Nhóm tác giả đã có hướng nghiên cứu mới về mô hình Điểm số Z tại Việt Nam, theo đó đi sâu vào kiểm định tính chính xác của mô hình khi áp dụng ở thị trường Việt Nam chứ không theo hướng ứng dụng mô hình. Về tính đóng góp thì kết quả của nghiên cứu giúp hình thành một cơ sở kiểm chứng cho việc ứng dụng mô hình sau này đối với môi trường trong nước.
Tuy nhiên, như nhóm tác giả có trình bày, nghiên cứu này cũng có hạn chế ở điểm các doanh nghiệp trong nhóm 1 được lấy mẫu khá ít do doanh nghiệp niêm yết
gặp kiệt quệ tài chính giai đoạn đó chưa nhiều. Chỉ 11 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 so với con số 282 của nhóm 2 nên có thể xảy ra hạn chế đo lường thống kê so với nghiên cứu tại Thái Lan và Mexico. Thực tế, việc nhận diện doanh nghiệp phá sản, kiệt quệ tài chính là quan trong hơn nên khảo sát doanh nghiệp nhóm 1 của nghiên cứu này là chưa tương xứng. Chính vì vậy độ tin cậy chỉ mang tính chất tương đối và cần có những nghiên cứu ở phạm vi rộng hơn để đảm bảo tính đại diện.
Ngoài ra, phạm vi lấy mẫu của nghiên cứu trên chỉ tập trung vào các công ty tại HOSE là chưa bao quát. Nếu phân tích đại diện cho doanh nghiệp ở Việt Nam thì phạm vi lấy mẫu doanh nghiệp niêm yết nên được chọn rộng hơn ở cả hai thị trường là HOSE và HNX thì tính đại diện sẽ cao hơn.
Vì những tồn tại nêu trên, nên luận văn này sẽ tiến hành kiểm tra lại tính chính xác của mô hình ở Việt Nam với số lượng công ty thuộc nhóm 1 nhiều hơn và ở cả hai sàn chứng khoán trong nước để đưa ra kết quả kiểm định với mức độ tin cậy cao hơn. Phần này sẽ được trình bày cụ thể hơn ở chương sau.