từ xa chưa hỗ trợ nhiều cho công tác thanh tra tại chỗ, thông qua việc đưa ra các dấu hiệu cảnh báo, xác định khu vực tập trung rủi ro để làm cơ sở xác định phạm vi, nội dung thanh tra tại chỗ.

2.3.2.4. về thể chế và điều hành thanh tra, giám sát ngân hàng chưa tương thích với quản trị Tổ chức tín dụng hiện đại

Các thể chế trong điều hành hoạt động thanh tra, giám sát chuyên ngành ngân hàng được quy định trong Luật Thanh tra, Luật NHNN, Luật các TCTD, Nghị định số 91/1999/NĐ-CP, Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 04/2000/TT-NHNN và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đang nổi lên một số bất cập trong chỉ đạo điều hành thanh tra ngân hàng, không tương thích với quản trị theo xu hướng tập trung của các TCTD. Mặt khác, hiện nay công tác thanh tra ngân hàng còn thiếu rất nhiều các quy định mang tính chuyên môn sâu, như: Quy trình thanh tra chuyên ngành về ngân hàng; quy trình giám sát rủi ro tài chính đối với các TCTD riêng lẻ; Quy trình đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản lý rủi ro, tình hình tài chính và hoạt động của TCTD riêng lẻ; Quy trình thanh tra trong môi trường tin học. Thực tế trên gây nên những khó khăn cho cán bộ làm công tác thanh tra nói chung trong đó có các cán bộ thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên trong việc đưa ra đánh giá, nhận định một cách chính xác và nhất quán về đối tượng thanh tra. Điều này đã và đang làm

giảm hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra hoạt động của các NHTM nói chung và nhất là làm giảm hiệu quả, hiệu lực thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM nói riêng.

2.3.2.5. Công tác xây dựng, hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) nói chung và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Nguyên nói riêng còn khó khăn

Với chức năng, nhiệm vụ được giao rất lớn và với những định hướng hoạt động được đưa ra trong Đề án phát triển Ngành Ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Đề án cải cách tổ chức và hoạt động Thanh tra Ngân hàng liên quan đến vị thế, vai trò, quyền hạn, trình độ phát triển của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, cần thiết phải có những nghiên cứu đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch, lộ trình phát triển của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong giai đoạn 5 năm và 10 năm. Tuy nhiên, đến nay công việc này chưa được triển khai. Nguyên nhân chính là do trong 1 năm qua, nhân lực và thời gian của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tại NHTƯ đã phải tập trung cho những đòi hỏi gấp rút về hoàn thiện khung thể chế, xử lý những vụ việc đột xuất trong công tác thanh tra, giám sát và việc ổn định tổ chức, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc... Chính những nguyên nhân này, phần nào đã ảnh hưởng đến hoạt động thanh tr a, giám sát của chi nhánh NHNN tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện chương trình công tác của Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh còn bị động. Cụ thể:

Năm 2007, so với chương trình xây dựng đầu năm phải điều chỉnh giảm 1 cuộc thanh tra vì Thanh tra NHNN thông báo không thực hiện thanh tra NHCSXH nên thanh tra chi nhánh thông báo để đơn vị tổ chức tự kiểm tra.

Năm 2008, so với chương trình xây dựng đầu năm thì Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên phải điều chỉnh giảm 2 cuộc thanh tra. Đó là cuộc thanh tra NHNo&PHNT tỉnh do Thanh tra NHNN thông báo điều chỉnh sang năm 2009 và cuộc thanh tra chi nhánh NHĐT&PT không thực hiện được do Kiểm toán Nhà nước đang kiểm tra tại chi nhánh NHĐT&PT tỉnh Thái Nguyên từ ngày 10-11 đến hết ngày 26-11-2008.

2.3.2.6. Mô hình tổ chức thay đổi cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động thanh tra ngân hàng

Mô hình tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của NHTƯ vừa mới được định hình từ ngày 01/8/2009 theo Quyết định số 83/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của NHTƯ hiện nay bên cạnh những ưu điểm hiện cũng đang bộc lộ những hạn chế. Ngoài những vướng mắc về cơ cấu tổ chức của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, mối quan hệ về tổ chức và hoạt động giữa cơ quan Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với thanh tra giám sát NHNN chi nhánh còn nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến một thực tế hiện nay là hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát đối với hệ thống TCTD nói chung NHTM nói riêng chưa thực sự mang tính tập trung, thống nhất và nhất quán. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2, tác giả đã nêu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên cũng như chi tiết về đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát ngân hàng của chi nhánh NHNN tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời đề cập đến cơ cấu các TCTD nói chung, các NHTM nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và khái quát về hoạt động kinh doanh của các NHTM. Sau đó tác giả đã nêu khá đầy đủ về thực trạng công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM. Qua đó, rút ra những kết quả đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM. Thiết nghĩ những kết quả nghiên cứu ở phần lý luận chương 1 và thực tế ở chương 2 sẽ là cơ sở để tác giả đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng của các NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ở chương 3.

Chương 3

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THANH TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NHTM

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THANH TRA,GIÁMSÁT HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNGMẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 73 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(116 trang)
w