Về điều hành thị trường ngoại hối

Một phần của tài liệu HIỆN TƯỢNG ĐÔLA HOÁ TẠI VIỆT NAMVÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN CHÍNH SÁCH TIỀNTỆ (Trang 76 - 78)

Cùng với việc công bố hàng ngày tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường để có biện pháp xử lý chủ động, phù hợp, kịp thời. Duy trì và kiểm soát việc thực hiện mức tỷ giá giao dịch tối đa cho phép của các NHTM. Bản thân biên độ

giao dịch cũng không nhất thiết ấn định một cách cứng nhắc mà được điều chỉnh tuỳ theo động thái của thị trường. Khi đồng Việt Nam có xu hướng lên giá so với ngoại tệ thì có thể áp dụng sàn tỷ giá, để khống chế chiều giảm của tỷ giá giao dịch. Việc áp dụng những biện pháp hành chính này để góp phần cải thiện, kiểm soát và điều tiết thị trường, hướng thị trường theo những chính sách vĩ mô là cần thiết, đặc biệt trong khi chúng ta chưa có đủ các công cụ và đủ thực lực kiểm soát thị trường chỉ thông qua các biện pháp kinh tế.

Tăng cường khả năng can thiệp linh hoạt, hiệu quả của NHTW trên thị trường ngoại hối. NHTW cần coi trọng việc duy trì và quản lý dự trữ ngoại hối theo hướng tập trung, thống nhất, an toàn và kịp thời đáp ứng các nhu cầu can thiệp khi cần thiết. Để hỗ trợ cho tỷ giá, cần điều chỉnh lãi suất linh hoạt, hợp lý, lãi suất nội tệ thực dương, thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ để chống dòng chuyển đổi từ VNĐ sang USD, cân bằng cơ cấu tiền gửi giữa nội tệ và ngoại tệ. Ngoài ra, cần phát triển mạnh thị trường nội tệ cho tương xứng với thị trường ngoại tệ, tạo ra cơ sở và các công cụ cần thiết để có thể can thiệp một cách đồng bộ cả trên thị trường nội tệ và ngoại tệ.

Quy định mức lãi suất tiền gửi bằng USD của các doanh nghiệp tại ngân hàng cho phù hợp với chức năng chủ yếu của loại tài khoản này là làm nhiệm vụ thanh toán với nước ngoài, chứ không phải để tích trữ ngoại tệ. Đảm bảo tương quan hợp lý với lãi suất tiền gửi VNĐ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bán số ngoại tệ chưa sử dụng để lấy VNĐ gửi vào ngân hàng, góp phần tăng cung và tăng luồng chu chuyển ngoại tệ và ổn định thị trường ngoại tệ.

Hoàn thiện và mở rộng các loại hình giao dịch kỳ hạn, hoán đổi...kích thích thị trường hối đoái ngày càng phát triển. Cho phép các NHTM và các doanh nghiệp được linh hoạt lựa chọn các công cụ giao dịch để dự đoán và phòng tránh rủi ro khi tỷ giá biến động, chủ động trong kinh doanh. Tuy nhiên, do mức độ phát triển của thị trường hối đoái còn thấp, nhiều khi không

phản ánh xác thực cung cầu ngoại tệ, sức ép của cầu ngoại tệ đối với tỷ giá còn rất lớn nên cần khống chế giới hạn đối với tỷ giá kỳ hạn. Có thể căn cứ vào quan hệ cung cầu thực tế, kỳ vọng về biến động tỷ giá, chênh lệch lãi suất, chính sách khuyến khích hay hạn chế giao dịch kỳ hạn để điều chỉnh mức gia tăng cho phép đối với giao dịch kỳ hạn.

Mở rộng đối tượng và đa dạng hoá hơn nữa các hình thức tham gia giao dịch trên thị trường ngoại tệ như: tổ chức đấu thầu các đợt mua bán ngoại tệ giữa các khách hàng giao dịch số lượng lớn, thực hiện hợp đồng mua lại ngoại tệ kiều hối, hợp đồng kết hối tự nguyện theo thoả thuận...

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh hối đoái của các NHTM nhằm hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, tránh tạo cầu ngoại tệ giả tạo gây các cú sốc tỷ giá. Đặc biệt chú trọng đến việc duy trì quản lý trạng thái ngoại hối đối với các NHTM trong nước, trạng thái đồng Việt Nam đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ kinh doanh ngoại hối.

Trong tương lai có thể cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn tham gia vào thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, để tăng lượng giao dịch ngoại tệ trên thị trường, phản ánh xác thực hơn cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế, tiến tới thành lập và hoàn thiện thị trường hối đoái ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu HIỆN TƯỢNG ĐÔLA HOÁ TẠI VIỆT NAMVÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN CHÍNH SÁCH TIỀNTỆ (Trang 76 - 78)