6. Bố cục của luận văn
3.2.4. Tiên Yên 1975-1978
Trong bối cảnh cả nước vừa thoát khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài suốt 21 năm với không biết bao nhiêu hy sinh xương máu để đổi lấy độc lập - tự do, nay phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách mới không dễ gì có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Đó là các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn về mọi mặt đang nảy sinh sau những năm đầu giải phóng, kích động các lực lượng chống đối phá hoại ta ở khắp nơi.
Trước thời Pháp thuộc Tiên Yên có 3 khu phố, đến năm 1978 số khu phố đã tăng lên gấp đôi (6 khu phố). Tất cả các khu phố này gọi là khu phố cổ của người Hoa, do người Hoa là chủ gồm: chợ, khu nhà hàng, các trung tâm buôn bán, các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, rạp chiếu bóng.v.v. Người Việt chỉ có một số ít, chủ yếu là cán bộ từ miền xuôi ra công tác và ở các khu vực ngoại ô.
Năm 1978, ở nhiều nơi trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nổi lên "Sự kiện người Hoa" nhằm kích động, dụ dỗ và cưỡng ép người Hoa bỏ về Trung Quốc. Đây được coi là hành động cực kỳ thâm độc và nguy hiểm bởi nó gây ra những rối loạn lớn về mặt chính trị xã hội, phá hoại trực tiếp nền kinh tế đang rơi vào tình trạng khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là ở những nơi có đông người Hoa sinh sống. Tất cả những gia đình người Hoa ở đây đều rơi vào tình trạng bấn loạn trước các tin tức trái chiều về việc Việt Nam "Kỳ thị, bài xích và xua đuổi" người Hoa về nước.
Tiên Yên nói chung, nhất là thị trấn trung tâm nói riêng là nạn nhân chịu tác động trực tiếp của những sự việc tiêu cực này.
Ở các xã, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang, công cụ sản xuất, vật tư, sức kéo của Hợp tác xã bị mất mát, sản xuất đình đốn, đời sống người dân bị đặt trước nguy cơ nạn đói cận kề...
Ở thị trấn, toàn bộ các cơ sở thủ công nghiệp của người Hoa đột ngột ngừng sản xuất. Hoạt động buôn bán tê liệt do chợ búa, nhà hàng ngừng giao dịch. Hầu hết bà con rơi vào tình trạng hoảng hốt, chỉ còn biết vội vã thu dọn, vun vén mọi thứ bỏ về Trung Quốc để khỏi bị coi là "phản bội Tổ quốc". Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn chưa khi nào lâm vào tình trạng căng thẳng như vậy. Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc xảy ra, các cấp chính quyền ở thị trấn đã khẩn trương triển khai một số giải pháp cấp bách theo sự chỉ đạo của cấp trên để ngăn ngừa tình hình có thể xấu thêm, trước đó ta đã có lệnh tổng kiểm tra vũ khí quân dụng tại các đơn vị dân quân tự vệ. Đồng thời ban hành Chỉ thị nghiêm cấm tất cả cán bộ, viên chức, đảng viên không được tự tiện giao dịch mua bán nhà cửa, tài sản của người Hoa, tránh rơi vào bẫy phản tuyên truyền của nhà cầm quyền Trung Quốc. Mọi nỗ lực cố gắng của Đảng bộ và chính quyền thị trấn lúc này đều tập trung vào việc kiên trì tuyên truyền vận động bà con tin tưởng vào chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, yên tâm tiếp tục ở lại Việt Nam... Đối với những đối tượng kiên quyết ra đi, chúng ta cũng cam kết tạo điều kiện để họ được ra đi trong trật tự an toàn.
Tuy nhiên, do vô cùng hoang mang bối rối mà hầu hết bà con chọn con đường trở về Trung Quốc, trong đó đặc biệt là các gia đình lao động nghèo khó từng có hàng chục thế hệ làm ăn sinh sống trên mảnh đất Tiên Yên. Mỗi ngày, có tới chục gia đình vội vã kéo nhau nhập vào dòng người từ khắp nơi tràn qua Tiên Yên với quang gánh, cốc lồ, chum vại, bìu ríu nhau cả già cả trẻ tìm đường về Trung Quốc. Tuy họ không gặp một sự ngăn trở nào, nhưng tình cảnh là vô cùng khốn khó. Huyện Tiên Yên, theo thống kê của huyện, năm 1978 đã có 15.938 người Hoa và 137 người Dao bị Trung Quốc dụ dỗ ra đi.
Để kịp thời ổn định tình hình, Nhà nước có chủ trường vận động hơn 8000 người từ Hải Phòng, Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên) ra Tiên Yên xây dựng kinh tế mới để bù lại số lao động bị hao hụt quá lớn. Kết quả, đã có hơn 5000 người tự nguyện đến Tiên Yên và được điều xuống các cơ sở có nhu cầu cấp bách nhất. Có một thực tế là số hộ gia đình ra xây dựng kinh tế mới hầu hết ở độ tuổi già yếu, mất
sức lao động, trình độ văn hoá thấp. Lại mới chân ướt chân ráo đưa gia đình vợ con ra Tiên Yên để làm ăn sinh sống nên chưa kịp thích nghi và yên tâm với hoàn cảnh mới. Do vậy, công tác ổn định tình hình càng trở nên cần thiết và gấp gáp hơn lúc nào hết.
Sau khi được cấp trên chỉ đạo huyện đã kịp thời phân công các chức vụ chủ chốt và yêu cầu họ kịp thời nắm bắt tình hình.Nhờ có những giải pháp linh hoạt và thích hợp như vậy, tình hình an ninh chính trị và hoạt động sản xuất dần dần đã đi vào thế ổn định. Ở thị trấn, số cán bộ viên chức người Hoa đã bỏ đi gần hết, bộ máy rệu rã, huyện và thị trấn đã tìm mọi cách vận động sớm đưa bộ máy chính quyền trở lại hoạt động bình thường, giữ vững an ninh chính trị, cảnh giác trước những âm mưu mới của Trung Quốc, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh biên giới có thể xảy ra...
Ở những nới có gia đình người Hoa bỏ đi Trung Quốc, huyện và thị trấn cho cán bộ nhà đất xuống kiểm đếm đánh giá thực trạng, niêm phong, chờ chủ trương cấp trên. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ đảng viên trên địa bàn tranh thủ cơ hội rối ren phức tạp mua bán, trao đổi với giá rẻ những tài sản có giá trị của người Hoa khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn, gây khó dễ cho chính quyền.