Tiềm năng và thế mạnh về kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả hoạt động tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh sóc trăng (Trang 37 - 41)

Tốc độ tăng trưởng của các ngành nông lâm thủy sản bình quân hàng năm đạt 15% trong thời kỳ 2005 - 2009. Năm 2005 GDP đạt 9.265 tỉ đồng chiếm 10,7% GDP ĐBSCL. Năm 2009 đạt 20.336 tỉ đồng. Sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự gia tăng sản xuất lúa gạo và thủy sản.

Cơ cấu nông lâm thủy đã có sự chuyển dịch bước đầu theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hơn. Thủy sản chiếm khoảng trên 21% giá trị gia tăng nông lâm thủy.

- Nông nghiệp:

Đất đang sử dụng vào nông nghiệp là 238.156 ha chiếm trên 74,65% diện tích tự nhiên. Trong quỹ đất nông nghiệp đất trồng cây hàng năm chiếm tỉ lệ cao 89,6% (đất trồng lúa chiếm chủ yếu), chứng tỏ thế mạnh của Sóc Trăng trong nông nghiệp là cây lúa.

Trồng trọt chiếm tỉ trọng khoảng 89,7% sản lượng nông nghiệp. Chăn nuôi phát triển còn chậm nên chỉ chiếm khoảng trên 10% giá trị sản lượng.

Sản lượng lúa tăng nhanh và ổn định trong những năm qua là nhân tố quyết định đến sự tăng trưởng nông nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung của tỉnh. Năm 2009 lúa có diện tích 334.634 ha, sản lượng đạt 1.780.400 tấn, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha. Sản lượng lúa tăng do tăng vụ (diện tích bình quân tăng 2%) và thâm canh (năng suất bình quân tăng 2%). Hình thành sự chuyển đổi rõ rệt về cơ cấu mùa vụ, năm 2009 diện tích lúa 2 vụ chiếm tỉ trọng 91,94%, với sản lượng chiếm tỉ trọng 93,46%, giảm dần diện tích lúa mùa 1 vụ.

Diện tích cây thực phẩm năm 2009 đạt 56.500 ha, tăng bình quân 5%. Riêng diện tích cây công nghiệp đạt 13.847 ha. Diện tích cây thực phẩm tăng do tăng diện

tích dưa hấu, rau đậu và diện tích củ hành dùng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, diện tích cây công nghiệp tăng chủ yếu là cây mía. Tuy nhiên diện tích mía thường không ổn định, trồi sụt theo sự biến động của giá cả thị trường.

Diện tích cây lâu năm (kinh tế vườn) là 40.658 ha năm 2009. Thực tế cho thấy xu hướng trồng cây ăn trái đang được nông dân quan tâm, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái có giá trị như: nhãn, cam, quít, sầu riêng... tại các xã ven sông Hậu thuộc huyện Kế Sách, Long Phú. Đến nay diện tích cây ăn trái tập trung là 25.616 ha.

- Thủy sản

Với 72 km bờ biển và có địa hình sông ngòi chằng chịt, ngư nghiệp là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Diện tích nuôi thủy sản từ năm 2005 – 2009 ổn định từ 66.000 - 69.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 48.000 - 50.000ha. Năm 2009 sản lượng thủy hải sản là 180.220 tấn, tăng bình quân 15%, sản lượng tôm 60.548 tấn, tăng bình quân 7,5%. Việc nuôi tôm hiện nay được thực hiện theo phương pháp công nghiệp và bán công nghiệp. Đến ngày 20/9/2010, toàn tỉnh thả nuôi 64.247 ha thuỷ sản các loại, đạt 93% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 47.830 ha tôm sú, đạt 102% kế hoạch, tăng 3%. Tổng sản lượng thuỷ hải sản 9 tháng đạt 107.679 tấn, bằng 58,5% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 31.886 tấn (tăng 6%), sản lượng nuôi trồng 75.793 tấn (tăng 23%). Ước thực hiện năm 2010, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 68.613 ha và tổng sản lượng thủy hải sản thu hoạch ước đạt 183.630 tấn (tăng 7,28%), trong đó sản lượng tôm đạt 65.488 tấn (tăng 2,41%).

Đến nay, sản phẩm hàng thủy sản của Sóc Trăng đã có mặt trên thị trường 160 nước, trong đó thị trường chính và truyền thống là Nhật, Mỹ và EU. Lợi thế về thương hiệu những mặt hàng thủy sản của các doanh nghiệp Sóc Trăng có trên chục năm nay, cộng với vùng nguyên liệu được đánh giá là an toàn đã góp phần để các doanh nghiệp Sóc Trăng tiếp tục gặt hái những “quả ngọt” về xuất khẩu.

- Lâm nghiệp.

Diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 11.356 ha, chiếm 3,43% diện tích tự nhiên. Đến năm 2009 diện tích rừng là 10.086 ha, trong đó rừng trồng là 6.825 ha và rừng tự nhiên là 3.261 ha.

Việt Nam là đất nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới bị suy thoái trầm trọng trong thời gian qua. Môi trường sống đang bị xâm hại 1 cách nghiêm trọng. Do đó, từ việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết cho mọi tầng lớp nhân dân, củng cố việc quản lý các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên,… đến việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm túc Luật đa dạng sinh học và các luật có liên quan, hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đang được triển khai mạnh mẽ. Đối với Sóc Trăng một trong những dự án đang có hiệu quả bước đầu là trồng rừng, phục hồi và quản lý rừng ngập mặn. Các hoạt động này sẽ bảo vệ vùng bờ biển không bị xói mòn và tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng đê bao - thiết lập cơ chế đồng quản lý trong rừng ngập mặn và khu vực bãi bồi. Hoạt động này nhằm tăng thu nhập cho người nghèo và khắc phục xung đột giữa phát triển kinh tế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên... Riêng huyện Vĩnh Châu, hiện có gần 4.000 ha rừng và đất rừng ngập mặn ven biển. Việc bảo vệ và phát triển được vốn rừng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân địa phương và trong khu vực

- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 6.714 cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, với 40.839 lao động chiếm khoảng 5% tổng số lao động của tỉnh.

Các sản phẩm công nghiệp ở Sóc Trăng chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu như cá đông, bia, đường, tôm đông, thức ăn thủy sản... bước đầu được thị trường trong nước và ngoài nước chấp nhận, góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 352 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Dù chưa nhiều, nhưng trong các năm gần đây Tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm và đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tiêu biểu là khu công nghiệp An Nghiệp, đến năm 2009 có 37 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích thuê đất là 121 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 3.330 tỷ đồng và khả năng sử dụng 25.799 lao động; hiện đã có 11 dự án đi vào sản xuất, 11 dự án đang xây dựng và 15 dự án đang lập thủ tục đầu tư. Chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực công

nghiệp còn chậm nhưng chất lượng lao động từng bước được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất CN – TTCN ở Sóc Trăng.

Bên cạnh những tiến bộ, Sóc Trăng cũng cần nhìn nhận những hạn chế trong phát triển của mình. CN-TTCN có tăng trưởng nhưng chậm và chưa vững chắc tương xứng với tiềm năng. Quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến nông thủy hải sản chưa đồng bộ. Giá trị gia tăng của các sản phẩm trong lĩnh vực nông sản còn thấp, sức cạnh tranh kém, nhất là các sản phẩm như gạo, mía đường, nấm rơm... Những năm gần đây, Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, nên tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu "độc canh", dễ dẫn đến tính bền vững không cao, nếu thị trường thế giới có sự biến động các sản phẩm này thì dễ bị tổn thương.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 2.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 65% doanh nghiệp hoạt động vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Phần đông DN chưa mạnh, hoạt động còn lúng túng, thiếu vốn, với quy mô nhỏ và manh mún, máy móc công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh thấp (trừ các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu). Đã vậy, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, quỹ hỗ trợ phát triển còn rất hạn chế... Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp ở Sóc Trăng chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Để CN-TTCN Sóc Trăng phát triển theo hướng bền vững và giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngày càng cao, có sức cạnh tranh cao với thị trường trong và ngoài nước, Sóc Trăng cần chú trọng các giải pháp thu hút và nâng cao năng lực sản xuất CN-TTCN; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách thu hút đầu tư cho các khu cụm công nghiệp làng nghề cũng như làng nghề nông thôn; cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án...

- Xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 332,15 triệu USD, tăng bình quân 3,25%. Mặt hàng xuất khẩu chính là gạo và tôm đông chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, kế đến là những hàng nông sản khác

Kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 15 - 20 triệu USD. Những mặt hàng nhập chủ yếu là phân bón, xe gắn máy, xe tải, máy thủy nổ... đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Những thành quả đạt được trong hoạt động xuất nhập khẩu những năm qua nói lên khả năng hàng hóa khá dồi dào của địa phương, tuy nhiên ở lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế như các hàng xuất ở dạng sơ chế giá trị không cao, các doanh nghiệp đảm nhận xuất nhập khẩu thường bị động về vốn và thị trường luôn luôn biến động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu quả hoạt động tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh sóc trăng (Trang 37 - 41)