Lịch sử hình thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam chi nhánh sở giao dịch theo tiêu chuẩn basel II (Trang 41 - 43)

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được chính thức thành lập ngày 01/04/1963 theo Quyết định số 115/CP do Hội đồng Chính phủ ban hành trên cơ sở tách ra từ Cục Quản Lý Ngoại Hối trực thuộc Ngân hàng Trung ương (nay là NHNN). Tại thời điểm này, NHNT đóng vai trò là Ngân hàng chuyên doanh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại bao gồm cho vay tài trợ xuất nhập khẩu và các dịch vụ kinh tế đối ngoại khác…

Ngày 26/03/1988 Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) đã ra nghị định số 53/HĐBT quy định rõ: NHNN là cơ quan của HĐBT được tổ chức thành hệ thống nhất trong cả nước gồm 2 cấp: NHNN là cấp quản lí và các ngân hàng chuyên doanh trực thuộc, gồm Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

Đến ngày 14/11/1990, NHNT chính thức chuyển từ một ngân hàng chuyên doanh, độc quyền trong hoạt đông kinh tế đối ngoại sang một NHTM nhà nước hoạt động đa năng theo Quyết định số 403 – CT ngày 14/11/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Với 02 pháp lệnh được ban hành, NHNT về kinh doanh ngoại hối chuyển vào môi trường tự do cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác.

Ngày 21/09/1996, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 286/QĐ-NH5 về việc thành lập lại NHNT theo mô hình Tổng công ty 90, 91 được quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 1994 của Thủ tướng Chính Phủ.

Ngày 02/06/2008, theo Quyết định số 138/GP-NHNN ngày 23/05/2008 của Thống đốc NHNN, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chính thức chuyển đổi từ NHTM Nhà nước thành Ngân hàng TMCP lấy tên là ngân hàng TMCP Ngoại thương, tên đầy đủ bằng Tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Viet Nam.

Cùng với sự phát triển của NHNT Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Trung ương và SGD NHNT cũng ngày một phát triển, mở rộng về quy mô lẫn nghiệp vụ.

Năm 1991, SGD NHNT TW được thành lập. Trong thời gian đầu thành lập, SGD là đơn vị phụ thuộc VCB H.O, thực hiện các hoạt động của VCB H.O. SGD đóng vai trò đầu mối thực thi chiến lược phát triển các sản phầm, dịch vụ của NHNT Việt Nam, là cầu nối cho NHNT Việt Nam với khách hàng của mình.

Ngày 20/01/2001, NHNT khai trương tòa nhà VCB Tower tại địa chỉ 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. VCB H.O và SGD NHNT TW được đặt tại Trụ sở này.

Ngày 28/12/2005, theo Quyết định số 1215/QĐ-NHNT.TCCB&ĐT của Hội đồng quản trị NHNT Việt Nam và tới ngày 01/01/2006, SGD được chính thức tách khỏi Hội sở chính, hoạt động như một chi nhánh, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng. SGD cùng các chi nhánh trong toàn hệ thống trên cả nước sẽ không ngừng xây dựng và phát triển, phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách hàng, góp phần thiết thực vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà.

Ngày 30/10/2008, SGD Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã chính thức khai trương trụ sở hoạt động mới tại 31-33 Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với trụ sở làm việc mới, SGD đã thêm một bước khẳng định sự độc lập, tự chủ trong hoạt động của mình.

Bên cạnh hoạt động như một chi nhánh VCB với thị phần lớn trong nhiều lĩnh vực tại Hà Nội, SGD còn là nơi tiên phong thực hiện các chủ trương chính sách của VCB, đi đầu trong việc thử nghiệm và triển khai các sản phẩm mới cũng như thực hiện một số nghiệp vụ đặc thù khác.

Lãnh đạo SGD NHNT Việt Nam gồm có một Giám đốc và bốn Phó Giám đốc phụ trách các mảng nghiệp vụ. Hiện tại SGD có khoảng gần 600 nhân viên, với 25 phòng chức năng trong đó có 4 phòng chuyên môn, 11 phòng nghiệp vụ, 10 PGD được đặt tại các địa điểm trên khắp Thành phố Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam chi nhánh sở giao dịch theo tiêu chuẩn basel II (Trang 41 - 43)