a). Dự báo dân số, lao động, tỷ lệ hộ nghèo
- Dân số: Hiện nay, dân số huyện Tây Sơn là 123.339 người, với tỷ lệ tăng dân số là 1,0%. Dự tính tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện sẽ giảm xuống còn
0,9% vào năm 2015 và dưới 0,8% vào năm 2020 (bình quân 0,8%/năm). Dân số sống ở vùng nông thôn (chiếm 80,63%).
Phát triển dân số với cơ cấu hợp lý là cơ sở cơ bản để phát triển nguồn nhân lực và lao động có chất lượng. Do vậy, việc ổn định dân số, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông - lâm nghiệp trong những năm tới là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các cấp, các ngành trong huyện.
- Lao động: Tổng số lao động xã hội đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân năm 2009 của huyện Tây Sơn là 64.978 người, trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ khoảng 24% (đào tạo nghề 17,26%); lao động nông, lâm nghiệp của huyện chiếm tỷ lệ 82,3% số lao động xã hội đang làm việc trong nền kinh tế, tương đương các huyện vùng núi khác. Tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực thị trấn, xã năm 2009 là 3,9%.
Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện phải đạt khoảng 25% và đến năm 2020 phải đạt 40% tổng số lao động của huyện (tỷ lệ chung của cả nước vào năm 2020 phấn đấu đạt 40-50% tổng lao động xã hội).
- Sự đói nghèo: Tình hình thu nhập và mức sống hiện nay của cộng đồng các dân tộc ở Tây Sơn còn ở mức thấp. Bình quân GDP trên đầu người của tỉnh chỉ bằng khoảng 60% bình quân chung của cả nước. Theo thống kê năm 2009 trên địa bàn tỉnh còn có 5 xã thuộc diện đói, nghèo (giảm 2 xã so với năm 2008) chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới. Đời sống đại bộ phận nhân dân trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nhất là đồng bào thiểu số.
b). Sự phụ thuộc vào rừng
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong những năm qua giảm đáng kể, nhưng vẫn là khu vực tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Tây Sơn là huyện miền núi, với diện tích lâm nghiệp là chủ yếu (chiếm 49,21% diện tích tự nhiên). Những năm trước đây, nguồn tài nguyên rừng còn nhiều, người dân chủ yếu sống dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên trong rừng như: gỗ, củi, thuốc chữa bệnh ... Dự kiến trong những năm tới các hoạt động lâm nghiệp sẽ gia tăng dưới nhiều hình thức như phát triển kinh tế trang
trại, trồng rừng kinh tế, trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi bảo vệ rừng và các hoạt động sản xuất chế biến.