Không nên duy trì quyền sở hữu cá nhân đối với ngoại tệ không có nguồn gốc hợp pháp, tiến tới xoá bỏ tiết kiệm ngoại tệ. Số ngoại tệ không có nguồn gốc hợp pháp đang còn trên tài khoản tiết kiệm ngoại tệ hoặc do cá nhân đang cất giữ thì phải bán hết cho ngân hàng. Số ngoại tệ mang ra khỏi Việt Nam khi xuất cảnh đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc (là ngoại tệ rút từ tài khoản cá nhân, hoặc mua tại ngân hàng, hoặc nằm trong số ngoại tệ đưa vào Việt Nam một cách hợp pháp trước đó).
Để tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, kiều bào, người Việt Nam từ nước ngoài về nước đổi ngoại tệ lấy đồng Việt Nam được dễ
dàng, thuận lợi và nhanh chóng, cần mở rộng mạng lưới thu đổi ngoại tệ tại các cửa khẩu, sân bay, ga cảng, khu du lịch, siêu thị, các khách sạn quốc tế...Đồng thời, tiếp tục đổi mới thu đổi ngoại tệ một cách thông thoáng, nhanh gọn, nhằm khuyến khích nhiều người có ngoại tệ đổi qua ngân hàng, thu hẹp hoạt động trao đổi, mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra thị trường, kiểm soát các đại lý thu đổi ngoại tệ, ngăn chặn việc lưu thông thanh toán bằng ngoại tệ bất hợp pháp. Cần có sự phối hợp quản lý về thông tin, về hành động giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, ví dụ như: công an theo dõi, phát hiện những người hành nghề thu gom ngoại tệ lậu, hải quan kiểm soát các luồng ngoại tệ ra vào Việt Nam trong trường hợp xuất nhập cảnh, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, chống buôn lậu, toà án, viện kiểm sát cần xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân cố tình vi phạm.
Tổ chức tốt công tác giao dục tuyên truyền thông qua các hình thức hội thảo tuyên truyền, thông tin đài báo, đưa vào các chương trình giáo dục học đường để làm cho mọi người dân thấy rõ ý nghĩa kinh tế - chính trị của việc bảo vệ chủ quyền tiền tệ, để người dân có ý thức và trách nhiệm chấp hành luật quản lý ngoại hối.