Khi mới thành lập bộ máy tổ chức của chi nhánh NHNo & PTNT Sóc Trăng bao gồm:
- Hội sở tỉnh đặt tại trung tâm tỉnh lỵ chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành các chi nhánh trực thuộc trong tỉnh và trực tiếp giao dịch với khách hàng trên địa bàn thị xã Sóc Trăng.
- 6 chi nhánh trực thuộc đặt tại thị trấn các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị và Vĩnh Châu. Phạm vi hoạt động kinh doanh theo địa giới hành chính huyện.
Thực hiện định hướng của NHNo & PTNT VN về mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi có môi trường kinh doanh, trước hết là ưu tiên các vùng dân cư ở tập trung, các cụm kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn nông thôn. Thời gian qua, chi nhánh NHNo & PTNT Sóc Trăng đã mở thêm 07 chi nhánh trực thuộc tỉnh gồm:
- Chi nhánh Thành phố Sóc Trăng, chi nhánh Thạnh Phú, chi nhánh Ngã Năm, chi nhánh Châu Thành, chi nhánh Ba Xuyên, chi nhánh Trần Đề, Phòng giao dịch Khánh Hưng:
Ngoài ra còn có Phòng giao dịch Mê Kông (Ngân hàng loại IV) trực thuộc chi nhánh Thành phố Sóc Trăng, và Phòng giao dịch Đại Ngãi trực thuộc chi nhánh Long Phú.
Việc mở thêm mạng lưới chi nhánh chân rết ở địa bàn nông thôn đã mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ đối với bản thân Ngân hàng mà đặc biệt người được hưởng lợi nhiều nhất là bà con nông dân - những khách hàng cần sự hỗ trợ vốn cùng các dịch vụ Ngân hàng khác kịp thời và hiệu quả nhất. Có thể nêu lên một số lợi ích cơ bản, dưới đây:
* Về phía khách hàng:
- Trước đây ở những địa bàn này, nông dân muốn đến giao dịch với chi nhánh Ngân hàng huyện phải vượt qua quãng đường bình quân từ 20 - 30km, nay rút xuống chỉ còn dưới 10km. Đường giao thông nông thôn thường xấu và phương tiện thiếu thốn nên đi lại hết sức khó khăn. Nhờ có điểm giao dịch gần họ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.
- Họ có thể vay trả nợ kịp thời hơn, do vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn.
- Thúc đẩy người nông dân dành dụm, tiết kiệm vì họ có thể gởi những món tiền nhỏ vào Ngân hàng trong thời gian chưa sử dụng mà vẫn có lợi vì không phải tốn chi phí đi lại hoặc chi phí không đáng kể.
* Về phía Ngân hàng:
- CBTD có điều kiện gần gũi nông dân nên đầu tư vốn đảm bảo đúng đối tượng, kiểm tra giám sát khách hàng sử dụng vốn chặt chẽ hơn. Đôn đốc, xử lý nợ kịp thời.
- Hội sở tỉnh tách được khối lượng lớn giao dịch trực tiếp với khách hàng cho chi nhánh Thành phố Sóc Trăng, Ba Xuyên và Phòng giao dịch Khánh Hưng, từ đó chỉ cho vay các doanh nghiệp có quy mô lớn và chủ yếu tập trung vào công tác chỉ đạo điều hành và kiểm tra giám sát các chi nhánh trực thuộc.
- Không ngừng tăng qui mô hoạt động kinh doanh do huy động vốn tại chỗ và vốn cho vay ra ngày càng gia tăng.
- Tiết kiệm chi phí kinh doanh.
Thực tế đã chứng minh, các chi nhánh mới mở ra được nông dân đồng tình ủng hộ, hầu hết hoạt động có hiệu quả, thu bù đắp chi và có phần đóng góp cho lợi nhuận toàn hệ thống.