5.2.1.1 Tách biệt quyền quản lý và quyền điều hành
Theo kết quả nghiên cứu, ở các doanh nghiệp mà quyền quản lý và quyền điều hành không có sự tách biệt, mức độ công bố thông tin thường thấp hơn so với các doanh nghiệp còn lại. Vì thế, để gia tăng mức độ công bố thông tin ra bên ngoài, HĐQT nên xem xét, hạn chế việc Chủ tịch HĐQT đồng thời nắm giữ vị trí Tổng giám đốc/ Giám đốc điều hành. HĐQT là cơ quan có vai trò định hướng chiến lược, đảm bảo công ty phát triển phù hợp với chiến lược và giám sát, chỉ đạo Tổng giám đốc trong điều hành các công việc kinh doanh hàng ngày. Trong khi đó, Ban giám đốc là cơ quan có trách nhiệm cụ thể hóa chiến lược đó thành những kế hoạch hành động cụ thể. Theo quan điểm quản trị hiện đại, Chủ tịch HĐQT độc lập với vai trò điều hành có thể bảo vệ lợi ích cổ đông tốt hơn bằng cách lãnh đạo HĐQT và Tổng giám đốc chỉ tập trung điều hành kinh doanh sẽ giúp loại trừ nhiều mâu thuẫn lợi ích.
5.2.1.2 Đảm bảo tỉ lệ thành viên HĐQT độc lập
HĐQT là cơ quan có quyền nhân danh công ty thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, các thành viên HĐQT thường bị chi phối nhiều bởi lợi ích của cổ đông lớn hơn là phục vụ cho lợi ích của công ty, cổ đông nhỏ và các bên có liên quan. Trong điều kiện nói trên, yêu cầu phải có thành viên độc lập, không điều hành là hết sức bức thiết và số lượng thành viên độc lập cũng phải đủ lớn để họ có thể phát huy tốt vai trò của mình, nhằm đảm bảo được vị thế độc lập của mình và nâng cao chất lượng hoạt động HĐQT.