Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tp hồ chí minh (Trang 25 - 27)

Tín dụng nói chung và tín dụng đối với DNNVV nói riêng có vai trò rất to lớn không chỉ đối với sự tồn tại và phát triển của bản thân DNNVV, của các NHTM mà còn là công cụ để thực hiện các mục tiêu vĩ mô, thực hiện các chính sách xã hội của nhà nước. Về cơ bản, tín dụng đối với DNNVV có những vai trò sau.

Tín dụng ngân hàng là đòn bẩy kinh tế

Trong nền kinh tế luôn tồn tại đồng thời các chủ thể tạm thời thừa vốn và chủ thể thiếu vốn. Tín dụng ngân hàng ra đời là cầu nối giúp điều hòa vốn từ chủ thể tạm thời thừa vốn đến các chủ thể cần vốn, làm cho những nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi không có khả năng sinh lợi nay đã được huy động trở thành hữu ích và tiếp tục sinh lợi; còn đối với những chủ thể thiếu vốn cũng nhờ vậy được bổ sung vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa. Từ đó có thể thấy, tín dụng ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Đặc biệt, đối với DNNVV, với số vốn ban đầu ít ỏi, tín dụng ngân hàng thực sự đã mang đến cơ hội cho các chủ doanh nghiệp có thể thành lập, khởi nghiệp hoặc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc vay vốn.

Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNVV

Trong bối cảnh xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển tốt phải không ngừng hoàn thiện, cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với tín dụng ngân hàng, các DNNVV có thể kịp thời bổ sung vốn để có thể đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến kinh doanh, hoạt động tốt, gia tăng giá trị thặng dư, nắm bắt cơ hội và chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, tín dụng ngân hàng cho DNNVV góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo trả đúng nợ gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn và để có thể vay thêm các khoản vay mới. Ngoài ra, trong quá trình cấp tín dụng thì ngân hàng thực hiện kiểm soát trước, trong và sau khi giải ngân buộc doanh nghiệp phải sử dụng vốn đúng mục đích và có lợi nhuận. Nguồn vốn vay ngân hàng được coi là

đòn bẩy tài chính giúp DNNNVV tối ưu hóa cơ cấu vốn, đạt chi phí sử dụng vốn thấp, tiết kiệm chi phí. Các DNNVV thường có nguồn vốn hạn chế, nếu sử dụng 100% vốn tự có thì chi phí sử dụng vốn sẽ rất cao, biết kết hợp thêm nguồn vốn vay với tỷ lệ hợp lý sẽ giúp tối đa hóa lợi nhuận với mức giá vốn bình quân rẻ nhất.

Tạo điều kiện mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại

Tín dụng ngân hàng dành cho DNNVV cũng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc mở rộng, phát triển các mối quan hệ đối ngoại và mở rộng giao lưu quốc tế. Thông qua việc cung cấp các khoản tín dụng tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn tín dụng nước ngoài,…tín dụng DNNVV đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV mở rộng các quan hệ kinh tế quốc tế, từ đó góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho các nước có điều kiện xích lại gần nhau hơn.

Góp phần nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực

Với đặc điểm nguồn vốn hạn chế, các DNNVV ít có cơ hội để đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc bỏ ra các chi phí để đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp hay trình độ tay nghề của người lao động, mặc dù có thể chủ doanh nghiệp nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này. Vì vậy, tín dụng ngân hàng sẽ là giải pháp để các DNNVV có điều kiện để thực hiện các nhu cầu này.

Giúp các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu đầu tư hợp lý, phân tán rủi ro

Tín dụng ngân hàng dành cho DNNVV chẳng những có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế này mà còn có tác dụng to lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng, giúp các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu đầu tư hợp lý, tăng trưởng tín dụng, đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường. Chẳng hạn như tại thị trường Việt Nam hiện nay, việc cho vay DNNVV với sản phẩm chủ yếu là vay bổ sung vốn lưu động sẽ giúp các NHTM giảm thiểu tỷ trọng cho vay trung dài hạn

tài trợ các dự án của các tập đoàn, công ty lớn, từ đó hạn chế rủi ro thanh khoản do hầu hết nguồn vốn huy động của các NHTM hiện nay có kỳ hạn ngắn, thực hiện đúng chức năng của NHTM là cung ứng nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh số lượng ngân hàng rất nhiều, cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc chuyển hướng sang cho vay các DNNVV một mặt vừa giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng, tăng lợi nhuận, giảm tình trạng cạnh tranh lãi suất để giành giật các khách hàng lớn làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, mặt khác cũng nâng cao vị thế cạnh tranh của ngân hàng thông qua việc mở rộng thị trường, gia tăng nền khách hàng cho vay.

Góp phần thực hiện các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô

Các mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế bao gồm ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các mục tiêu này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi khối lượng và cơ cấu tín dụng cung ứng trên thị trường. Thông qua các yếu tố như lãi suất, quy định điều kiện cho vay,… nhà nước có thể điều chỉnh được việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng. Việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng một mặt ảnh hưởng đến lượng tiền cung ứng và lãi suất trên thị trường và do đó tác động đến tình trạng giá cả trong nền kinh tế. Mặt khác việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng, giảm hay tăng lãi suất và thay đổi cơ cấu tín dụng sẽ tác động đến quy mô đầu tư, cơ cấu đầu tư và do vậy cũng đồng thời tác động đến sản lượng, việc làm và cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, với số lượng DNVV đông đảo, xuất hiện rộng khắp các vùng miền, khu vực kinh tế, tín dụng ngân hàng DNNVV thực sự là công cụ hữu ích để truyền dẫn ảnh hưởng điều hành của Nhà nước đến các vấn đề như giá cả, sản lượng và việc làm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tp hồ chí minh (Trang 25 - 27)