Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy, nhân tố hệ số nợ (Nợ phải trả/Tổng tài sản) có tác động ngược chiều đến khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV. Như vậy, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, DNNVV cần phải nâng cao năng lực vốn chủ sở hữu.
Tìm hiểu thực trạng hoạt động của các DNNVV trên địa bàn TP HCM nhận thấy, đa số các doanh nghiệp này đều thành lập xuất phát từ những mối quan hệ gia đình hoặc bạn bè, hoạt động dưới hình thức công ty TNHH với quy vốn nhỏ, chủ yếu dưới 5 tỷ đồng. Trong quá trình kinh doanh, một số doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn quyền lợi, dẫn đến doanh nghiệp thường bị tách ra thành các doanh nghiệp nhỏ hơn. Thực tế cũng cho thấy tại Việt Nam, hoạt động M&A các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phổ biến, ít khi các doanh nghiệp nhỏ sát nhập thành doanh nghiệp lớn. Cũng chính vì vấn đề sợ bị chia sẻ quyền lực, lợi ích nên nhiều DNNVV hoạt động theo quy mô gia đình tại TP HCM cũng như tại Việt Nam hiện nay không thích kết nạp, bổ sung thêm cổ đông mới mà chỉ sử dụng vốn tự có của mình, nếu thiếu thì vay mượn gia đình, bạn bè, thậm chí là có bao nhiêu vốn thì kinh doanh bấy nhiêu, không chú trọng đến vấn đề gia tăng năng lực vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính hạn chế, DNNVV khó có cơ hội để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, DNNVV là đối tượng dễ bị tổn thương, thua lỗ, thậm chí phải giải thể, phá sản. Do đó, để hạn chế vấn đề này, DNNVV cần quan tâm gia tăng năng lực tài chính, trước hết là tăng vốn chủ sở hữu thông qua việc kêu gọi thêm thành viên, cổ đông góp
vốn; củng cố cấu trúc vốn và việc vốn hóa phần tích lũy từ lợi nhuận để lại. Tăng vốn chủ sở hữu, tăng khả năng tự tài trợ cũng là cơ sở để DNNVV tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh việc gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu thì DNNVV cũng cần quan tâm đến những nguồn vốn bù đắp khác như tín dụng nhà cung cấp, song song với việc quản lý tốt các nhân tố cấu thành chu kỳ sản xuất kinh doanh như quản lý tồn kho, quản lý các khoản phải thu.