Dựa vào những hạn chế từ nghiên cứu kiểm định sự phù hợp mô hình Điểm số Z tại Việt Nam của Lê Cao Hoàng Anh – Nguyễn Thu Hằng đã được trình bày ở trên, phần này của đề tài sẽ tiến hành lại các kiểm định để củng cố cho kết quả thu được với mức độ tin cậy cao hơn.
Như đã trình bày, ngoài mô hình Điểm số Z ban đầu, Altman đã phát triển thêm hai mô hình khác là Điểm số Z’ và Điểm số Z’’ để phù hợp hơn với một số đối tượng mà mô hình Điểm số Z không đáp ứng được. Theo đó, Điểm số Z dùng cho các doanh nghiệp ngành sản xuất đã cổ phần hóa, Điểm số Z’ dành cho doanh nghiệp sản xuất chưa cổ phần hóa và đối với mô hình Điểm số Z’’ thì không phân biệt doanh nghiệp sản xuất hay thương mại dịch vụ. Vì có sự tồn tại đồng thời ba mô hình nên cần phải lựa chọn mô hình phù hợp nhất để tiến hành kiểm định.
Mô hình Điểm số Z’’ sẽ được dùng để kiểm định sự phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam vì các lý do được nêu sau: Thứ nhất, nghiên cứu này không phân biệt doanh nghiệp có thuộc ngành sản xuất hay không. Chính vì thế mô hình Điểm số Z’’ đã loại bỏ biến X5- biến tạo ra sự khác biệt nhiều giữa doanh nghiệp sản xuất và không sản xuất là phù hợp. Thứ hai, Altman 2000 đã đưa ra quan điểm rằng mô hình Điểm số Z’’ phù hợp với các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế mới nổi nên mô hình này là phù hợp với Việt Nam – một nước đang phát triển. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên thì Điểm số Z’’ cũng đã được kiểm định là khá phù hợp ở Thái Lan – một thị trường có mức độ tương đồng nhất định với thị trường tại Việt Nam.
Nhắc lại mô hình Điểm số Z’’
Z’’ = 6,56X1 + 3,26X2 + 6,72X3 + 1,05X4
Các điểm cắt của mô hình:
Z’’ < 1,1 : Doanh nghiệp kiệt quệ, phá sản,
1,1 < Z’’ < 2,6 : Dấu hiệu chưa rõ ràng, vùng xám, Z’’ > 2,6 : Doanh nghiệp an toàn, không phá sản,