Để NHTMCP chấp thuận cấp tín dụng đối với DNNVV, thì trước hết bản thân các doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của mình; đảm bảo phương án kinh doanh khả thi, đủ hiệu quả để hoàn trả đầy đủ gốc và lãi khi đến hạn cho ngân hàng. Kết quả nghiên cứu trong chương 3 cũng cho thấy, năng lực tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định cấp tín dụng của NHTM đối với DNNVV. Trong bối cảnh các DNNVV tại TP HCM có quy mô vốn nhỏ (chủ yếu dưới 5 tỷ đồng), hoạt động còn mang tính tự phát, manh mún; để có thể nâng cao năng lực tài chính và hoạt động kinh doanh của mình, các DNNVV nên thực hiện các giải pháp như sau:
Phát triển các mối quan hệ liên doanh, liên kết
Trong điều kiện vốn ít, nhân công có trình độ thấp, khả năng quản lý chưa cao, cơ cấu sản phẩm đơn điệu, để có thể tồn tại và phát triển tốt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trước hết các DNNVV phải có những thay đổi lớn về tư duy chiến lược kinh doanh. Đó là chiến lược chuyên môn hóa sâu, tận dụng các nguồn lực sẵn có và tăng cường quan hệ liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác. DNNVV cần phải thay đổi lối suy nghĩ cục bộ, tư duy quản lý hạn hẹp trong khuôn
khổ gia đình, bạn bè. Việc tăng cường liên kết giữa các DNNVV với nhau sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được các thông tin, các lợi thế, nguồn lực cũng như các kinh nghiệm quản lý để cùng phát triển. Bên cạnh đó, DNNVV cũng cần chủ động, tranh thủ cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp lớn cùng ngành để tận dụng ưu thế sẵn có của doanh nghiệp lớn như nguồn vốn (chính sách tín dụng thương mại), quan hệ đối tác trong và ngoài nước, kinh nghiệm quản lý điều hành,…; từ đó tăng thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Như vậy, khi việc liên kết, hợp tác được thực hiện cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu sẽ tạo điều kiện cho DNNVV nâng cao uy tín, năng lực kinh doanh của mình trên thị trường, từ đó có thể tăng khả năng tiếp cận vốn vay từ các NHTMCP.
Chủ động tham gia các hiệp hội
Các DNNVV tại TP HCM nên tích cực, chủ động tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp để tận dụng sự hỗ trợ như: Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) hay các hiệp hội theo từng ngành nghề khác nhau (Hiệp hội lương thực thực phẩm TP HCM, Hiệp hội cao su, thủy sản,…). Tham gia vào các hiệp hội này, các DNNVV có điều kiện để cập nhật các văn bản, chính sách, quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh; các thông tin về thị trường; tham gia các hội thảo đào tạo kỹ năng quản lý; hoặc tận dụng cơ hội làm ăn giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm quản lý của nhau. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.
Ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật
Với năng lực tài chính hạn chế, DNNVV thường không có đủ vốn để đầu tư những công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại hoặc không dám mạo hiểm do chưa thể đánh giá được tính hiệu quả của đầu tư. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp này thường sử dụng các công nghệ cũ, lạc hậu, dẫn đến năng suất thấp, sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng hoặc chi phí sản xuất cao, giá thành cao, dẫn đến khó cạnh tranh về giá.
Khi các sản phẩm đưa ra thị trường có khả năng cạnh tranh kém, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, doanh thu và lợi nhuận thấp thì doanh nghiệp lại ít có cơ hội tích lũy vốn thặng dư để tái đầu tư mở rộng sản xuất. Quá trình này cứ tiếp diễn làm DNNVV khó có cơ hội để đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Do đó, để thoát khỏi tình trạng này, khi phát triển đến một chừng mực nhất định, DNNVV cần xác định chiến lược, kế hoạch đầu tư, đổi mới công nghệ một cách rõ ràng để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn với giá cả cạnh tranh. Các DNNVV cần tìm hiểu thông tin, có thể thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng để xác định những công nghệ phù hợp với đặc thù sản xuất của mình, với khả năng tài chính, lựa chọn thời điểm đầu tư thích hợp; đồng thời phải có phương án sản xuất, ứng dụng công nghệ mới một cách hiệu quả, khai thác tối đa công suất. Đây cũng là điều kiện trong phương án đầu tư mà NHTM yêu cầu khi xem xét tài trợ đầu tư tài sản cố định cho các DNNVV.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
DNNVV cũng cần có kế hoạch để đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, từ đó nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công tác đào tạo cần được lên kế hoạch cụ thể, thiết thực và phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp; có thể thực hiện bằng hình thức thuê mướn giảng viên ở bên ngoài hoặc tổ chức tự đào tạo bằng hình thức các cán bộ, nhân viên lành nghề chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhân viên mới, trình độ tay nghề thấp hơn hoặc có cơ chế để khuyến khích người lao động tự tham gia các khóa đào tạo để nâng cao tay nghề, kỹ năng như trả lương theo trình độ, năng suất công việc,... Đồng thời, DNNVV có thể yêu cầu người lao động đã tham gia chương trình đào tạo cam kết phục vụ làm việc cho doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, nếu không thực hiện đúng cam kết phải bồi thường các chi phí đào tạo mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Đối với cấp quản lý, DNNVV cũng phải có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ quản trị của các cấp quản lý doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc hoàn thiện khả
năng xây dựng, soạn thảo phương án kinh doanh khả thi và điều hành hoạt động kinh doanh theo kế hoạch. Công tác đào tạo có thể được thực hiện bằng cách khuyến khích tự tham gia các khóa đào tạo, hỗ trợ một phần chi phí hoặc tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn ngắn hạn do các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội hỗ trợ DNNVV phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành, NHTM tổ chức.