Quá trình Pháp, Nhật chiếm đóng và tái chiếm Tiên Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị tiên yên (quảng ninh) quá trình hình thành và biến đổi (Trang 28 - 33)

6. Bố cục của luận văn

2.3.1. Quá trình Pháp, Nhật chiếm đóng và tái chiếm Tiên Yên

Năm 1883, sau khi đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên, tháng 7 năm 1886, Pháp tiến hành triển khai chiếm đánh toàn bộ miền Đông Bắc mà trước mắt là địa bàn cửa ngõ Tiên Yên vì với con mắt nhà nghề của đội quân xâm lược, Pháp lập tức nhận ra vị trí chiến lược về mặt quân sự hết sức lợi hại của mảnh đất ngã ba vùng Đông Bắc này. Chúng tin tưởng một cách chắc chắn rằng: nếu Tiên Yên thành một cứ điểm quân sự

1Ở Đầm Hà, Tiên Yên nhiều người họ Trần phải cải sang họ Đinh, họ Lê, họ Bùi để tránh sự truy sát

bao gồm một hệ thống có quân cảng, sân bay cùng các loại kho bãi hậu cần và hàng trăm đồn bốt kiên cố dày đặc... sẽ phong toả được một địa bàn chiến lược hết sức rộng lớn vùng biên cương phía Đông Bắc và các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu kéo quân tới đây, Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào các dân tộc nơi đây. Vào năm 1885, "Thiên địa hội", một tổ chức yêu nước tự phát (gồm đủ các thành phần dân tộc) đã đứng lên tập hợp đội ngũ hàng ngàn quân nổi lên khởi nghĩa chống Pháp. Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp vùng Đông Bắc. Do vị trí xung yếu của mình, Tiên Yên cũng từng là căn cứ chống Pháp lợi hại của "Thiên địa hội".

Sự có mặt của người Pháp ở Tiên Yên (chủ yếu là binh lính và sỹ quan) ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ít nhiều đã gây ra những xáo trộn về nhiều mặt trong đời sống chính trị, xã hội trên mảnh đất vốn đã có không ít bất ổn từ hàng trăm năm nay. Cũng như số phận những con người trên mọi miền đất nước từ trước đó, người dân Tiên Yên bỗng chốc chấp nhận thân phận thấp hèn của những người dân mất nước. Người Pháp miệt thị và gọi họ bằng cụm từ "dân Anamít", "dân ngu khu đen". Người Pháp đến ngang nhiên xây đồn bốt, binh trại, lô cốt, rồi đem quân chiếm đóng. Lại có cả nhà tù máy chém, tàu chiến, xe tăng...

Sau khi chinh phục được Tiên Yên, thực dân Pháp nhanh chóng bắt tay vào việc thiết lập bộ máy cai trị. Về cơ cấu bộ máy hành chính, Pháp tập trung thiết lập một hệ thống cai trị chặt chẽ, có quy củ từ trên xuống dưới phù hợp với một châu miền núi. Đứng đầu là chức Tri châu người Việt. Dưới đó là các Chánh tổng, Bang tá (mỗi tổng có từ 3 đến 4 xã), đứng đầu xã là Lý trưởng, Phó lý. Về mặt quân sự, bên cạnh Chánh tổng là Châu đoàn (một chức vụ chuyên trách). Thấp hơn là tổng đoàn, xã đoàn. Mỗi xã đoàn có từ một tiểu đội đến một trung đội lính dõng phụ trách công việc kiểm soát trật tự trị an, trấn áp những ai chống đối.

Đến những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai đang tới hồi kết thúc báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của phe trục, phát xít Nhật ở Đông Dương ngoan cố đi nước cờ cuối cùng. Để tránh hậu họa bị đánh từ sau lưng ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành cuộc đảo chính quân sự chớp nhoáng nhằm hất cẳng quân đội Pháp ra khỏi vũ đài chính trị trên toàn cõi Đông Dương. Với bản chất ươn hèn cố hữu, quân đội Pháp ở nhiều nơi nhanh chóng bỏ chạy hoặc đầu hàng nhục nhã. Phát xít Nhật đưa quân xâm lược mọi nơi ở

miền Bắc Việt Nam, ở Hải Ninh, quân Nhật tiến vào Tiên Yên, nhân dân Tiên Yên tiếp tục cầm vũ khí chống lại ách thống trị của phát xít Nhật. Như vậy, bắt đầu từ năm 1945, nhân dân Tiên Yên cũng chịu cảnh "một cổ đôi tròng" áp bức của Pháp và Nhật.

Ngay sau khi cướp được chính quyền, Nhật chủ trương vẫn sử dụng bộ máy hành chính cũ do Pháp để lại, chỉ thay chức Tri châu thành chức Quận trưởng, cải tổ bộ máy nguỵ quân thành Bảo an binh. Chưa khi nào tình hình chính trị ở Tiên Yên lại phức tạp và rối ren như giai đoạn này. Với đủ các tổ chức chính trị và các đội quân ô hợp thuộc đủ thành phần, bao gồm quân Pháp còn lén lút cố thủ ở một số khu vực ngoại vi thị trấn; quân Tưởng (đội quân râu dài ốm đói, dân ta gọi là giặc Tàu ô, quân tài lầu màu, giặc cốc lồ...). Bên cạnh lính Nhật còn có lính Bảo an Trần Trọng Kim, lính Bảo Đại. Tính chung, ở Tiên Yên có tới 8 đội quân ô hợp có vũ trang cùng các toán phỉ tàn ác.

Thật khó khăn để có thể phân biệt được địch ta, tốt xấu. Trăm ngàn nỗi cực khổ đến cùng một lúc khiến người dân hoang mang cực độ, không biết đường nào để sống.

Trên thế giới, phe phát xít càng tới ngày bại trận cuối cùng thì ở Tiên Yên, quân Nhật càng trở nên cùng quẫn, ra sức vơ vét thóc lúa, của cải. Ngay lập tức, chúng bắt dân nhổ lúa trồng đay để phục vụ công nghiệp quốc phòng, thu hái ngô non để nuôi ngựa chiến. Các kho quân lương dự trữ hậu cần của Pháp ở thị trấn, xã Tiên Lãng đều xuất hiện đủ các loại người đói khát từ khắp nới kéo đến (kể cả dân địa phương) tràn vào cướp phá trong tình trạng vô chính phủ, không ai kiểm soát nổi.

Nạn đói diễn ra khắp nơi. Không ít bà con miền xuôi vì chạy đói, kéo nhau ra Tiên Yên cũng tranh thủ cơ hội tìm kiếm miếng ăn nhưng bất lực, đành chấp nhận cái đói quay quắt.

Tin tức về việc hơn 2 triệu người chết đói ở miền xuôi dội về khiến cho tình trạng hỗn loạn ở Tiên Yên càng trở nên không thể kiểm soát được.

Trên thực tế, dù đã cướp được chính quyền, nhưng quân Nhật chỉ làm chủ được một số cơ sở và căn cứ ở thị trấn trung tâm, còn chính quyền ở khắp nơi trong huyện đều rơi vào tình trạng tan rã, nếu không cũng ngơ ngác bó tay, phó mặc thời thế. Tình trạng vô chính phủ càng trở nên căng thẳng hơn khi được tin quân Tưởng nhận lệnh phe đồng minh chuẩn bị giải giáp vũ khí quân đội Nhật tại Tiên Yên.

Từ giữa tháng 8-1945, khi nghe tin phát xít Nhật buộc phải chấp nhận ký kết văn bản đầu hàng vô điều kiện, quân Nhật ở Đông Dương nói chung và Tiên Yên nói riêng bị tê liệt, Pháp rục rịch quay trở lại, chính phủ Trần Trọng Kim đứng trước

nguy cơ tan rã không có gì có thể cứu vãn nổi2

.

Trước những diễn biến chính trị diễn ra mau lẹ và có chiều hướng hết sức thuận lợi ấy, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào từ ngày 13-15 tháng 8 năm 1945, Đảng ta ra Nghị quyết chỉ rõ: "Thời cơ ngàn năm có một cho ta giành chính quyền đã tới, không thể do dự lừng chừng để bỏ mất thời cơ. Phương châm hành động là "Phải chộp lấy những căn cứ chính (cả các đô thị) trước khi quân Đồng minh vào, thành lập ngay Uỷ ban nhân dân ở những nơi giành được chính quyền" 24, tr 32-33].

Trên tinh thần của Nghị quyết quan trọng ấy, Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã tích cực củng cố các cơ sở Đảng, xây dựng các đoàn thể của Mặt trận Việt minh và lực lượng vũ trang, chuẩn bị đón thời cơ, cùng nhân dân cả nước khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 10 năm 1945 chính quyền lâm thời được thành lập, Tiên Yên được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Hải Ninh.

Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước làm rung chuyển toàn bộ hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp trên toàn thế giới. Lần đầu tiên, một nhà nước dân chủ nhân dân ra đời ở Đông Nam Á vào ngày 2-9-1945, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của thực dân Pháp sau hơn 80 năm đô hộ. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Quân đội các nước Đồng minh dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật đã lũ lượt kéo vào nước ta.

Cuối tháng 8 năm 1945, tình hình càng có nhiều diễn biến khẩn trương và cấp bách hơn. Hàng trăm tên phỉ và bọn tay sai Tưởng Giới Thạch cùng một lúc đổ về Tiên Yên từ khắp ngả. Chúng cho chốt chặn tất cả các tuyến xung yếu, ém quân nghe ngóng tình hình, sẵn sàng ra tay khi thời cơ cho phép. Tháng 11 năm 1946 Pháp quay lại chiếm Tiên Yên, nhân dân Tiên Yên tiếp tục cầm vũ khí chống lại sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp đồng thời chống lại âm mưu của quân đội đồng minh vào nước ta làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.

Sách Địa chí Quảng Ninh tập 1, có ghi lại: “Tới giữa 1946, ngoài Trung đoàn Tiên Yên và một số trung đội quân tiếp phòng, các lực lượng vũ trang do địa phương tự xây dựng đã có. Đình Lập và Tiên Yên đã có các đội du kích người dân tộc”. “Cuối tháng 7 năm đó, khu 12 và Bộ tư lệnh khu 12 điều trung đoàn 132 tiến vào Hải Ninh, phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương gây dựng cơ sở ở các xã miền núi thuộc huyện Tiên Yên để làm chỗ dừng chân lâu dài” 7, tr566-568].

Như vậy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân thị trấn Tiên Yên và bà con các dân tộc khắp nơi trong huyện đã chính thức bắt đầu, sớm hơn so với so với ngày toàn quốc kháng chiến khoảng 6 tháng.

Lực lượng du kích Tiên Yên nhanh chóng được phục hồi, phát triển và hoạt động mạnh mẽ chưa từng có sau chiến dịch Đông Tiến lần II được phát động. Những chiến sĩ du kích áo nâu bên áo chàm, thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng sâu, thời kì này đã trở thành nỗi kinh hoàng thật sự cho giặc Pháp. Hàng chục trận phục kích xe tải quân sự, cắt đường dây điện thoại, tấn công kho cảng hậu cần trong, ngoài thị trấn và tất cả những nơi được gọi là “Hành lang Mán” đều có sự tham gia có hiệu quả và hết sức lợi hại của đội quân du kích. Mọi cố gắng cao nhất hòng dập tắt ngọn lửa chiến tranh du kích của thực dân Pháp bắt đầu thất bại toàn diện, bởi du kích chính là đội quân tiêu biểu sinh động cho đường lối chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng ta, là đội quân đối phó khó khăn nhất với chúng. Ngay giữa khu vực thị trấn, dù có bao nhiêu mật vụ giặc Pháp cũng không thể biết đâu là người của chúng, đâu là người của Việt Minh. Thế trận thiên la địa võng đã khiến chúng hoàn toàn bị động trước đội quân kì lạ này. Nhiều tiệm ăn, tiệm nhảy của người Hoa dành cho người Pháp trong thị trấn mặc dù có tai mắt cảnh giới vòng trong vòng ngoài, nhưng chỉ cần ai đó kêu lên cái tên “Lày Sắt” (tức Lê Bẩy) hoặc “có du kích” là tất cả thầy tớ trong đó bỏ chạy toán loạn.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Pháp lúc này trên đất Tiên Yên không chỉ là người lính được gọi là bộ đội Cụ Hồ nữa, mà nó còn đến từ lực lượng chỉ có dao quắm, gậy gộc trong tay được gọi là du kích…

Lần đầu tiên đội quân viễn chinh thiện chiến của một nước đế quốc phương Tây được biết thế nào là lòng dân, trận địa của đường lối chiến tranh nhân dân.

Đúng 12 giờ trưa ngày 8-8-1954, trước sự chứng kiến của hàng ngàn quần chúng tới khắp nơi đổ về thị trấn và có sự giám sát chặt chẽ của tổ quốc tế giám sát đình chiến ở Tiên Yên, đơn vị cuối cùng của Pháp đã lặng lẽ cuốn cờ tại Đồn Cao để xuống tàu ra cảng Mũi Chùa.

Toàn thị trấn Tiên Yên rợp bóng cờ hoa, rung chuyển trong những tiếng hô khẩu hiệu ca ngợi Đảng Bác, chào mừng đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Tiên Yên. Sau lễ mít tinh trọng thể chào mừng sự ra mắt của Ủy ban quân chính, một cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của tất cả các lực lượng vũ trang, đoàn thể quần chúng và đại biểu các dân tộc trong trang phục tươm tất và đẹp nhất hòa chung với ngàn bà con các khu phố đã được diễn ra trong niềm vui khôn xiết.

Niềm vui ấy ngập trong những giọt nước mắt lăn trên gò má những đồng chí cán bộ đảng viên, những bà mẹ, những người vợ, người em, đã bao năm chấp nhận gian khổ hi sinh mất mát để có ngày giải phóng. Niềm vui của những chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang đã đi đến chặng cuối của cuộc trường chinh gian nan thử thách, giờ phút trọng đại chỉ biết xiết chặt tay nhau trong nhạt nhòa giọt lệ. Những giọt nước mắt vui sướng tận cùng sẽ như dòng suối mát giúp họ gột rửa hết những năm tháng cay đắng tủi hờn nô lệ. Để từ đây hiên ngang ngẩng cao đầu bước tiếp những chặng đường vinh quang mới.

Bước lên đài vinh quang chiến thắng, ngày 8-8-1954 chính thức trở thành mốc son lịch sử chói lọi của nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên, của thế hệ cán bộ đảng viên đã góp phần làm nên chiến thắng hôm nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị tiên yên (quảng ninh) quá trình hình thành và biến đổi (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)