Dù mô hình Điểm số Z đã được Altman đưa ra từ năm 1968 và được sử dụng tại nhiều nước trên Thế giới. Nhưng tại Việt Nam, mô hình này chỉ mới được quan tâm trong giai đoạn gần đây. Có thể kể đến các nghiên cứu ứng dụng mô hình này tại Việt Nam như của Lâm Minh Chánh (2007), Huỳnh Cát Tường (2008) và Phạm Thế Anh – Nguyễn Thành Cường (2010).
Trong bài “Chỉ số Z: Công cụ phát hiện nguy cơ phá sản và xếp hạng định mức tín dụng” và “Dùng Chỉ số Z để ước tính hệ số tín nhiệm” năm 2007 của Lâm Minh Chánh, ngoài việc giới thiệu mô hình Điểm số Z thì tác giả đã đưa ra những phân tích nhằm giúp doanh nghiệp cải thiện Điểm số Z của mình và việc dùng Điểm số Z để ước lượng hệ số tín nhiệm.
Huỳnh Cát Tường với đề tài nghiêm cứu “Khánh kiệt tài chính và ứng dụng mô hình Z-score trong dự báo khánh kiệt tài chính” đã trình bày rõ ràng hơn về quá trình
phát triển mô hình Điểm số Z của Altman từ công trình nghiên cứu năm 2000 của Ông. Ngoài ra, nghiên cứu còn đưa ra một số phân tích về Điểm số Z của một số doanh nghiệp cũng như đưa ra những ưu điểm và lưu ý khi ứng dụng mô hình trong môi trường Việt Nam.
Một nghiên cứu khác ứng dụng mô hình Điểm số Z mang tên: “Đo lường rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong việc cho vay đối với các doanh nghiệp thủy sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của Phan Thế Anh – Nguyễn Thành Cường năm 2010. Bài viết đã ứng dụng mô hình Điểm số Z của Altman để đo lường rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong việc cho vay đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ kết quả ứng dụng mô hình, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam cải thiện được Điếm số Z của bản thân doanh nghiệp thông qua đó nâng cao tính an toàn. Tuy nhiên, các kết quả tính toán các biến ứng dụng Điểm số Z của nghiên cứu này vẫn chưa chính xác so với tinh thần của Altman.
Có thể thấy các nghiên cứu trên về mô hình Điểm số Z tại Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc khái quát, giới thiệu, sử dụng phù hợp của mô hình Điểm số Z sẵn có trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam. Riêng việc kiểm định tính phù hợp của mô hình tại Việt Nam thì mẫu của doanh nghiệp kiệt quệ tài chính thu thập được khá hạn chế (chỉ 11 doanh nghiệp) nên đánh giá của đề tài chưa tổng quát và đủ tin cậy. Vì thế, với việc kiểm định tính phù hợp của mô hình Điểm số Z tại Việt Nam với mẫu doanh nghiệp lớn hơn, cho ra mức độ tin cậy cao hơn và tổng quát hơn thì đây chính là tính mới của đề tài so với các đề tài khác về Điểm số Z tại Việt Nam. Từ kết quả kiểm định nêu trên, tác giả tiến hành sử dụng mô hình Điểm số Z để nhận diện khả năng phá sản, kiệt quệ tài chính của một số doanh nghiệp trong nước.
Tóm tắt chương 1
Qua chương 1, có thể thấy mô hình mô hình Điểm số Z mà Atlman thu được khá đơn giản nhưng tỷ lệ nhận diện được doanh nghiệp phá sản, kiệt quệ tài chính cũng như lành mạnh lại khá cao. Ngoài ra, ông còn tiến hành điều chỉnh nhiều mô hình Điểm số Z cho doanh nghiệp với đặc thù khác nhau và ở nền kinh tế khác nhau. Khi so sánh với các mô hình nhận diện phá sản xây dựng bằng các phương pháp khác thì Điểm số Z có ưu thế hơn về tỷ lệ chính xác cao và tính đơn giản, tiện dụng của mô hình.
Nghiên cứu của Lê Cao Hoàng Anh - Nguyễn Thu Hằng được trình bày trong chương này mặc dù gặp phải hạn chế về mẫu kiểm định, nhưng nghiên cứu này phần nào cho thấy mô hình Điểm số Z’’ có khả năng dự báo doanh nghiệp kiệt quệ tài chính và phá sản tại Việt Nam. Ngoài ra, các nghiên cứu khác về ứng dụng mô hình Điểm số Z tại Việt Nam cũng cho thấy sự quan tâm đến mô hình trong giới học thuật trong nước.
CHƯƠNG 2. KIỂM ĐỊNH VÀ ỨNG DỤNG MÔ HÌNH ĐIỂM SỐ Z VÀO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Trên cơ sở những trình bày cơ bản về mô hình Điểm số Z cũng như kiểm định và ứng dụng mô hình tại Việt Nam, chương 2 sẽ đi sâu hơn vào lựa chọn mô hình và kiểm định lại tính phù hợp của mô hình để bổ sung cho sự chắc chắn của kiểm định trước đó. Các quá trình kiểm định từ chọn mô hình Điểm số Z phù hợp để kiểm định, phương pháp kiểm định, phương thức chọn mẫu… sẽ được giới thiệu. Tác giả cũng tiến hành so sánh mô hình Điểm số Z với một số mô hình dự báo khả năng phá sản được xây dựng bằng phương pháp khác. Sau đó, mô hình Điểm số Z sẽ được ứng vào phân tích các doanh nghiệp thuộc một số ngành tại Việt Nam để đưa ra đánh giá về tình hình tài chính của một số doanh nghiệp.