1.1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Nền kinh tế toàn cầu hóa đang biến đổi sâu sắc, nhiều mô hình kinh doanh thay đổi đáng kể với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trong xu hướng hội nhập chung, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạo ra cơ hội đồng thời là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới trở nên khốc liệt hơn. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn phải hoàn thiện kiểm tra, kiểm soát để hạn chế những sai sót, gian lận có thể xảy ra.
Kiểm soát nội bộ (KSNB) hữu hiệu sẽ cung cấp sự đảm bảo hợp lý giúp phát hiện, ngăn chặn, xử lý các rủi ro, giúp nhà quản lý đạt được các mục tiêu đề ra và cũng là yếu tố được các kiểm toán viên quan tâm, xem xét hàng đầu khi thực hiện kiểm toán doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần căn cứ vào loại hình doanh nghiệp, quy mô và mục tiêu hoạt động của mình để thiết kế và vận hành KSNB phù hợp. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiện ích như ngành vận tải công cộng – ngành nghề có sự đầu tư giá trị lớn vào phương tiện vận tải đồng thời phải bảo đảm chất lượng,“hiệu quả của hoạt động cung cấp dịch vụ tới khách hàng, vai trò của KSNB là rất quan trọng tuy nhiên nhiều doanh nghiệp còn chưa quan tâm đúng mực, chưa thiết lập KSNB hoặc đã thiết lập nhưng còn nhiều hạn chế,”đặc biệt thường chú trọng vào hoạt động kiểm tra, giám sát hậu kiểm nhiều hơn hoạt động phòng ngừa, tổ chức thực hiện. Thiết lập KSNB vững mạnh sẽ góp phần giảm bớt rủi ro tiềm tàng trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm tính chính xác của số liệu, báo cáo tài chính và phi tài chính; bảo đảm mọi hoạt động và nhân viên
đều tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, quy trình hoạt động của tổ chức, bảo đảm sử dụng tối ưu các nguồn lực, đạt được mục tiêu đặt ra và sự tin dùng của khách hàng.
Hiện nay, ngành Hàng không đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử dưới tác động của dịch bệnh Covid 19, nhiều nước đang đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại giữa các nước, đòi hỏi cần có sự rà soát lại, đánh giá tính hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp hàng không trong việc phòng ngừa hạn chế rủi ro, bảo đảm mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.
Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của KSNB, khoảng trống đánh giá tính hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp hàng không để kịp thời cải thiện, nâng cấp trước các thách thức hiện nay và qua thời gian tìm hiểu thực tế tại Công ty cổ phần hàng không Vietjet, tôi quyết định chọn đề tài: “Kiểm soát nội bộ tại Công ty
cổ phần hàng không Vietjet” – doanh nghiệp vận tải hàng không giá rẻ hàng đầu
tại Việt Nam làm đề tài nghiên cứu chương trình thạc sĩ.
1.2. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Đề tài KSNB đã được nhiều tổ chức,“cá nhân trên thế giới và tại Việt Nam tập trung xây dựng, phát triển trên nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau, trong đó đã làm rõ khái niệm, vai trò, bộ phận cấu thành của KSNB, khung kiểm soát, phương thức đánh giá, mối quan hệ giữa KSNB và quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro...
Tiêu biểu trong những nghiên cứu về KSNB tại doanh nghiệp và xây dựng khung kiểm soát là nghiên cứu của Ủy ban của các tổ chức tài trợ (Committee of Sponsoring Organization - COSO) thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ về chống gian lận báo cáo tài chính (Treadway Commission) công bố lần đầu tiên năm 1992 với tựa đề “Kiểm soát nội bộ - Khuôn khổ hợp nhất” (gọi tắt là COSO 1992). Theo COSO 1992, KSNB được thiết lập nhằm ba mục tiêu: bảo đảm sự hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động; bảo đảm độ tin cậy của báo cáo tài chính; bảo đảm tuân thủ luật
lệ và quy định, bao gồm năm yếu tố: môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, các hoạt động kiểm soát, thông tin truyền thông và giám sát.”COSO 1992 đã thống nhất các nguyên cứu về KSNB, tiếp cận KSNB trên quan điểm quản trị liên quan đến hoạt động và tuân thủ thay vì tập trung vào báo cáo tài chính. COSO 1992 tiếp tục được hoàn thiện và cập nhật tại COSO 2004, 2009, 2013 và 2015. COSO 2013 giữ nguyên năm yếu tố của KSNB nhưng nêu rõ áp dụng cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc và không liệt kê các thủ tục kiểm soát, theo đó COSO 2013 đã hệ thống hóa 17 nguyên tắc hỗ trợ cho 5 yếu tố KSNB. Khung COSO 2015 vẫn xác lập KSNB trên cơ sở những yếu tố và nguyên tắc như tại COSO 2013 nhưng có sự nhấn mạnh hơn vào quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu, đến nay có khá nhiều luận văn của học viên cao học các trường kinh tế tại Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng khung lý thuyết về KSNB tại một doanh nghiệp cụ thể. Phạm vi nghiên cứu của hầu hết các luận văn tập trung nghiên cứu KSNB trong một lĩnh vực, một ngành nghề, một công ty hoặc một chu trình cụ thể. Một số luận văn nghiên cứu về KSNB tại doanh nghiệp hàng không và vận tải trong thời gian gần đây như sau:
- Luận văn thạc sĩ: “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Cảng hàng
không quốc tế Nội Bài” - Trường Đại học Kinh tế quốc dân – Ngô Thị Hoàng An
(2014).“Về mặt lý luận, luận văn đã hệ thống hoá lý luận chung về KSNB, chỉ ra những đặc điểm của doanh nghiệp cảng hàng không tác động đến KSNB và kinh nghiệm tổ chức KSNB tại doanh nghiệp cảng hàng không trên thế giới. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu đã phân tích, đánh giá thực trạng KSNB tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, từ đó đề xuất một số phương hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Đơn vị.”Tuy nhiên, nội dung phân tích đặc điểm của doanh nghiệp dịch vụ cảng hàng không ảnh hưởng đến KSNB chưa thể hiện rõ ảnh hưởng đến các yếu tố cấu thành KSNB như thế nào; một vài kiến nghị chưa cụ thể đối với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Vietnam Airlines khu vực miền Nam” - Trường Đại học công nghệ TP. Hồ Chí
Minh– Bùi Quốc Toản (2016). Tác giả đã khái quát hóa cơ sở lý luận về KSNB, xây dựng thang đo, kiểm định sự phù hợp và độ tin cậy của thang đo để đánh giá định lượng tác động của các yếu tố đến KSNB của doanh nghiệp. Từ đó đưa ra đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến KSNB tại Vietnam Airlines khu vực miền Nam: yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất là đánh giá rủi ro, tiếp đến là môi trường kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát và cuối cùng là hoạt động kiểm soát. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số giải pháp tác động trực tiếp đến các nhân tố để hoàn thiện KSNB tại đơn vị. Do giới hạn số lượng mẫu nhỏ, kết quả nghiên cứu chỉ thực hiện ở một nhóm mẫu nên hạn chế tính tổng quát chưa đại diện cho toàn bộ cán bộ, nhân viên tại Vietnam Airlines khu vực miền Nam.
- Luận văn thạc sĩ: “Kiểm soát nội bộ tài sản cố định tại Tổng công ty vận
tải Hà Nội” –Trường Đại học Kinh tế quốc dân – Hoàng Mai Chi (2016). Luận văn
đã khái quát hóa những vấn đề lý luận cơ bản về KSNB TSCĐ để vận dụng vào nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng KSNB TSCĐ tại Tổng công ty vận tải Hà Nội và đề xuất các giải pháp khắc phục. Số liệu, tài liệu minh họa về thiết kế và vận hành KSNB tại Đơn vị còn hạn chế.
- Luận văn thạc sĩ: “Kiểm soát nội bộ chi phí hoạt động tại Công ty cổ phần
vận tải Đường sắt Hà Nội” –Trường Đại học Kinh tế quốc dân – Phạm Thị Hồng
Mai (2017). Tác giả đã hệ thống hóa một số vấn đề lý thuyết về KSNB và KSNB chi phí hoạt động trong doanh nghiệp vận tải, đã phân tích và đánh giá KSNB nói chung và KSNB chi phí hoạt động tại Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện KSNB tại Đơn vị. Phạm vi nghiên cứu của Luận văn giới hạn là chi phí hoạt động (các chi phí phát sinh hàng ngày nhưng không liên quan trực tiếp đến sản xuất), do đó tính đại diện cho KSNB tại Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội không cao.
Như vậy, trong thời gian gần đây có ít luận văn nghiên cứu về KSNB tại doanh nghiệp dịch vụ hàng không, vận tải, hàng không, vì vậy tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu về KSNB tại công ty hàng không giá rẻ Vietjet để làm đề tài luận văn