Giải pháp về xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số giải pháp quản lý rừng bền vững ở xã bát mọt thuộc vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên xuân liên thanh hóa​ (Trang 68 - 73)

4.3.2.1. Nâng cao năng lực quản lý rừng cho cán bộ và người dân địa phương

Một trong những nguyên nhân làm người dân không tích cực bảo vệ rừng là nhận thức không đầy đủ của họ về giá trị của tài nguyên rừng. Vì vậy, cần tuyên truyền giáo dục về tiềm năng, giá trị nhiều mặt của rừng, vai trò của rừng đối với cuộc sống của người dân để người dân tích cực bảo vệ rừng như bảo vệ nguồn sống cho gia đình và cộng đồng.

Để phát triển rừng người dân cần nhiều kiến thức về khoa học công nghệ cũng như về kinh doanh rừng. Tuy nhiên, những kết quả phân tích ở Bát Mọt cho thấy, kiến thức của người dân chủ yếu thiên lệch về khai thác và sử dụng mà rất nghèo nàn về gây trồng và phát triển tài nguyên rừng. Vì vậy, cần phổ cập cho người dân về những kiến thức gây trồng các loài cây gỗ quý, các loài cho lâm sản ngoài gỗ giá trị cao, những kiến thức về chăn nuôi các loài động vật hoang dã . Đây là những

kiến thức giúp người dân tổ chức các hoạt động sản xuất nâng cao thu nhập kinh tế đồng thời cũng giảm áp lực vào khai thác các giống loài này ở rừng tự nhiên. Phổ cập chính sách về giao đất khoán rừng, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng và những chính sách, cơ chế của Nhà nước liên quan đến rừng và nghề rừng. Những cuộc phỏng vấn đã cho thấy trên 80% người dân không được phổ biến đầy đủ những quy định của Nhà nước liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ trong quản lý rừng và đất rừng. Nhiều chính sách Nhà nước, nhiều kinh nghiệm quý báu trong quản lý tài nguyên và phát triển kinh tế xã hội đã không đến được với các thôn bản. Vì vậy, một giải pháp hiệu quả cho quản lý tài nguyên thiên nhiên ở các thôn bản trong xã sẽ là phát triển những chương trình giáo dục về quản lý tài nguyên thiên nhiên cho người dân. Tuy nhiên, về hình thức giáo dục phần lớn ý kiến cho rằng cần kết hợp việc giáo dục ở tuổi học đường với giáo dục đại chúng bằng các phương tiện truyền thông khác như sách báo, truyền thanh và vô tuyến truyền hình. Cần hỗ trợ phương tiện nghe nhìn và các cơ sở phát sóng cho địa phương. Kết quả thảo luận đã cho thấy hình thức giáo dục tốt nhất với người dân địa phương là phát triển các mô hình trình diễn sản xuất hàng hoá theo công nghệ mới trong quản lý tài nguyên rừng. Nâng cao nhận thức và kiến thức cộng đồng sẽ là giải pháp quan trọng để họ hiểu được sức mạnh và sự cần thiết của cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của gia đình và xã hội.

Ngoài ra, qua phân tích đã cho thấy một trong những nguyên nhân làm cho quản lý rừng không hiệu quả ở xã Bát Mọt là thiếu kiến thức về quản lý rừng bền vững của cán bộ địa phương vì vậy cần phải giải quyết một số vấn đề sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức kiểm lâm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên về nghiệp vụ chuyên môn cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới.

- Bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng về lâm nghiệp cho cán bộ kỹ thuật cấp xã đến thôn bản. Phấn đấu đào tạo được cán bộ khuyến nông khuyến lâm là người dân tộc địa phương.

4.3.2.2. Tiếp tục thực hiện chính sách giao đất giao rừng đến hộ gia đình

Khi thảo luận vai trò về quyền sở hữu/sử dụng rừng và đất rừng, giữa nhóm nghiên cứu và người dân địa phương đều thống nhất phải tiếp tục giao đất đến hộ gia đình.

Điều này sẽ làm cho mỗi mảnh đất, mảnh rừng đều có chủ cụ thể, gắn quyền lợi và trách nhiệm trong quản lý tài nguyên cho mỗi hộ gia đình. Nhờ vậy, sẽ loại bỏ được tình trạng "cha chung không ai khóc" trong quản lý tài nguyên như hiện nay ở địa phương. Tuy nhiên, việc giao đất cho nhân dân không nên quá 3 ha trên người. Trên giới hạn này việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng của người dân sẽ không mang lại hiệu quả. Diện tích đất và rừng còn lại sẽ thuộc quyền quản lý của cả cộng đồng. Những cán bộ ở địa phương đã nhận thấy rằng để nâng cao hiệu quả của hoạt động cộng đồng trong quản lý tài nguyên đất thì cùng với việc giao đất, giao rừng cần phải ký cam kết giữa mỗi hộ gia đình với chính quyền và tổ chức cộng đồng địa phương về trách nhiệm và quyền lợi trong quản lý đất đai. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý để cộng đồng thực hiện việc giám sát các hoạt động quản lý tài nguyên mà còn là văn bản hướng dẫn mỗi thành viên quản lý tài nguyên đất một cách hiệu quả và bền vững.

4.3.2.3. Hình thành những tổ chức và luật lệ cộng đồng về quản lý tài nguyên

Kết quả điều tra cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quản lý tài nguyên rừng ở địa phương không mang lại hiệu quả là do thiếu tổ chức cộng đồng tham gia vào quản lý tài nguyên và những quy định cộng đồng về quản lý tài nguyên. Vai trò của cộng đồng còn mờ nhạt trong quản lý tài nguyên, những hộ gia đình đơn lẻ không có những mối liên kết, không có những cam kết với nhau thường bất lực trước những hành động xâm hại tài nguyên, ngay cả những tài nguyên đã được Nhà nước giao quyền cho họ sở hữu và sử dụng. Vì vậy, một trong những yếu tố đảm bảo sự tham gia của cộng đồng là phải xây dựng được những tổ chức và những luật lệ của cộng đồng về quản lý sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên.

Hiện nay ở Bát Mọt đã có một số tổ chức cộng đồng như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Uỷ ban mật trận tổ quốc, Đoàn thanh niên v.v... song nội dung hoạt động của các hội này đều rất nghèo nàn và kém hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên. Vì vậy, tổ chức và luật lệ cộng đồng liên quan đến quản lý tài nguyên phải đủ mạnh, thực hiện được những hoạt động tổ chức, hướng dẫn, giám sát các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên của cộng đồng.

Những quy định của cộng đồng về quản lý tài nguyên sẽ là căn cứ rất quan trọng để thực hiện tổ chức quản lý tài nguyên trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để những quy định đó phù hợp với điều kiện của địa phương thì phải được xây dựng theo

phương pháp có sự tham gia của người dân. Những quy định của cộng đồng trong quản lý tài nguyên phải là những quy định có lợi nhất cho mọi thành viên cộng đồng và trong khuôn khổ không trái với những chính sách của Nhà nước. Kết quả thảo luận ở địa phương đã xác định cùng tham gia để xây dựng tổ chức và luật lệ cộng đồng là giải pháp cho phép phát huy đầy đủ nhất những nội lực của cộng đồng trong quản lý tài nguyên. Các luật lệ cộng đồng phải định hướng được hoạt động của người dân vào việc bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên, với mục tiêu cao cả là sự tồn tại của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Nó cũng ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến tài nguyên, quy định các biện pháp ứng xử với những hành động phá hoại hoặc sử dụng lãng phí tài nguyên. Tổ chức cộng đồng là bộ máy giám sát, vận động và cưỡng chế mọi thành viên cộng đồng thực hiện những quy định chung đã thống nhất. Các quy định của cộng đồng sẽ bao gồm cả những vấn đề về tổ chức cộng đồng, những quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người tham gia các hoạt động của tổ chức cộng đồng trong quản lý tài nguyên. Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong quản lý tài nguyên sẽ là động lực chủ yếu khuyến khích các thành viên tích cực hoặc xa lánh các chương trình quản lý tài nguyên của cộng đồng.

4.3.2.4.áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên rừng

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở Bát Mọt giữa các bên liên quan đến quản lý rừng như lực lượng kiểm lâm, Khu bảo tồn, chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng và người dân còn những khoảng cách về quyền lợi, về trách nhiệm và về sự hiểu biết lẫn nhau. Vì vậy, việc áp dụng phương thức đồng quản lý – một phương thức quản lý rừng mới đang được phát triển, để giảm các áp lực đối với các khu rừng đặc dụng, chia sẻ gánh nặng đối với chính quyền các cấp trong tình trạng trên thì việc tham gia của người dân và các tổ chức quần chúng trong công tác bảo tồn thiên nhiên nói riêng và công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung là rất cần thiết. Sự tham gia của người dân và các tổ chức quần chúng không chỉ dừng lại ở mức tham gia một cách thụ động, mà cần phải nâng cao hơn nữa như được chuyển giao quyền lực, chủ động tham gia tiến tới đồng quản lý tài nguyên rừng. Từ đó mới đánh giá đúng đắn vai trò của người dân, các tổ chức quần chúng trong công tác bảo tồn thiên nhiên về quản lý, sử dụng và chia sẻ lợi ích. Trên cơ sở đó người dân

mới thực sự tự nguyện tham gia vào công tác bảo tồn, cũng như những hiểu biết và kinh nghiệm của người dân mới được ứng dụng ngay trên mảnh đất hàng ngày họ đang sinh sống. Xu hướng này cũng rất phù hợp với tinh thần của Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về ban hành quy chế dân chủ ở cấp xã và Chiến lược bảo tồn thiên nhiên đến năm 2010 của Chính phủ.

4.3.2.5. Tăng cường lực lượng hướng dẫn và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng

Kết quả phân tích trên đã cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng của sự lỏng lẻo trong quản lý tài nguyên là thiếu sự tham gia của các tổ chức chính quyền và cộng đồng trong giám sát sử dụng đất đai ở các bản làng trong xã. Nhiều người không có ý niệm về quy hoạch sử dụng rừng và đất của Nhà nước, một số người biết quy định ngăn cấm phá rừng làm nương song vì không có người giám sát và hướng dẫn họ làm nương ở những vùng sâu. Không chỉ những dân thường mà ngay một số cán bộ thôn bản cũng tổ chức cho gia đình phát rừng làm nương trên đất khoanh nuôi phục hồi rừng. Nhà nước không chỉ cần hỗ trợ cho việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất mà còn phải xây dựng thể chế và chính sách cho việc hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất. Những tổ chức này cần có mạng lưới đến thôn bản và mọi thành viên đều được đào tạo ở trình độ thích hợp. Bên cạnh việc hình thành các tổ chức giám sát quản lý tài nguyên còn phải giao cho họ thẩm quyền nhất định trong việc xử lý các trường hợp vi phạm luật quản lý tài nguyên. Nhờ đó thực hiện được nghiêm chỉnh chính sách quản lý tài nguyên ở địa phương.

Tăng cường hướng dẫn và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng sẽ nâng cao được năng lực của cộng đồng, hỗ trợ họ củng cố các tổ chức cộng đồng và làm cho luật lệ cộng đồng có hiệu lực hơn với thực tiễn quản lý tài nguyên.

4.3.2.6. Kết hợp những giải pháp hỗ trợ kinh tế để khuyến khích với những giải pháp hành chính mang tính cưỡng chế cho quản lý tài nguyên

Việc phân tích hiệu quả của các hoạt động cộng đồng người dân tộc Thái ở xã Bát mọt đã cho thấy hiệu lực của những quy định cộng đồng cho quản lý tài nguyên sẽ tăng lên khi có những chính sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện những quy định đó.

Trước hết cần hỗ trợ về kinh tế để tạo tiền đề cho sự kiểm soát của cộng đồng như phương tiện, thiết bị cần thiết cho hoạt động của tổ chức cộng đồng, đầu tư cho áp dụng những công nghệ mới trong quản lý tài nguyên. Việc hỗ trợ kinh tế trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý tài nguyên cho các hộ gia đình là rất cần thiết. Tuy nhiên, còn những tập quán sản xuất đang làm tổn hại đến bảo tồn và phát triển tài nguyên, chúng không tự mất đi một cách dễ dàng. Vì vậy, cần có những giải pháp hành chính mang tính cưỡng chế để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước và luật lệ của cộng đồng. Những quy định của cộng đồng được xây dựng phù hợp với chính sách Nhà nước và được thực hiện trên cơ sở hậu thuẫn của các công cụ hành chính Nhà nước. Những giải pháp hành chính cứng rắn cần chú ý vào các hoạt động quản lý sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, săn bắt và buôn bán sản phẩm đa dạng sinh học. Đây là những vấn đề bức xúc nhất trong quản lý tài nguyên thiên nhiên ở địa phương. Kết hợp những biện pháp hành chính cứng rắn, khuyến khích lợi ích phù hợp với quy định của cộng đồng sẽ làm tăng sức mạnh của cộng đồng, vừa động viên mọi thành viên cộng đồng tích cực tham gia quản lý tài nguyên vừa có tác dụng giáo dục, ngăn chặn những hành vi khai thác tàn phá tài nguyên.

4.3.2.7. Phát triển dịch vụ lâm nghiệp

Trong xã hội, lao động là quyền cơ bản của con người, quyết định nguồn thu nhập và khẳng định giá trị của con người. Khi không kết hợp được lao động với tư liệu sản xuất để tạo ra của cải thì không những làm lãng phí về kinh tế, mà còn gây nhiều hiệu quả tiêu cực về mặt xã hội. Những con đường để tăng việc làm từ dịch vụ lâm nghiệp ở Bát mọt được xác định là: phát triển kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, tăng cường chế biến lâm sản và phát triển hàng hoá đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số giải pháp quản lý rừng bền vững ở xã bát mọt thuộc vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên xuân liên thanh hóa​ (Trang 68 - 73)