+ Nhận thức của chủ thể quản lý
các chủ thể có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh nông sản. Nếu có nhận thức đúng đắn của các chủ thể quản lý một cách sâu sắc, đúng đắn và thống nhất về nội dung của quản lý, phát triển kinh tế nông hộ thì các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế, đáp ứng các yêu cầu khách quan về nhu cầu phát triển bền vững, ổn định. Ngược lại, nếu đưa ra các chính sách không phù hợp sẽ làm kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Trong phát triển nông nghiệp, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng nhất để gia tăng giá trị hàng hóa nông sản, đem lại hiệu quả tối đa cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc đầu tư và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp ngày càng trở nên cần thiết.
+ Trình độ, năng lực của cán bộ quản lý
Những người trực tiếp điều hành, quản lý đối với kinh tế nông hộ tại địa phương nếu có đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đạo đức nghề thì sẽ làm tiền đề cho sự thành công của nhiệm vụ quản lý, phát triển kinh tế nông hộ.
+ Trình độ người dân
Người dân là người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, là chủ thể phát triển kinh tế nông hộ, cấu thành nên lực lượng sản xuất. Do đó, trình độ quản lý, khả năng hiểu biết của người dân rất quan trọng và quyết định trực tiếp đến kết quả sản xuất, khả năng phát triển của kinh tế nông hộ. Nếu người dân được đào tạo, được tìm hiểu và học tập thì họ sẽ áp dụng vào thực tế, thu được kết quả tốt và tạo điều kiện phát triển kinh tế nông hộ. Ngược lại, sự thiếu hiểu biết của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại trong sản xuất, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông hộ nói riêng.
+ Kinh tế - xã hội
Điều kiện kinh tế - xã hội là một trong những nhân tố tác động lớn đến nền nông nghiệp. Điều này càng được thể hiện rõ đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển với nền nông nghiệp còn nhiều yếu kém về KHKT, thiếu vốn, thiếu trình độ hiểu biết… Mặt khác, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng có những tác động tiêu cực tới nền nông nghiệp. Sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại đang có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp.
Việc chạy theo lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường khiến cho người nông dân tìm đủ mọi biện pháp tăng sản lượng nhanh chóng, làm cho tài nguyên bị khai thác kiệt quệ, lãng phí, chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, dư lượng chất hóa học trong nông sản cao. Sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ và đô thị hóa nhanh chóng làm quỹ đất nông nghiệp dần thu hẹp… Nhận thức được những tác động của các nhân tố kinh tế - xã hội đối với phát triển nông nghiệp, chúng ta phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp, có sự cân đối giữa công nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ và phát huy thế mạnh của từng vùng. Thuận lợi hay khó khăn của điều kiện kinh tế - xã hội đối với phát triển nông nghiệp là những nhân tố có thể thay đổi và điều này phụ thuộc rất nhiều vào hành động của con người.