Từ các doanh nghiệp của ngành ban đầu, hai doanh nghiệp sẽ được chọn ra để phân tích tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đó. Quá trình phân tích sẽ dựa trên Điểm số Z’’ và các chỉ số cấu thành nên Điểm số Z’’, từ đó tìm ra nguyên nhân vì sao doanh nghiệp an toàn hoặc kiệt quệ tài chính.
CTCP Thủy sản Mekong
Đây là doanh nghiệp có Điểm số Z’’ tốt nhất trong nhóm và biến động theo chiều hướng tăng trong thời gian trên. CTCP Thủy sản MeKong luôn có Điểm số Z’’ ở mức cao nhất nhóm, không có dấu hiệu của việc xảy ra phá sản, kiệt quệ tài chính.
Bảng 2.6 Điểm số Z’’ CTCP Thủy sản Mekong Năm Chỉ tiêu 2013 2014 2015 2016 2017 X1 0,6433 0,6553 0,6255 0,7827 0,7504 X2 0,0758 0,0739 0,0799 0,0817 0,0677 X3 0,1721 0,1374 0,0748 0,0612 0,0527 X4 5,8994 6,4585 3,4539 18,9538 22,7232
Z'' 11,8181 12,2442 8,4935 25,7135 29,3566 Nguồn: Tác giả tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp (các quy ước như Bảng 2.6)
Năm 2013, 2014 Điểm số Z’’ của doanh nghiệp tương đối ít biến động và giữ ở mức khoản 12 điểm, các chỉ số thành phần của doanh nghiệp trong 2 năm này ít biến động. Doanh nghiệp được đánh giá lành mạnh chủ yếu nhờ vào chỉ tiêu X4 ở mức khá cao ở mức VCSH gấp khoản 6 lần so với nợ. Chính việc sử dụng nợ rất ít này đã khiến đánh giá khả năng phá sản, kiệt quệ tài chính của đơn vị ở mức thấp. Sang năm 2015, Điểm số Z của doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao là 8,4935 điểm và được đánh giá là an toàn tài chính. Chỉ số tác động chính đến việc giảm Điểm số Z’’ của đơn vị trong năm này là chỉ tiêu X4. Hai năm cuối của khảo sát, Điểm số Z’’ của đơn vị tăng đột biến lên 25,7135 điểm và 29,3566 điểm tương ứng các năm 2016 và 2017.
Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn điến biến động Điểm số Z’’ của CTCP Thủy sản Mekong chủ yếu nằm ở chỉ số X4, chỉ số này làm giảm 3.1548 điểm trong 3.7507 điểm giảm của Điểm số Z’’ doanh nghiệp từ 2014 sang 2015. Cũng chính chỉ số X4 đã khiến Điểm số Z’’ của doanh nghiệp này tăng thêm 18,081 điểm trong tổng số 17,22 Điểm số Z’’ tăng (các chỉ số khác làm Điểm số Z’’ giảm) trong giai đoạn từ năm 2015 sang 2016. Năm 2017, doanh nghiêp sử dụng rất ít nợ, Tổng nợ/VCSH chỉ ở mức 4,4%. Có thể kết luận rằng, tình hình tài chính của doanh nghiệp được đánh giá an toàn chủ yếu do việc doanh nghiệp sử dụng ít nợ và sự biến động của tỷ lệ sử dụng nợ (VCSH/Tổng nợ) là nguyên nhân chính gây ra sự biến động tính an toàn tài chính của doanh nghiệp theo đánh giá Điểm số Z’’.
Mặc dù Điểm số Z’’ của đơn vị trong kỳ có xu hướng tăng, tuy nhiên khi xét đến chỉ số thành phần thì X3 là chỉ số luôn có xu hướng giảm qua các năm. Tỷ lệ tạo ra lợi nhuận trước thuế và lãi vay của doanh nghiệp ở mức 17,21% năm 2013 đã giảm xuống chỉ còn 5,17% trong năm 2017. Chỉ số X3 giảm chủ yếu do EBIT của doanh nghiệp giảm mạnh hơn tốc độ giảm của TTS. Mặc dù được đánh giá an toàn tài chính nhưng việc chỉ số X3 liên tục giảm xuống thắp trong 5 năm cho thấy khả năng tạo ra lợi
nhuận của đơn vị thấp, kết quả kinh doanh đang không hiệu quả. Đây là một dấu hiệu cảnh báo cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Các chỉ số X1 và X2 của doanh nghiệp được tương đối ổn định trong suốt thời gian khảo sát. Tỷ lệ VLĐR/TTS của đơn vị luôn được giữ ở mức trên 62%, đến 2 năm cuối tăng cao ở mức trên 75%. Tỷ lệ LNGL/TTS của đơn vị cũng không biến động nhiều do tốc độ giảm của LNGL và TTS gần như tương đương, ngoài ra do không tạo ra được lợi nhuận nhiều trong giai đoạn đánh giá nên LNGL của đơn vị không được tích lũy thêm nhiều.
Nói chung CTCP Thủy sản Mekong được đánh giá là an toàn tài chính, khả năng xảy ra phá sản kiệt quệ tài chính là thấp. Tính an toàn của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc sử dụng ít nợ. Tuy nhiên, khi xem xét chỉ tiêu thành phần của Điểm số Z’’ thì ngược lại với việc an toàn về tài chính, doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề về hiệu quả kinh doanh. Khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp đang theo chiều hướng giảm sút đáng kể. Một trong những mục tiêu quan trong của doanh nghiệp là kinh doanh hiệu quả và mang về lợi nhuận, chính vì thế CTCP Thủy sản Mekong phải tìm phương án tăng hiệu quả sử dụng tài sản nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Khi đã tăng được hiệu quả sử dụng tài sản, doanh nghiệp có thể sử dụng thêm nợ (ở mức độ vừa phải) để tận dụng thêm lợi thế đòn bẩy của nợ nhằm gia tăng thêm hiệu quả kinh doanh.
CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn
Bảng 2.7 Điểm số Z’’ CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn
Năm Chỉ tiêu 2013 2014 2015 2016 2017 X1 0,0987 0,2788 0,7261 0,3596 0,3832 X2 -0,2118 -0,2574 -0,0474 0,0544 0,0718 X3 0,0724 0,0166 0,0281 0,0820 0,0603 X4 0,5786 0,9033 3,8051 0,6882 0,7609 Z'' 1,0508 2,0493 8,7928 3,8103 3,9521
Đây là doanh nghiệp có tình hình an toàn tài chính biến động nhất nhóm. Năm 2013, doanh nghiệp được đánh giá là có khả năng phá sản kiệt quệ tài chính, sau đó cải thiện và được xếp vào vùng xám năm 2014. Năm 2015 doanh nghiệp đã cải thiện được tình hình an toàn tài chính một cách manh mẽ, điểm số Z của doanh nghiệp đã tăng 6,7435 đơn vị khiến cho doanh nghiệp thoát khỏi diện bị cảnh báo phá sản, kiệt quệ tài chính lên diện được đánh giá là an toàn tài chính với Điểm số Z’’ đạt 8,7928 điểm chỉ sau 2 năm. Sang năm 2016, Điểm số Z’’ của doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn thuộc dạng nhận diện an toàn tài chính ở mức 3,8103 điểm và biến động nhẹ trong năm 2017 ở mức 3,9521 điểm.
Chỉ số X1 là một trong những chỉ số tác động chính đến Điểm số Z’’ của doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016. Từ năm 2013 sang năm 2014, việc gia tăng tỷ lệ VLĐR/TTS từ mức 9,87% lên 27,88% đã khiến cho Điểm số Z’’ của doanh nghiệp tăng thêm 1,1816 điểm. Có thể nói, việc tăng VLĐR so với TTS là nguyên nhân chính củng cố tính an toàn của doanh nghiệp trong năm. Sang năm 2015, do tiếp tục tăng tỷ lệ VLĐR so với TTS đã khiến cho Điểm số Z’’ của doanh nghiệp tăng 2,934 điểm và cũng là chỉ tiêu tác động đến Điểm số Z’’ nhiều thứ 2 trong năm. Tỷ lệ VĐR trong năm 2015 của doanh nghiệp đã đạt được đến 72,61% TTS, đây là tỷ lệ cao nhất trong năm 5 khảo sát. Năm 2016, Chỉ tiêu X1 lại giảm xuống còn 0,3596 đơn vị khiến cho tình hình tài chính của doanh nghiệp bị đánh giá giảm tính an toàn tài chính.
Chỉ tiêu LNGL/TTS (X2) của đơn vị có xu hướng được cải thiện qua các năm. Trong năm 2013 và 2014, LNGL của doanh nghiệp đã bị âm dẫn đến chỉ tiêu này âm. Năm 2015, LNGL của doanh nghiệp dù được cải thiện nhưng vẫn là số âm, tuy nhiên do TTS trong năm của đơn vị tăng vọt (gần 3,6 lần) khiến cho chỉ tiêu X2 được cải thiện nhiều. Chỉ tiêu X2 của doanh nghiệp trong năm này được cải thiện cũng góp phần nâng cao tính an toàn tài chính của doanh nghiệp. Năm 2016, doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hơn, EBIT đạt đến 92.169 triệu đồng đã khiến cho LNGL tăng và lần đầu tiên đạt giá trị dương sau 3 năm và tác động là nâng cao Điểm số Z’’ của doanh nghiệp.
EBIT của doanh nghiệp trong thời gian khảo sát đạt mức độ không cao, chỉ số EBIT/TTS (X3) vì thế cũng ở mức thấp. Trong năm 2013, EBIT của doanh nghiệp chỉ đạt được ở mức 7,24% trên TTS. Tỷ lệ này còn giảm nhiều xuống 1,66% và 2,81% trong năm 2014 và 2015, tỷ lệ tạo lợi nhuận này là rất thấp. Lợi nhuận của đơn vị tăng nhiều trong năm 2016 đã khiến tỷ lệ EBIT/TTS tăng lên mức 8,2% và tỷ lệ này đã giảm về mức 6,03% trong năm 2017. Tỷ lệ tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức thấp và đặc biệt thấp ở các năm 2014 và 2015, doanh nghiệp cần chú ý hơn trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh. Do giá trị X3 của doanh nghiệp luôn thấp nên hầu như chỉ tiêu này biến động qua các năm ít góp phần vào nhận diện an toàn của doanh nghiệp thông qua Điểm số Z’’.
Chỉ tiêu X4 cùng với chỉ tiêu X1 là hai chỉ tiêu tác động chủ yếu đến Điểm số Z’’ của CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn. Trong năm 2015, doanh nghiệp này có Điểm số Z’’ tăng cao là do chỉ tiêu X4 đóng góp nhiều nhất (3,0469 điểm), tỷ lệ VCSH/Tổng nợ của doanh nghiệp trong năm đã tăng từ 0,9033 đơn vị năm 2014 lên thành 3,8051 đơn vị năm 2015. Việc chỉ số X4 của doanh nghiệp tăng cao trong năm 2015 chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp tăng mạnh Vốn góp của CSH từ 96.00 triệu đồng lên 396.000 triệu đồng (tăng trên 4 lần). Chỉ số X4 của năm 2016 cũng tiếp tục biến động mạnh nhưng theo chiều hướng giảm so với năm 2015, từ 3,8051 lần giảm xuống còn chỉ 0,6882 lần đã khiến đánh giá tính an toàn tài chính của doanh nghiệp theo Điểm số Z’’ giảm mạnh. Nguyên nhân của việc giảm mạnh trong năm đến từ việc doanh nghiệp tăng nợ đột biến lên đến 6,76 lần từ 98.429 triệu đồng lên 665.541 triệu đồng trong năm.
Có thể thấy, sự biến động tính an toàn tài chính của CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn qua Điểm số Z’’ chủ yếu phụ thuộc vào 2 chỉ tiêu là X1 và X4. Chính việc tăng VCSH nhiều trong năm 2015 để tăng tài sản ngắn hạn tương ứng đã khiến doanh nghiệp tăng tính an toàn tài chính, cũng chính việc tăng nợ ngắn hạn trong năm 2016 để tăng tổng tài sản đã khiến cho tính an toàn của doanh nghiệp giảm thông qua 2 chỉ
tiêu trên. Doanh nghiệp nên cẩn trọng hợp trong việc dùng nguồn vốn tài trợ cho tài sản để đảm bảo tính an toàn tài chính.
Ngoài ra, CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cải thiện hiệu quả kinh doanh để gia tăng lợi nhuận đồng thời tích lũy lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp nhằm nâng cao tính an toàn tài chính. Tỷ lệ EBIT/TTS chỉ ở mức 1,7- 2,8% như trong giai đoạn 2014-2015 là rất thấp.