Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ BLTD DNNVV TP HCM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tp hồ chí minh (Trang 100 - 102)

Kết quả nghiên cứu định tính trong chương 2 và định lượng trong chương 3 của luận văn đều cho thấy, tài sản thế chấp là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của các DNNVV. Nhiều DNNVV không tiếp cận được nguồn tín dụng do không có đầy đủ tài sản thế chấp trong khi đó, vai trò bảo lãnh vay vốn của Quỹ BLTD DNNVV TP HCM hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ BLTD, Chính phủ, UBND TP và các cơ quan liên quan cần điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động của Quỹ BLTD, cụ thể như sau:

Hoàn thiện mô hình hoạt động và bộ máy tổ chức

Căn cứ theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ BLTD DNNVV TP HCM hiện nay do UBND TP HCM thành lập và quản lý, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các NHTM hoạt động hợp pháp trong nước đóng trên cùng địa bàn. Như vậy, so với quy định cũ, theo đó Quỹ BLTD trực thuộc Quỹ phát triển địa phương thì quy định mới đã tạo điều kiện, tăng tính chủ động trong hoạt động của Quỹ BLTD. Tuy nhiên trên thực tế, các quy định về cách thức hoạt động của Quỹ BLTD theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg vẫn còn nhiều khó khăn cho Quỹ, mà trước hết là vấn đề vốn hoạt động (vốn điều lệ). Vốn hoạt động chủ yếu của Quỹ BLTD hiện nay là vốn từ ngân sách địa phương, mặc dù quy định cũng cho phép các TCTD, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề khác tuy nhiên trên thực tế vẫn không có nhiều tổ chức tham gia góp vốn vào hoạt động của quỹ, một phần là do hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên chưa thu hút nhiều tổ chức, mặt khác là chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể việc góp vốn, đặc biệt là đối tượng NHTM. Như vậy, với số vốn điều lệ ít ỏi cùng với quy định mức bảo lãnh tối đa đối

với một khách hàng không vượt quá 15% vốn điều lệ, trong khi nhu cầu bảo lãnh của DNNVV trên địa bàn TP HCM rất lớn thì hiệu quả hoạt động sẽ còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ, UBND TP nên sớm ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD.

Ngoài ra hiện nay, ở Việt Nam chỉ có một mô hình Quỹ BLTD DNNVV do nhà nước thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Thực tế, các quốc gia trên thế giới đã tồn tại ba (03) mô hình quỹ BLTD, đó là: (i) một là do chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; (ii) hai là do các tổ chức hiệp hội thành lập (vốn hoạt động của Quỹ BLTD do các thành viên trong tổ chức hiệp hội đóng góp) nhằm bảo lãnh, trợ giúp các DNNVV thành viên, hoạt động phi lợi nhuận; (iii) ba là do các tổ chức, công ty thành lập, hoạt động kinh doanh chính là bảo lãnh, trợ giúp các doanh nghiệp; doanh thu là từ phí bảo lãnh và các dịch vụ tư vấn, trợ giúp các khách hàng là DNNVV trong hoàn thiện các thủ tục vay vốn, hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Thực tế trên thế giới, mô hình này chiếm tỷ lệ cấp BLTD khá cao so với các mô hình còn lại. Từ thực tiễn hoạt động quỹ BLTD của các nước trên thế giới và nhu cầu bảo lãnh tín dụng của DNNVV tại TP HCM cũng như trên cả nước, chính phủ cũng nên xem xét cho phép thành lập các Quỹ BLTD do các tổ chức, hiệp hội thành lập và các tổ chức, doanh nghiệp chuyên doanh thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.

Điều chỉnh quy định về đối tượng, điều kiện được bảo lãnh

Để hỗ trợ DNNVV có thể được bảo lãnh vay vốn tại các NHTMCP, Chính phủ, UBND TP nên quy định mở rộng các đối tượng và điều kiện được bảo lãnh, căn cứ trên điều kiện phát triển của các DNNVV trên địa bàn. Cụ thể như đối với điều kiện về tài sản bảo đảm, DNNVV phải có tài sản bảo đảm, thế chấp tối thiểu 15% giá trị khoản vay cũng nên xem xét điều chỉnh lại vì nhiều DNNVV không có đủ tài sản thế chấp mới đến nhờ Quỹ BLTD để bảo lãnh vay vốn; nếu có đủ tài sản thế chấp, DNNVV đã đến vay vốn trực tiếp tại các NHTMCP chứ không cần thông qua Quỹ BLTD để mất nhiều thời gian.

Tăng cường các hoạt động phối hợp giữa Quỹ BLTD với NHTMCP và các cơ quan quản lý nhà nước

Quỹ BLTD cần phối hợp chặt chẽ với các TCTD, các sở, ban, ngành, để cùng trợ giúp cho các DNNVV. Tiếp tục tăng cường hợp tác và mở rộng mối quan hệ hợp tác tốt với các NHTMCP trong hoạt động bảo lãnh tín dụng; đồng thời phối hợp để kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn của DNNVV sau khi vay để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, từ đó mang lại an toàn cao trong hoạt động cấp bảo lãnh tín dụng.

Hiện nay, hầu hết các NHTMCP đều có chính sách phát triển tín dụng DNNVV, thiết kế các gói tín dụng đặc thù và dành một lượng vốn nhất định để tài trợ cho các DNNVV. Một số NHTMCP còn thành lập riêng khối DNNVV để tiếp thị, cung ứng các sản phẩm tín dụng cho đối tượng DNNVV. Điều đó cho thấy, các NHTMCP cũng đang tích cực, nỗ lực phát triển tín dụng đối với DNNVV. Do đó, trong thời gian sắp tới, NHNN cần xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích, tăng cường phối hợp cho vay DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ BLTD tại các NHTMCP.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tp hồ chí minh (Trang 100 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)