Việc nợ vay có ưu điểm là được hưởng lợi ích từ tấm chắn thuế. Ở mức nợ trung bình, xác suất kiệt quệ tài chính và chi phí kiệt quệ tài chính nhỏ nên việc vay nợ sẽ là một lợi thế cho doanh nghiệp do được hưởng lợi ích từ tấm chắn thuế. Tuy nhiên khi doanh nghiệp vay nợ ngày càng tăng thì rủi ro phá sản của doanh nghiệp ngày càng cao. Một khi DN không thể đáp ứng các hứa hẹn với chủ nợ hoặc có thể thực hiện nhưng rất khó khăn thì tình trạng kiệt quệ tài chính sẽ xảy ra. Tình trạng này chỉ có thể là tạm thời, gây ra một số gián đoạn cho hoạt động kinh doanh, các dự án bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, DN không tiếp cận được nguồn vốn vay, nhà cung cấp thắt chặt chính sách bán chịu,… Tuy nhiên, khi không giải quyết được những rắc rối về vấn đề tài chính sẽ dẫn đến phá sản và doanh nghiệp sẽ phải chi những khoản chi phí phá sản trực tiếp và gián tiếp.
Chi phí trực tiếp của phá sản liên quan đến việc chuyển giao tài sản cho các trái chủ. Việc chuyển giao tài sản là các chi phí pháp lý và hành chính. Vì các chi phí này liên quan đến thủ tục phá sản, trái chủ không thể nhận được toàn bộ giá trị tài sản DN. Vì vậy chi phí phá sản trực tiếp không khuyến khích việc sử dụng nợ. Nếu DN bị phá sản, một phần tài sản của DN sẽ sụt giảm, phần sụt giảm này gọi là thuế phá sản. Do vậy, DN sẽ đứng trước một sự đánh đổi, vay nợ nhiều hơn để hưởng tiết kiệm thuế nhờ lãi vay nhưng khi DN vay mượn nhiều thi khả năng phá sản sẽ tăng khi đó thuế phá sản sẽ tăng.
Chi phí phá sản gián tiếp thì hầu như không thể đo lường được, các chi phí này phản ánh khó khăn trong việc điều hành hoạt động của DN trong quá trình phá sản. Vì chi phí này rất lớn nên các DN thường trích lập một khoản dự phòng để tránh nguy cơ phá sản. Khi DN gặp khó khăn về khả năng thanh toán, hay khủng hoảng tài chính sẽ phát sinh chi phí này. Một số DN khi rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính sẽ có thể dẫn đến phá sản, nhưng đa số các DN đều tìm cách khắc phục để vượt qua khó khăn.
Tất cả các chi phí trực tiếp hay gián tiếp đều ảnh hưởng đến DN cho dù DN có rơi vào tình trạng phá sản hay không thì giá trị ròng của DN sẽ bị sụt giảm vì DN đã sử dụng nợ. Đây chính là nhân tố ảnh hưởng ngược chiều đến việc sử dụng nợ của DN.