Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay, việc người dân của nước này sử dụng đồng tiền của nước khác trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia mình cũng là một hiện tượng kinh tế khách quan và tự nhiên. Bởi vậy để đánh giá được mức độ Đôla hoá của một quốc gia là hiện tượng tự nhiên hay đang ở mức cao, đáng báo động, chúng ta phải lượng hoá được mức độ Đôla Hoá của nền kinh tế. Đô la hoá thể hiện ở cả ba chức năng của tiền tệ, nên để đo
lường chính xác tỉ lệ Đôla hoá của một nền kinh tế, ta phải đánh giá theo ba tiêu chí:
- Tỉ lệ dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế trên tổng dự trữ của nền kinh tế. - Tỉ lệ thanh toán bằng ngoại tệ trên tổng khối lượng thanh toán.
- Tỉ lệ các giao dịch được niêm yết, định giá bằng ngoại tệ trên tổng các
giao dịch.
Theo tiêu chí của IMF đưa ra, tiêu chuẩn để đánh giá mức độ Đôla hoá của nền kinh tế là Tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2). Nếu như tỉ lệ này lớn hơn 30% thì nền kinh tế đó được coi là có tình trạng Đôla hoá cao. Việc xác định tình trạng đôla hoá theo công thức FCD/M2 được đánh giá là khá chính xác ở những nước mà phần lớn giao dịch thanh toán đều thực hiện qua ngân hàng. Còn ở Việt Nam, nơi mà tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn rất lớn, tỷ lệ FCD/M2 không phản ánh đầy đủ thực trạng đôla hoá trong toàn bộ nền kinh tế.