7. Bố cục của đề tài
3.3.3. Các công cụ điều chỉnh danh mục cho vay
Mua bán nợ
Mua bán nợ được xem là hình thức điều chỉnh danh mục cho vay đơn giản nhất nhưng còn nhiều hạn chế. Để khắc phục hạn chế và đưa mua bán nợ trở thành một công cụ điều chỉnh cơ cấu danh mục phổ biến, tác giả đề xuất như sau:
Ngân hàng cần tìm hiểu quy chế mua bán nợ từ phía NHNN để áp dụng phù hợp với mục đích của ngân hàng. Thay đổi quan niệm cho rằng chỉ có nợ xấu mới đưa ra trao đổi, mà nên sử dụng mua bán nợ như là công cụ để thay đổi linh hoạt cơ cấu danh mục, tăng hoặc giảm quy mô dư nợ khi cần thiết.
Khi hành lang pháp lý cho phép các công ty mua nợ xử lý tài sản liên quan đến nợ tồn đọng, công ty mua nợ có thể đại diện cho ngân hàng tham gia đàm phán thương lượng liên quan đến mua bán tài sản (trái phiếu, khoản nợ) với mọi đối tác khác nhau trên thị trường, kể cả việc tham gia vào thị trường chứng khoán hóa.
Ngân hàng nên áp dụng hoán đổi rủi ro tín dụng cho các khoản vay có giá trị lớn trên danh mục, liên quan đến một chủ thể vay và có tài sản bảo đảm. Sau đó tiến tới áp dụng cho danh mục các khoản vay tiêu dùng (thông qua trả góp hoặc thẻ tín dụng, của nhiều chủ thể vay khác nhau và có thể không có bảo đảm).
Hợp đồng giao dịch cần phải được chuẩn hóa, các quy định phải cụ thể chặt chẽ, nhất là sự kiện rủi ro có liên quan đến biến cố chi trả bảo hiểm cần phải xác định rõ phạm vi, giới hạn trả tiền và các trường hợp loại trừ. Tránh trường hợp quy định không rõ ràng dẫn đến tranh chấp giữa người tham gia bảo hiểm và công ty chi trả tiền bảo hiểm.
Chứng khoán hóa
Chứng khoán hóa là sự chuyển giao rủi ro tín dụng từ ngân hàng cho vay sang cho một loạt các nhà đầu tư, những người bỏ tiền ra mua chứng khoán. Hoạt động chuyển giao này thông qua một tổ chức là trung gian phát hành chứng khoán ra thị trường trên cơ sở các khoản cho vay của ngân hàng. Trong điều kiện hiện nay, không nhất thiết phải thành lập riêng tổ chức này mà có thể do các công ty chứng khoán, hoặc công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các NHTM thực hiện.
Chỉ nên áp dụng theo mô hình truyền thống, tức là chứng khoán hóa theo cơ chế chuyển giao. Áp dụng cơ chế này, công ty chứng khoán nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản vay từ ngân hàng, thực hiện phát hành ra thị trường các loại chứng khoán hay trái phiếu có cùng hạng, không nên phát hành theo kiểu các CMO có thứ hạng khác nhau, để giảm bớt công việc xếp hạng tín nhiệm làm căn cứ phân hạng chứng khoán phát hành. Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu dựa trên các khoản vay, ngoài việc duy trì mức vốn tự có, công ty phát hành còn phải ký quỹ đầy đủ tại tổ chức bảo lãnh, không nên áp dụng loại chứng khoán hóa không ký quỹ. Tương tự như hoán đổi rủi ro tín dụng, cần phải có quy định chuẩn hóa về khoản cho vay được chứng khoán hóa, chẳng hạn về quy mô, thời hạn, lãi suất cho vay ban đầu, điều kiện bảo đảm, chất lượng của khoản vay.