Nguyên nhân của hạn chế trong công tác thực thi chính sách

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC THỰC THI CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MÙ CANG CHẢI (Trang 61 - 65)

* Về thực hiện chính sách giảm nghèo

Là một huyện vùng núi có dân cư sinh sống thưa thớt ở các khu vực rẻo cao nên rất khó khăn trong việc đi lại và giao thương nên đời sống chủ yếu phụ thuộc vào lao động nông nghiệp, bên cạnh đó phải hứng chịu điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, gây thiên tai dịch họa làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc

biệt là các hộ nghèo. Bên cạnh những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, những tai nạn, rủi ro ập đến với gia đình cùng với ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường trong đó người nghèo là nhóm dễ bị tổn thương nhất và đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm chậm tốc độ và tính bền vững của chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Trình độ học vấn của người nghèo nói chung còn thấp nên việc tiếp thu kiến thức xã hội cũng như kỹ năng nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong lao động thiếu tác phong công nghiệp, chưa thích nghi được với môi trường công nghiệp hoá. Một số hộ nghèo lười lao động hoặc chỉ muốn làm công việc nhẹ nhàng, có tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu ý thức phấn đấu để vươn lên thoát nghèo.

Số hộ nghèo thường rơi vào những hộ gia đình chính sách, gia đình có người tàn tật, thường xuyên đau ốm, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ… nên không có sức lao động, không có thu nhập hay thu nhập thấp dẫn đến khó có khả năng thoát nghèo.

Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cơ sở chưa thật sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo nên thiếu sự hoạch định chính sách và đầu tư cho công tác này. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng, các cơ quan đơn vị trên địa bàn xã, huyện cùng phối hợp tham gia công tác giảm nghèo còn hạn chế, chưa phát huy hết được nguồn lực, tiềm năng sẵn có để thực hiện công tác giảm nghèo. Thành viên ban giảm nghèo đa số hoạt động kiêm nhiệm, hạn chế về thời gian và năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo, có thành viên chưa quan tâm sâu sát cơ sở được phân công phụ trách.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo ở một số xã đa số chưa được đào tạo chuyên môn, lại luôn thay đổi, có nơi kiêm nhiệm nhiều việc khác, chế độ phụ cấp còn quá thấp nên chưa động viên được tinh thần tích cực trong công việc.

* Về thực hiện chính sách BTXH

Việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện có lúc chưa kịp thời, mang tính áp đặt, chưa phù hợp, chưa tính hết các vấn đề phát sinh; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng còn lúng túng; một số nơi còn thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm thực tế, năng lực còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức còn ngại va chạm, xử lý các vấn đề khó khăn, phức tạp.

Công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chính sách trên địa bàn huyện tuy đã có nhiều chuyển biến, trình độ chuyên môn được nâng cao nhưng vẫn chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu công việc; việc điều động, luân chuyển, thay đổi vị trí việc làm mang tính chủ quan, nhiệm kỳ.

Cán bộ, công chức làm công tác chính sách BTXH tại UBND các xã đa số là chắp vá, chưa được đào tạo chuyên môn sâu ở lĩnh vực này, cán bộ phụ trách lĩnh vực này là cán bộ bán chuyên trách thường xuyên thuyên chuyển công tác, không xâu chuỗi được các quy định nên khi thực hiện công việc lúng túng, thiếu am hiểu.

Một số ngành, địa phương chưa xác định đầy đủ ý nghĩa của công tác chính sách đối với người có công, từ đó để xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chính sách này mà cho rằng việc tổ chức thực hiện chính sách này là trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

* Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Quy định về chi phí quản lý của tổ chức BHXH còn chưa phù hợp và thủ tục còn không ít khó khăn cho người lao động. Luật BHXH hiện hành quy định tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp nhưng lại quy định chi phí quản lý của tổ chức BHXH bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó các quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng BHXH chưa dễ dàng, thuận tiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động BHXH còn nhiều hạn chế, từ đó dẫn tới những khó khăn trong giảm thiểu thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng.

Quản lý Nhà nước về BHXH mặc dù đã được quy định trong Luật BHXH nhưng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ trong quản lý Nhà nước về BHXH.

Hiện nay, với mức hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác là chưa thực sự hấp dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện, do đời sống khó khăn, việc làm chưa ổn định.

Công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức, chưa giải thích cụ thể để người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia chính sách BHXH tự nguyện.

Kết luận Chương 2

Trong Chương 2 tác giả đã tập trung đánh giá thực trạng thực hiện chính sách giảm nghèo và chính sách BTXH, chính sách BHXH. Trên cơ sở nghiên cứu, luận văn đã đi sâu đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo và chính sách BTXH, chính sách BHXH trên địa bàn huyện. Đây là những vấn đề thực tiễn có vai trò quan trọng trong việc đề ra phương hướng và các nhóm giải pháp (sẽ được trình bày ở chương 3) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần hoàn thiện và thực hiện tốt hơn chính sách giảm nghèo và chính sách người có công trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn huyện Mù Cang Chải nói riêng.

CHƯƠNG 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỔ CHỨC THỰC THI CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN

HUYỆN MÙ CANG CHẢI, TỈNH YÊN BÁI

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC THỰC THI CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MÙ CANG CHẢI (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w