Cơ sở để thiết kế bài giảng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong dạy học địa lí lớp 12 THPT ở tỉnh điện biên (Trang 33 - 37)

1. Những vấn đề chung về phương pháp dạy học

1.3.2. Cơ sở để thiết kế bài giảng

Để có thể tiến hành thiết kế bài giảng đạt hiệu quả, giáo viên dựa vào cơ sở chủ yếu sau:

- Phải dựa vào mục đích, yêu cầu của bài học (yêu cầu về giáo dục, về lý luận dạy học và yêu cầu của bộ môn Địa lí).

+ Về giáo dục: nội dung bài giảng phải phản ánh trình độ phát triển của khoa học Địa lí hiện nay, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ tức là thông qua bài giảng để hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học, nhân sinh quan đúng đắn và lòng yêu nước, yêu quê hương.

+ Về lý luận dạy học:

* Ngoài một số điểm chung, mỗi bài giảng Địa lí có một cấu trúc riêng, phụ thuộc vào nội dung, nhiệm vụ, mục đích và loại hình của nó, như: bài nghiên cứu kiến thức mới có những nét khác cơ bản với bài ôn tập, bài thực hành... ở trường phổ thông hiện nay người ta thường cấu trúc các bài học Địa lí theo các bước: kiểm tra kiến thức cũ, trình bày kiến thức mới, khái quát hoá, ra bài tập.

* Bài giảng phải đảm bảo tính toàn diện của kế hoạch sư phạm: xác định rõ ràng mục đích của bài trong sự thống nhất giữa nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển.

* Tổ chức hoạt động nhận thức, phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình học tập, nhằm củng cố các kiến thức đã tiếp thu kiến thức mới và biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

* Lựa chọn hợp lý các phương pháp và phương tiện dạy chủ yếu và các phương pháp và phương tiện dạy cho từng phần (đơn vị kiến thức) của bài.

+ Về yêu cầu của bộ môn: là xác định mục đích, yêu cầu của bài còn phải xuất phát từ kiến thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo của chính nội dung bài học và thông qua đó phát triển cho học sinh năng lực nhận thức. Vì vậy mục đích, yêu cầu của một bài phải bao gồm cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và nhận thức hay nói rõ hơn là: mức độ nắm kiến thức, rèn luyện kỹ năng và phát triển tư duy. Cho nên khi xác định nội dung của bài phải căn cứ vào bài học trong sách giáo khoa Địa lý, giáo viên xác định các trọng tâm của bài phân tích những kiến thức nào là cơ bản, những khái niệm, qui luật cần phải nắm.

- Trình độ chuyên môn (kiến thức khoa học) của người giáo viên

+ Trình độ chuyên môn của người giáo viên có ý nghĩa quyết định để thiết kế bài giảng được tốt. Vì vậy, trước hết người giáo viên Địa lí phải có trình độ vững vàng về mặt khoa học Địa lí. Thời gian học tập ở trường sư phạm hạn chế, các giáo trình không thể cung cấp đầy đủ những kiến thức trong lĩnh vực khoa học Địa lí. Hơn nữa, trong xu thế phát triển của khoa học - kỹ thuật (nói chung) và của khoa học Địa lí (nói riêng) các kiến thức luôn luôn mở rộng phát triển. Nếu người giáo viên không tiếp tục nghiên cứu, học tập, tham khảo thêm những sách về khoa học Địa lí, thì sẽ không tự bổ sung được những kiến thức và sẽ trở thành lạc hậu.

+ Trình độ kiến thức khoa học càng sâu, càng vững vàng, thì càng dễ phân biệt được kiến thức, kỹ năng nào là cơ bản cần làm cho học sinh nắm vững bài giảng cũng như toàn bộ quá trình.

+ Ngoài kiến thức về khoa học Địa lí, giáo viên cũng cần có một số kiến thức liên ngành như: Triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, chính trị kinh tế học, chủ nghĩa xã hội khoa học, quan điểm đường lối chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay và các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội khác (kinh tế học, xã hội học, lịch sử, văn hoá...).

+ Nếu chỉ trình độ chuyên môn cao mà không có trình độ nghiệp vụ sư phạm vững vàng thì việc thiết kế bài giảng (soạn giáo án) khó có thể tốt. Một nhà khoa học giỏi có thể chưa phải là một giáo viên tốt. Vì rằng, nắm vững tri thức khoa học là một việc, mà truyền thụ tri thức đó cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh lĩnh hội được tốt (đạt được mục đích dạy học) lại là một việc khác.

+ Để làm được điều đó, đòi hỏi giáo viên phải nắm được tâm sinh lý của học sinh, đặc biệt tâm sinh lý lứa tuổi, nắm được quy luật của quá trình giảng dạy, giáo dục thích hợp. Vì thế, muốn thiết kế một bài giảng tốt thì người giáo viên không chỉ cần giỏi về khoa học địa lí mà phải cần có khả năng (kỹ năng) sư phạm (nghiệp vụ).

+ Những kiến thức về lĩnh vực khoa học sư phạm như: tâm lý học, giáo dục học, lý luận dạy học Địa lí và đặc biệt là xu thế phát triển của chính các khoa học này trong giai đoạn hiện nay (những quan điểm, xu hướng dạy học mới, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong xu thế phát triển của xã hội (sử dụng băng vi deo, chương trình vi tính...) người giáo viên cũng cần phải nắm được.

Tất cả những phẩm chất trên của GV có ảnh hưởng rất lớn đến việc thiết kế bài giảng, đến đổi mới phương pháp dạy học, đến nâng cao chất lượng dạy học - học Địa lí ở trường phổ thông, đến sự say mê, thích thú học tập bộ môn của học sinh, đến việc đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn, xã hội đòi hỏi đối với việc đào tạo thế hệ trẻ. Nhưng điều có tính chất quyết định hơn cả vẫn là việc biết vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn giảng dạy. Ngoài ra những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình giảng dạy Địa lí năm này qua năm khác cũng giúp giáo viên sáng tỏ thêm các vấn đề lý luận đã nắm và có điều kiện bổ sung, phát triển thêm lý luận dạy học bộ môn, góp phần phát triển lý luận dạy học (nói chung) và lý luận dạy học Địa lí (nói riêng) song, trước hết những kinh nghiệm đó sẽ giúp cho giáo viên thiết kế bài giảng và thực hiện bản thiết kế đó trên lớp (bài giảng) đạt được chất lượng.

- Những điều kiện về phương tiện, thiết bị kỹ thuật dạy học địa lí

Theo quan điểm cấu trúc hệ thống thì phương tiện dạy học là một nhân tố quan trọng trong quá trình dạy học (nói chung) và trong việc thiết kế bài giảng (nói riêng), nó cùng với các yếu tố khác như: nội dung dạy học, hoạt động của giáo viên, học sinh.... tạo thành một chỉnh thể và có quan hệ biện chứng trong khi thiết kế bài giảng và tiến hành bài giảng đạt hiệu quả.

Ngoài ra, phương tiện dạy học còn là một bộ phận không thể thiếu được trong khi tiến hành thiết kế bài giảng. Nó còn giúp cho giáo viên điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh, còn đối với học sinh là phương tiện lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng khi tiếp thu bài giảng.

Thông qua việc sử dụng các phương tiện dạy học, giáo viên còn giúp học sinh đào sâu tri thức đã lĩnh hội được và kích thích hứng thú nhận thức, năng lực quan sát, phân tích, tổng hợp để rút ra những kết luận cần thiết. Bên cạnh đó, phương tiện dạy học cũng giúp cho giáo viên có thêm những điều kiện thuận lợi để trình bày bài giảng một cách tinh giản, đầy đủ, sâu sắc...điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được thuận lợi hơn, có hiệu quả hơn.

Đặc biệt, trong thời đại ngày nay với xu thế tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, các phương tiện thiết bị kỹ thuật dạy học ngày càng thâm nhập sâu vào nhà trường. Chúng không những đã làm thay đổi các phương pháp dạy học truyền thống mà còn làm thay đổi quan niệm về nhiều vấn đề trong dạy học như nội dung dạy học, tiến trình dạy học... trong đó có tác động trực tiếp đến thiết kế bài giảng cụ thể là vai trò của giáo viên và học sinh sẽ có những điểm khác so với cách thiết kế bài giảng trước đây. Vì vậy các phương tiện dạy học Địa lí nếu được sử dụng đúng đắn không những sẽ góp phần nhằm tích cực vào việc nâng cao hiệu quả bài giản mà còn làm thay đổi việc soạn giáo án hay nói một cách khác là làm thay đổi cấu trúc của chính bài giảng [7],[17],[34].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong dạy học địa lí lớp 12 THPT ở tỉnh điện biên (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)