Phân tích Điểm số Z’’ doanh nghiệp ngành bất động sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình điểm số z để nhận diện khả năng phá sản đối với các doanh nghiệp tại việt nam nguyễn dương bằng (Trang 57 - 61)

CTCP Tập đoàn Đất Xanh

CTCP Tập đoàn Đất Xanh là doanh nghiệp có Điểm số Z’’ nằm ở mức trung bình của nhóm. Xu hướng chính Điểm số Z’’ của doanh nghiệp này là tăng nhẹ sau thời gian khảo sát.

Bảng 2.9 Điểm số Z’’ CTCP Tập đoàn Đất Xanh Năm Chỉ tiêu 2013 2014 2015 2016 2017 X1 0,3176 0,3993 0,4114 0,5572 0,4982 X2 0,0663 0,1060 0,1069 0,1217 0,0727 X3 0,0953 0,1233 0,1526 0,1534 0,1360 X4 1,0472 0,9853 0,9830 1,7465 0,8295 Z'' 4,0394 4,8283 5,1049 6,9161 5,2900

Nguồn: Tác giả tính toán từ BCTC của doanh nghiệp (các quy ước như Bảng 2.6)

Trong giai đoạn từ 2013 đến 2016, Điểm số Z’’ của doanh nghiệp đều tăng, tính an toàn tài chính của doanh nghiệp được đánh giá tăng qua các năm này. Đặc biệt trong năm 2016, Điểm số Z’’ của doanh nghiệp này tăng khá nhiều so với các năm trước (tăng trên 1,8 điểm). Năm 2017 là năm duy nhất Điểm số Z’’ của doanh nghiệp giảm so với năm liền trước, nhưng mức độ giảm không nhiều nên doanh nghiệp vẫn được nhận diện ở vùng đánh giá an toàn.

Chỉ số X1 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh là chỉ số chính khiến Điểm số Z’’ của doanh nghiệp giữ ở mức cao và được đánh giá an toàn tài chính qua các năm. Năm 2013, nhờ tỷ lệ VLĐR/TTS ở mức 31,76% đã đóng góp 2,0836 điểm trong tổng số 4,0394 của Điểm số Z’’ trong năm. Có thể thấy, chỉ tiêu X1 luôn đóng góp trên 50% Điểm số Z’’ của doanh nghiệp trong suốt thời gian trên. Từ năm 2013 đến 2016, chỉ số X1 đều có xu hướng tăng và đã góp phần khiến Điểm số Z’’ của doanh nghiệp tăng theo và tăng tính an toàn tài chính cho doanh nghiệp. Năm 2017, Điểm số Z’’ của doanh nghiệp giảm cũng do một phần doanh nghiệp giảm chỉ tiêu X1. Việc doanh nghiệp luôn giữ chỉ tiêu X1 ở mức cao ổn định là hợp lý đối với các doanh nghiệp BĐS vì các doanh nghiệp này chuyên đầu tư tài sản dài hạn nên phải có nguồn vốn dài hạn lớn tương ứng để tài trợ cho tài sản dài hạn cũng như tài trợ một phần vốn ngắn hạn để đảm bảo an toàn tài chính.

CTCP Tập đoàn Đất Xanh có LNGL thấp khi so với TTS của doanh nghiệp, nên chỉ tiêu X2 của doanh nghiệp qua các năm chỉ nằm dưới mức 0,122 đơn vị. Đóng góp của chỉ tiêu này đối với đánh giá an toàn tài chính của doanh nghiệp thông qua Điểm số Z’’ cũng rất thấp (chưa đến 0,4 điểm qua các năm) và biến động của chỉ tiêu này không ảnh hưởng nhiều đến Điểm số Z’’ của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2013 đến 2016, chỉ tiêu X2 của doanh nghiệp đang có xu hướng cải thiện, tuy nhiên đến năm 2017 do TTS tăng gần gấp 2 lần nhưng LNSTCPP chỉ tăng 10% đã khiến chỉ tiêu này giảm xuống.

Chỉ số X3 của doanh nghiệp trong giai đoạn khảo sát có xu hướng tăng, cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trong thời gian trên. Mức tạo ra lợi nhuận trước thuế và lãi vay từ tài sản của doanh nghiệp trong giai đoạn cuối tương đối tốt (ở mức 13 – 15%). Đóng góp của chỉ số X3 cho đánh giá an toàn của doanh nghiệp thông qua Điểm số Z’’ cũng vì thế cao hơn qua các năm. Năm 2013, chỉ số này chỉ đóng góp 0,6403 điểm trong tổng số gần 4,0394 điểm của năm, đến các năm cuối khảo sát chỉ số này đã đóng góp được khoản 1 điểm.

Trong 3 năm từ 2013 đến 2015, tỷ lệ VCSH/Tổng nợ của đơn vị được giữ ổn định ở mức gần bằng 1, tức là TTS của doanh nghiệp được tài trợ từ ½ là nợ và ½ là VCSH. Năm 2016, do VCSH của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi (chủ yếu do tăng vốn góp của chủ sở hữu) trong khi tổng nợ tăng không nhiều đã khiến cho chỉ số X4 tăng mạnh trong năm lên 1,7465 đơn vị. Việc chỉ số X4 tăng trong năm đã góp phần tăng Điểm số Z’’ của doanh nghiệp lên thêm 0,8016 điểm trong năm góp phần tăng tính an toàn tài chính. Ngoài ra, VCSH tăng cao trong năm để tài trợ chủ yếu cho tài sản ngắn hạn tăng đã khiến tỷ lệ VLĐR/TTS (chỉ tiêu X1) tăng trong năm và góp phần an toàn tài chính cho doanh nghiệp. Như vậy trong năm 2016, nguyên nhân chính của đánh giá an toàn Điểm số Z’’ của doanh nghiệp tăng chủ yếu đến từ việc tăng VCSH. Trong năm 2017, nguyên nhân chính của việc giảm đánh giá an toàn tài chính của doanh nghiệp là từ việc tăng tổng tài sản gần 1,85 lần trong khi các chỉ tiêu như VLĐR, LNGL, EBIT, VCSH không tăng tương ứng đã khiến tất cả các chỉ số từ X1 đến X4 đều giảm dẫn đến giảm Điểm số Z’’ của doanh nghiệp.

Tóm lại, tính an toàn tài chính theo Điểm số Z’’ của CTCP Tập đoàn Đất Xanh chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp này có tỷ lệ VLĐR/TTS ở mức tốt, tỷ lệ sử dụng nợ vừa phải và hiệu quả sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận trước thuế và lãi vay cũng ở mức tương đối tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý cân đối các chỉ tiêu trên để đảm bảo tính an toàn tài chính. Ngoài ra việc tăng LNGL qua các năm để tăng tính an toàn tài chính là cần thiết đối với doanh nghiệp này.

CTCP ĐT và PT Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương

CTCP ĐT và PT Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương là doanh nghiệp có tình hình an toàn tài chính theo Điểm số Z’’ có biến động xấu nhất trong các doanh nghiệp trong nhóm khảo sát. Doanh nghiệp chỉ được phân loại an toàn tài chính trong năm đầu khảo sát, các năm sau doanh nghiệp đều thuộc nhận diện có khả năng phá sản, kiệt quệ tài chính với Điểm số Z’’ rất thấp.

Bảng 2.10 Điểm số Z’’ CTCP ĐT và PT Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương Năm 2013 2014 2015 2016 2017

Chỉ tiêu X1 0,3900 -0,3144 0,0008 -0,0066 -0,0788 X2 0,0083 0,0330 0,0253 -0,0131 -0,0829 X3 0,0103 0,0342 0,0339 -0,0281 -0,0977 X4 0,5211 0,6145 0,7238 1,0094 1,0500 Z'' 3,2018 -1,0798 1,0750 0,7853 -0,3406

Nguồn: Tác giả tính toán từ BCTC của doanh nghiệp (các quy ước như Bảng 2.6)

Trong năm 2013, chỉ tiêu quan trọng quyết định Điểm số Z’’ của doanh nghiệp là X1, chỉ tiêu này quyết định đến 2,5587 điểm trong tổng số 3,2018 Điểm số Z’’ của năm. Chính nhờ có chỉ tiêu X1 ở mức tốt nên doanh nghiệp được đánh giá an toàn tài chính trong năm này. Năm 2014, VLĐR của doanh nghiệp giảm còn -278.305 triệu đồng dẫn đến mất cân đối tài chính của doanh nghiệp, khiến cho tỷ lệ VLĐR/TTS giảm sâu và doanh nghiệp bị nhận diện phá sản, kiệt quệ tài chính. Nguyên nhân của VLĐR âm lớn trong năm là do doanh nghiệp phải điều chỉnh lại một số lượng lớn tài sản dài hạn đã được hạch toán nhầm thành tài sản ngắn hạn. Trong các năm sau đó, tình hình mất cân đối tài chính có được cải thiện phần nào khiến cho chỉ số X1 gần bằng 0 trong khoản thời gian 3 năm, tuy nhiên việc cải thiện này cũng không đủ để đưa doanh nghiệp vào vùng nhận diện an toàn tài chính mà vẫn nằm trong vùng nhận diện phá sản, kiệt quệ tài chính.

Trong 3 năm đầu khảo sát, LNGL của đơn vị vốn có giá trị rất thấp so TTS (chưa đến 4% giá trị TTS). Năm 2016 và 2017, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ nên LNGL đã bị thâm hụt, chỉ số X2 trong giai đoạn này có giá trị âm dù âm không nhiều. Giá trị LNGL không đáng kể như trên đã khiến cho chỉ số X2 không đóng góp được vào an toàn tài chính mà còn góp phần ảnh hưởng xấu đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.

Trong thời gian khảo sát, CTCP ĐT và PT Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương có tình hình kinh doanh rất không hiệu quả. Tỷ lệ tạo ra lợi nhuận trước thuế và lãi vay của doanh nghiệp luôn ở dưới mức 3,5%. Hai năm cuối khảo sát, doanh nghiệp còn lỗ với tỷ lệ tương ứng là gần 3% và 10%. Chỉ tiêu X3 của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng xấu đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.

Chỉ tiêu X4 là chỉ tiêu duy nhất của doanh nghiệp có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2013, chỉ tiêu này có giá trị 0,5211 đơn vị đã tăng lên được 1,0500 đơn vị trong năm 2017. Tuy nhiên do chỉ tiêu này tăng không nhiều và hệ số tác động của nó đến Điểm số Z’’ không lớn nên Điểm số Z’’ của doanh nghiệp cũng không được cải thiện nhiều dựa vào chỉ tiêu này.

Tổng kết lại, nguyên nhân chính của Điểm số Z’’ thuộc diện cảnh báo phá sản kiệt quệ tài chính của CTCP ĐT và PT Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương nằm ở cơ cấu tài chính không hợp lý, lợi nhuận giữ lại chưa cao và hiệu quả kinh doanh kém. Để củng cố tính an toàn tài chính, đầu tiên doanh nghiệp phải điều chỉnh lại cơ cấu tài chính, gia tăng vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản và giảm tài sản dài hạn trong cơ cấu tài sản. Tiếp theo, thực hiện cải thiện tình hình kinh doanh, nâng cao lợi nhuận hoạt động kinh doanh, hiệu quả sử dụng tài sản. Từ việc tạo ra lợi nhuận kinh doanh cao, gia tăng giữ lại lợi nhuận để cũng cố nguồn vốn kinh doanh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình điểm số z để nhận diện khả năng phá sản đối với các doanh nghiệp tại việt nam nguyễn dương bằng (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)