Từ việc nghiên cứu các kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng của các Ngân hàng thương mại trên thế giới và thực trạng quản lý rủi ro tín dụng hiện nay của các Ngân hàng thương mại Việt Nam, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm cho các Ngân hàng thương mại Việt Nam là:
Thứ nhất, phải thực sự coi trọng chất lượng tín dụng. Chất lượng tín dụng phải được coi trọng hơn tăng trưởng về quy mô và dư nợ tín dụng. Vào những thời điểm mở rộng tín dụng cho vay, người ta dễ bỏ qua những tiêu chuẩn về khẩu vị rủi ro và thường mở rộng cho vay. Theo đuổi chính sách mở rộng tín dụng bằng cách nới lỏng quy định về đảm bảo an toàn sẽ mang lại nhiều tổn thất hơn là lợi nhuận cho Ngân hàng.
Thứ hai, Ngân hàng nên tách bạch, phân công rõ chức năng nhiệm vụ của các bộ phận và tuân thủ chặt chẽ các khâu trong quy trình cấp tín dụng. Có thể thấy điều này ở các Ngân hàng Bangkok Bank và Siam Comercial Bank (SCB) của Thái Lan. Quy trình cấp tín dụng của họ có thể khái quát như sau: tiếp xúc khách hàng, phân tích tín dụng, thẩm định tín dụng, đánh giá rủi ro, quyết định cho vay, thủ tục giấy tờ hợp đồng, đánh giá chất lượng, xem lại khoản vay.
Thứ ba, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong quy trình cấp tín dụng để không rơi vào cuộc khủng hoảng như ở Thái Lan những năm 1997 - 1998. Cụ thể khi khách hàng đến vay vốn, các bộ phận có liên quan trong Ngân hàng phải giải đáp các vấn đề như: tư cách của người vay, năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính khách hàng, mục đích khoản vay, nguồn trả nợ, trước khi quyết định cho vay.
Để giải đáp các câu hỏi trên đòi hỏi Ngân hàng phải phân tích tài chính, trong đó coi trọng đến dòng tiền và vòng thu hồi vốn đầu tư của khách hàng. Việc phân tích tài chính phải kết hợp với các nguyên nhân khách hàng vay, đánh giá được các
phương tiện rủi ro ngành, rủi ro trong kinh doanh...
Thứ tư, áp dụng các phương pháp cho điểm tín dụng khách hàng (Credit Scoring) làm cơ sở ra quyết định. Có nghĩa là các Ngân hàng nhất thiết phải xây dựng một hệ thống chấm điểm tín dụng cho từng đối tượng khách hàng một cách chi tiết cho từng ngành kinh tế, linh hoạt theo thị trường, đảm bảo sát với thực tế hoạt động của khách hàng. Đồng thời quy định các phương pháp cụ thể để đánh giá cho điểm khách hàng nhằm chọn ra những khách hàng tiềm năng nhất, giảm nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.
Thứ năm, xây dựng và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc phân quyền trong ra quyết định tín dụng. Việc xây dựng nguyên tắc phân quyền trong ra quyết định tín dụng một cách chi tiết, hợp lý sẽ quy định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia phân quyền, các mức xét duyệt tín dụng được phân chia tùy thuộc vào tình hình hoạt động, quy mô vốn của mỗi Ngân hàng. Ví dụ đối với một khoản cho vay có giá trị nhỏ có thể do một người xét duyệt, khi giá trị khoản vay đó tăng lên yêu cầu phải có một hội đồng tín dụng cấp cao hơn xét duyệt. Việc tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc phân quyền đề ra sẽ hạn chế tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ trong Ngân hàng khi ra một quyết định cho vay bất hợp lý, đồng thời giúp Ngân hàng tránh được những rủi ro mất vốn lớn, nâng cao tính minh bạch khi cấp vốn.
Thứ sáu, giám sát khoản vay sau khi ký kết hợp đồng. Sau khi cho vay, Ngân hàng phải coi trọng việc kiểm tra, giám sát các khoản vay bằng cách tiếp tục thu thập thông tin về khách hàng, thường xuyên giám sát và đánh giá xếp loại khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống rủi ro giúp Ngân hàng quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng của mình.
TỔNG KẾT CHƯƠNG I
Qua các lý thuyết về rủi ro và qua kinh nghiệm của một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển cũng từng trả giá đắt cho những rủi ro trong tín dụng cho chúng ta thấy được rằng hoạt động Ngân hàng nói chung và tín dụng nói riêng không thể tránh khỏi sự rủi ro. Vấn đề đặt ra cho các Ngân hàng là làm thế nào để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Muốn vậy bản thân mỗi Ngân hàng phải biết đánh giá đúng thực trạng của mình trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động thất thường như hiện nay để thông qua đó đề ra được những biện pháp phù hợp nhằm phòng tránh và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng nói chung và rủi ro tín dụng nói riêng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÊ DUYỆT TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM