Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết bằng tiếng tày của dương khâu luông (Trang 85 - 96)

7. Bố cục của luận văn

3.3.2. Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí

Trong bài viết “Những giấc mơ về miền quê cũ” (2006), tác giả Hoàng Quảng Uyên có nhận xét: “Thơ Dương Khâu Luông không nặng về triết lý

nhưng nhờ sự quan sát tinh tế với tấm lòng cảm thông nên từ những cảnh huống bình thường tự nó đã thành những bài học luân lý ” [67]. Điều này cho thấy, tư tưởng chung trong các sáng tác của Dương Khâu Luông là chân lí rút ra từ cuộc sống, là lương tri đạo đức của người bình dân, là minh triết của người dân tộc. Nó có ý nghĩa hiện tại và lâu dài. Nó là cẩm nang quý về cuộc sống.

Giọng điệu chiêm nghiệm triết lí được thể hiện trong hầu hết các tập thơ viết bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông. Mỗi bài thơ là một chiêm nghiệm của tác giả về con người và cuộc đời. Đó có khi là một bài học về đạo làm người, về cách đối nhân xử thế giữa những con người với nhau: “Vận cạ cằm

phuối pện lồm bên/ Tọ phuối căn cằm khôm phết/ Hết lừ lừm - Vẫn bảo rằng

lời nói gió bay/ Khi nói nhau lời cay đắng/ Nhưng làm sao quên” (Cằm phuối - Lời nói). Bài thơ là lời khuyên răn nhắc nhở mọi người về cách sử dụng ngôn

ngữ chung để tạo ra những lời nói cá nhân thật ý nghĩa. Đọc bài thơ hẳn người đọc sẽ liên tưởng đến bài ca dao: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói

cho vừa lòng nhau.

Không bộc lộ trực tiếp những điều mình muốn nói, nhà thơ mượn hình ảnh những con vật thông minh, nhanh nhẹn, có lối sống đẹp, có tinh thần đoàn

kết để đặt ra những vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Bài thơ (Pja, tấu vạ

cần - Cá, rùa và người) tuy ngôn ngữ giản dị mà hàm ý sâu xa: “Pja quai ni

oóc dản/ Tấu quai ni lồng vằng/ Cần quai ni quá hâư?- Cá khôn tìm ra chỗ nước xiết/ Rùa khôn tìm đến vực nước sâu/ Người khôn tìm về đâu?”. Đi từ

những quan sát thực tế về các hiện tượng tự nhiên bài thơ đặt ra câu hỏi thế nào là người khôn? Người khôn phải có những hành động như thế nào?

Trong bài thơ Tua chỏn eng vạ co mác chủ (Chú sóc và cây sấu) không chỉ dừng lại ở việc miêu tả thiên nhiên, con vật mà cái hay của bài thơ là thông qua hành động của chú sóc: “Ta ăn quả/ Ta thả hạt về gốc” nhà thơ muốn nhắn gửi đến các bạn nhỏ và tất cả chúng ta truyền thống đạo lí tốt đẹp “Uống nước

nhớ nguồn/ Ăn quả nhớ người trồng cây” của nhân dân ta. Hay câu chuyện về

kiến đen và kiến vàng cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn “Bâứ

ngợ chang phấu/ Mì chài mẩt cải/ Phuối khửn cằm lèng/ - Sle ngỏ pây cón/ Hất tàu tải tàng/ Nhằng kỉ lai cần/ Nèm lăng căm thửa.- Bỗng ở trong đàn/ Có anh kiến to/ Cất cao giọng nói/- Để tôi đi trước/ Hoa tiêu dẫn đường/ Còn lại đi sau/ Theo nhau bám áo” (Mật đăm vạ mật lương - Kiến đen và kiến vàng). Đây

là bài học nhân sinh sâu sắc về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái “Lá lành

đùm lá rách” mà mỗi người Việt chúng ta cần học tập và phát huy.

Trong thơ Dương Khâu Luông người đọc sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với thiên nhiên như: Cái bìu cây, quả còn, cái ghế, tầm gửi

nghiến, hòn cuội trắng, trăng, cỏ cây, hoa lá. Thế nhưng, điều đặc biệt và để lại

nhiều ấn tượng lại chính là những ý nghĩa mang đậm tính triết lí và nhân văn thông qua thế giới của cỏ cây, hoa lá:

Fác mạy diển

Hạng pác pi co mạy diển chắng oóc đảy fác

Au mà chỏi khảy pền co gia quỷ Tởi cần tó hèn pền co fác

Tọ hết lừ đảy quỷ bặng co gia Cần hết fác táng slừ nhẳm nhác.

Tầm gửi nghiến

Hàng trăm năm cây nghiến mới sinh ra tầm gửi

Đem chữa bệnh thành bài thuốc quý Người đời cũng dễ thành tầm gửi Nhưng sao được quý như cây thuốc Người tầm gửi có khác gì cỏ rác.

Có thể nhận thấy cách so sánh trong bài thơ rất độc đáo. Câu thơ ngắn mà ý nghĩa sâu thẳm tận đáy lòng người đọc. Bài thơ là lời nhắn gửi trong cuộc sống đầy ý nhị nhưng rất sâu sắc: Hãy sống một cuộc đời thật ý nghĩa, chứ đừng trở thành thân tầm gửi.

Đôi khi nhà thơ lại mượn hình ảnh cỏ cây để nói về cách đánh giá con người, cách dùng người, dùng vật trong cuộc sống như cái bìu cây: “Nẳm ăn

pâu hết lóa hẩư co mạy/ Cần hẩư nghị ám pâu tẻo đảy pền mạy quỷ - Cái bìu tưởng chỉ làm xấu cho cây/ Có ai nghĩ chỗ bìu làm nên gỗ đẹp” (Ăn pâu mạy - Cái bìu cây). Hai câu thơ mộc mạc nhưng là một phát hiện thực tế, một lời chia

sẻ đầy ý nghĩa về thân phận con người, vẻ đẹp bên trong con người, sâu xa hơn là giá trị con người và quyền sống của con người. Hay đơn giản chỉ là cách khám phá ra vẻ đẹp, giá trị của con người: “Khỏn hin khao eng slâư slíc/ Dú

tẩư kỵ vằng nhằng chỏi lủng phúc phích - Hòn cuội trắng tinh sạch sẽ/ Ở tận đáy sông vẫn lấp lánh sáng” (Khỏn hin khao - Hòn cuội trắng).

Thơ Dương Khâu Luông không chỉ nhắc nhở người khác mà ông còn tự nhắc nhở chính mình. Đó là những bài thơ, vần thơ tự tu dưỡng thật đáng trân trọng. Đôi khi đứng trước thiên nhiên con người cảm thấy thật nhỏ bé, nhà thơ ngập ngừng, "hổ thẹn" trước sức sống kỳ diệu, mạnh mẽ của một sinh vật tưởng chừng như không thể sống nhưng lại từ đó toát lên một phẩm chất kiên cường, kiêu hãnh quả là thật đáng trân trọng. Ống kính quan sát của nhà thơ đi đến từng ngóc ngách của cuộc sống, cả cái cây mọc trên bức tường hoang cũng đi vào tâm tư và thổn thức không kém như đối với một con người: “Dú tềnh

pướng fa loảng/ Bấu mì đin khún/ Bấu mì cần chướng/ Co mạy vận slổng/ Nó ón kheo buốt mừa tó fạ/ Slứn đang hây - Trên bức tường hoang/ Không đất

màu/ Không người chăm/ Cây vẫn sống/ Những búp xanh vươn lên trời/ Kiêu hãnh” (Vạ co mạy tềnh pướng fa loảng - Với cây mọc trên bức tường hoang).

Một nhà thơ từng đi đó đây và không ít kinh nghiệm, vốn sống cũng như không ít vốn tích lũy trong sáng tác, ấy vậy mà vẫn có một thi phẩm Dương

Khâu Luông nói lời khiêm tốn mong được học hỏi nhiều điều. Ta cùng ngượng ngùng với nhà thơ bởi những câu thơ tác giả tự nhắc với lòng mình:

Đuổi nhả vạ hai

Ngoòng slon đuổi nhả Sắc hết đảy kheo Ngoòng slon đuổi hai Sắc hết đảy lủng.

Với cỏ và trăng

Mong học được cỏ Mải miết làm xanh Mong học được trăng Mải mê làm sáng.

Không chỉ dừng lại ở những bài học tư tưởng, nhiều bài thơ của Dương Khâu Luông còn có tư cách như một ngụ ngôn. Đôi khi trong cuộc sống có những thứ tưởng chỉ vứt đi, không còn giá trị gì, thế nhưng chính từ những “thân cây gỗ mục” lại dâng cho đời những “cánh nấm thơm”, những “sản vật” có giá trị kinh tế cao: “Tềnh co mạy đoóc/ Nhằng tứn bại đương chóp/ Cỏi

dằng oóc dai hom - Trên thân cây gỗ mục/ Vẫn mọc lên những cánh nấm/ Lặng lẽ tỏa hương” (Tềnh co mạy đoóc - Trên cây gỗ mục). Hay như những bông

hoa đẹp giản dị, âm thầm, lặng lẽ tỏa hương thơm cho đời, làm đẹp cho cuộc sống: “Đương bjoóc mjạc/ Lao tố bấu chiếm/ Tọ dai hom hết lừ dà - Bông hoa

đẹp/ Có thể không ngăn/ Nhưng hương thơm làm sao ngăn” (Đương bjoóc mjạc - Bông hoa đẹp).

Cũng có khi nhà thơ mượn các hình ảnh đất ruộng, rẫy, vườn để diễn tả nỗi niềm bâng khuâng, ngậm ngùi, tiếc nuối trước những biến động của cuộc sống mỗi ngày: “Đin lẩy, sluôn, nà vằn tảy cẳp/ Tổng quảng cốp lỏn tiểng háng

pay - Đất ruộng, rẫy, vườn ngày thêm chật/ Đồng vắng thưa dần tiếng ếch kêu”

(Mừa bản -Về bản). Chỉ đọc thoáng qua thôi nhưng người đọc cũng đủ thấy ám ảnh bởi tứ thơ như một lời nhắn gửi tâm tình, thủ thỉ mà lại rất sâu xa. Bài thơ có cách nói thân thương, nhẹ nhàng mà nhấn mạnh được vào thực tế cuộc sống không mấy tích cực đang diễn ra. Chính thực tế ấy làm đau trái tim nhà thơ, lời thơ đau đáu hoài niệm, có mối tình nào đã khẽ chạm lòng nhà thơ, trái tim đa sầu đa cảm ấy đã làm nên những câu thơ "mềm yếu". Mềm yếu đến nao lòng. Cái đẹp của sự khiêm tốn mà vẫn bao la ý tình.

Qua những chiêm nghiệm và triết lí, hình ảnh con người miền núi hiện ra với cách nghĩ và lối sống thuần hậu, sâu sắc, luôn tự soi xét “gột rửa” mình để trở nên cao đẹp hơn. Những triết lí nhân sinh của Dương Khâu Luông cũng khiến người đọc giật mình để rồi tự “thanh lọc” chính mình.

Khi nghiên cứu về giọng điệu người ta thường nhận thấy mối quan hệ gắn bó và sự tương đồng giữa giọng điệu thơ và tâm hồn tác giả. Tìm hiểu về thơ viết bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông chúng tôi cũng nhận thấy có sự tương đồng, thống nhất đó. Tâm hồn nhà thơ bình dị, trong trẻo, bộc trực nhưng cũng hết sức tế nhị, sâu sắc. Vì vậy, mà thơ ông cũng rất rõ ràng, thẳng thắn trong bày tỏ quan điểm nhưng cũng không hiếm những triết lí nho nhỏ, giản dị về con người, về cuộc sống.

Tiểu kết chƣơng 3

Trong thơ Dương Khâu Luông bản sắc văn hóa Tày được thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ và giọng điệu. Ngôn ngữ thơ ông mộc mạc, giản dị gắn với tư duy trực giác và cảm tính, sử dụng cách nói quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày làm cho các bài thơ trở nên gần gũi, thân thuộc với đời sống của người miền núi. Việc sử dụng ngôn ngữ Tày vào trong sáng tác làm nên nét riêng, độc đáo trong phong cách sáng tác của ông so với các nhà thơ hiện đại cùng thời. Tuy nhiên, Dương Khâu Luông phải đối mặt với không ít những khó khăn, nhưng bằng tình yêu tiếng mẹ đẻ và ý thức giữ gìn tiếng Tày cho các thế hệ mai sau, ông vẫn kiên trì, bền bì sáng tác trên hành trình lao động nghệ thuật của mình. Hình ảnh và thể thơ quen thuộc chứa đựng vốn sống và cảm xúc của người Tày. Đặc biệt là sử dụng thể thơ Bjoóc mạ - thể thơ mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Tày để sáng tác. Giọng điệu chủ đạo trong các sáng tác viết bằng tiếng Tày của ông là giọng điệu thẳng thắn, rõ ràng trong bày tỏ quan điểm sống nhưng cũng ẩn chứa những chiêm nghiệm triết lí, những bài học nhân sinh sâu sắc. Gần như đơn độc nhưng rất kiên trì, trong nhiều năm, Dương Khâu Luông đã xuất bản được 04 tập thơ viết bằng tiếng Tày. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc gìn giữ và bảo tồn ngôn ngữ dân tộc của nhà thơ.

KẾT LUẬN

1. Dương Khâu Luông là một trong những nhà thơ Tày thời kì hiện đại thuộc thế hệ thứ ba. Trên hành trình thơ, ông đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho thơ Tày nói riêng và cho văn học Bắc Kạn cũng như văn học các dân tộc thiểu số nói chung. Điều đó góp phần làm cho diện mạo thơ Tày và thơ các dân tộc thiểu số trở nên đa dạng, phong phú hơn, thúc đẩy văn học địa phương phát triển. Xây dựng tác phẩm từ nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy những tinh hoa của văn học dân tộc thiểu số, thơ Dương Khâu Luông có những đóng góp tích cực cho dòng chảy chung của văn học dân tộc thiểu số nước nhà.

2. Nhìn từ phương diện nội dung, thơ Dương Khâu Luông viết về thiên nhiên miền núi mang đậm dấu ấn vùng miền từ khung cảnh thiên nhiên hồ Ba Bể. Hình ảnh núi rừng cỏ cây, muông thú đến những phong tục, tập quán, lễ hội…tất cả đều là nét riêng của thiên nhiên bản địa không hề trộn lẫn với bất cứ mảnh đất nào. Tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào về thiên nhiên, về danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước và sự trân trọng tâm hồn, tình cảm của những con người vùng cao là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt các tập thơ viết bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông. Nhà thơ đã thể hiện cụ thể, sinh động vẻ đẹp thiên nhiên cũng như cuộc sống con người miền núi, đặc biệt là cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày ở quê hương mình. Mối quan hệ gắn bó thân thiết, hòa hợp giữa thiên nhiên và con người cũng đựơc nhà thơ phản ánh một cách sinh động, hấp dẫn thông qua những ứng xử văn hóa giữa con người với thiên nhiên và ngược lại.

Bên cạnh đó, nhà thơ cũng bày tỏ tình cảm ngợi ca, trân trọng những vẻ đẹp của con người quê hương. Họ là những con người thủy chung nhiều khát vọng đẹp trong tình yêu, sống trọng nghĩa, trọng tình. Đồng thời nhà thơ bộc lộ niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống của người Tày nhưng cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình trước những vấn đề thời sự của

xã hội hiện đại. Nhà thơ luôn dành cho quê hương, làng bản những tình cảm sâu nặng và luôn tự hào, tin tưởng vào cuộc sống mới tươi sáng trên bản làng quê hương.

3. Ở phương diện nghệ thuật, ngôn ngữ thơ Dương Khâu Luông mộc mạc, giản dị, gần gũi với ngôn ngữ đời sống hàng ngày của người Tày. Cách diễn đạt ngắn gọn, cụ thể, gắn với tư duy trực giác và cảm tính giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận về những sự việc, hiện tượng, về những đối tượng được ông đề cập đến trong thơ. Qua ngôn ngữ thơ người đọc hiểu thêm về cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ cũng như của những người dân miền núi. Những sáng tác viết bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông chứa đựng một lượng kiến thức phong phú về ngôn ngữ dân tộc Tày. Đây chính là một tư liệu quý báu cho thế hệ hôm nay muốn bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa bản địa.

Hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của người Tày. Đó là núi, sông, đồng, ruộng, cỏ cây, hoa lá, chim muông, là ngôi nhà sàn, cái cầu thang, bếp lửa hay những chiếc áo chàm truyền thống, là tiếng then, tiếng tính của quê hương. Nhà thơ đã vận dụng thành công thể thơ Bjoóc mạ mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Tày vào trong những sáng tác của mình tạo nên những bài thơ độc đáo, cô đọng, hàm súc, giàu giá trị liên tưởng.

Giọng điệu chủ đạo trong thơ viết bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông là giọng điệu thẳng thắn, rõ ràng trong bày tỏ quan điểm. Nhưng vẫn ẩn chứa những chiêm nghiệm, những bài học triết lí nhân sinh sâu sắc về con người và cuộc sống.

4.Tìm hiểu những sáng tác thơ viết bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông, chúng tôi nhận thấy có thể khai thác, đưa một số bài thơ vào giảng dạy văn học cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong chương trình văn học địa phương. Những đóng góp của nhà thơ Dương Khâu Luông cho văn học nghệ thuật Bắc Kạn nói riêng và văn học các dân tộc thiểu số nói chung thực sự là những thành tựu đáng ghi nhận trong hành trình bảo tồn và phát triển tiếng nói của dân tộc trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Văn An (2007), Nét đẹp văn hóa trong thơ văn và ngôn ngữ dân tộc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

2. Lương Bèn (chủ biên) - Nông Viết Toại - Lương Kim Dung - Lê Hương Giang (2012), Từ điển Tày - Việt, Nxb Đại học Thái Nguyên.

3. Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết bằng tiếng tày của dương khâu luông (Trang 85 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)