Chính sách ASXH ở huyện Mù Cang Chải đã đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên trong quá trình triển khai các chính sách vẫn còn một số tồn tại, cụ thể:
* Chính sách giảm nghèo.
Công tác điều tra, khảo sát để nắm chắc số lượng hộ nghèo chưa đảm bảo, vì vậy việc đề ra các nghị quyết, đề án, kế hoạch giảm nghèo còn nhiều bất cập. Một số xã do cán bộ giảm nghèo, Ban giảm nghèo chưa thật sự sát địa bàn hoặc do sự nể nang, chưa thật sự khách quan của các cán bộ có trách nhiệm ở khu dân cư. Mặt khác, do việc chỉ đạo điều tra của huyện là tập trung chủ yếu về thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn của huyện, trong khi rất khó xác định thu nhập vì các đối tượng chủ yếu là lao động phổ thông tự do, dẫn đến tình trạng đưa vào chương trình những hộ không thuộc diện nghèo trong thời điểm lại bỏ sót nhiều hộ thật sự nghèo. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với người nghèo chưa được thực hiện thường xuyên, nhiều thông tin chưa đến với người dân, nhất là thông tin về chính sách, quyền lợi, trách nhiệm của hộ nghèo, người nghèo. Điều này dẫn đến sự ỷ lại của hộ nghèo, không chịu phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo. Công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh nghiệm làm ăn, các gương điển hình trong nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chưa được thường xuyên.
Hoạt động của Ban giảm nghèo từ huyện đến các xã chưa thật sự có hiệu quả cao, các giải pháp đề ra thường mang tính pha đợt, chưa thật sự trở thành hệ thống xuyên suốt trong quá trình tổ chức. Vì vậy, kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn qua có tăng lên nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu, chủ yếu là nguồn đi vận động, dẫn đến tình trạng còn bị động trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo.
Nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo được bổ sung tăng lên trong những năm gần đây nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn còn hộ nghèo chưa được tiếp cận vốn vay, bên cạnh nguyên nhân khách quan là do có hộ
không có nhu cầu vay thì một phần là do việc xét duyệt cho vay chưa chính xác. Công tác quản lý vốn sau khi cho vay còn hạn chế nên dẫn đến nhiều hộ vay sử dụng vốn không đúng mục đích, hiệu quả thấp, chây ỳ không chịu trả nợ…
Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nghèo còn hạn chế. Vai trò trung gian làm cầu nối giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động chưa được phát huy.
Tính ỷ lại, trông chờ vào các chế độ, chính sách của nhà nước, do đó các hộ nghèo chưa hình dung được mô hình kinh tế.
* Về chính sách bảo trợ xã hội
Nguồn lực thực hiện chính sách chủ yếu được cấp từ trung ương và của tỉnh, nguồn lực địa phương không đáng kể, huy động nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn. Huyện chưa ban hành được các chính sách để hỗ trợ thêm cho các đối tượng ngoài chế độ chính sách của trung ương và của tỉnh; công tác xã hội hóa nguồn lực thực hiện công tác bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn.
Về công tác tổ chức, quản lý chủ yếu dựa vào các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, huyện không thành lập ban chỉ đạo cũng như các tổ chức khác để thực hiện nhiệm vụ này. Việc xây dựng và ban hành các văn bản tổ chức thực hiện công tác bảo trợ xã hội còn hạn chế.
Tổ chức bộ máy cán bộ, công chức làm công tác chính sách người có công với cách mạng chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế, nhiều hạn chế, bất cập như: số lượng cán bộ làm công tác chính sách còn thiếu về số lượng và thiếu về chuyên môn; một số chưa có kinh nghiệm, thiếu tâm huyết; trong khi đó các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ ngày càng được mở rộng, sửa đổi, bổ sung thường xuyên nên công việc phải giải quyết ngày càng nhiều và yêu cầu về chất lượng phục vụ ngày càng cao.
Việc sử dụng phương tiện sinh kế, vốn vay làm ăn đối với các hộ chính sách bảo trợ ở một số nơi, ở một số đối tượng chưa đúng mục đích, chưa phát huy hiệu quả.
Địa phương chưa xây dựng được cơ sở bảo trợ đối với người cao tuổi do đó một số đối tượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa phải sống nhờ vào
láng giềng nên việc chăm sóc sức khỏe không được tốt. Mức trợ cấp thường xuyên đối với người cao tuổi tại cộng đồng chưa tương xứng với mức chuẩn nghèo theo giai đoạn.
Công tác xét duyệt người khuyết tật còn rườm rà, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia xét của hội đồng khuyết tật. Chế độ trợ cấp BTXH đối với người khuyết tật còn thấp chưa đảm bảo đời sống cho người khuyết tật với các nhu cầu thiết yếu.
* Về chính sách bảo hiểm xã hội
Số lượng đối tượng tham gia BHXH mặc dù tăng qua từng năm nhưng chưa cao. Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải chưa triển khai được mô hình BHXH thất nghiệp.
Tình trạng sai lệch thông tin thẻ BHYT trong việc cấp phát cho đối tượng vẫn còn xảy ra. Số lượng thẻ sai sót của đối tượng hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, BTXH sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn còn cao.
Công tác cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng thụ hưởng từ nhân sách nhà nước còn chậm chạp, chưa đáp ứng tính kịp thời trong những dịp đầu năm. Thông tin trên thẻ BHYT của nhiều đối tượng còn sai lệch gây khó khăn trong việc khám chữa bệnh.
Trình độ hiểu biết kém, điều kiện đi lại khó khăn gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai báo cấp thẻ BHYT đặc biệt là các nhóm đối tượng trẻ em, người già, người khuyết tật.
Sự phối hợp không chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý hồ sơ, cơ quan cấp phát thẻ BHYT cho người dân gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, giải quyết chế độ chính sách liên quan đến BHYT cho người dân.