6. Bố cục của luận văn
3.2.2. Tiên Yên từ 1961-1965
Từ 1961-1965 là chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của thị trấn Tiên Yên. Chặng đường thực hiện nhiệm vụ này, nhân dân Tiên Yên đón nhận một sự kiện vô cùng vinh dự và đã trở thành động lực của người dân thị trấn nơi đây. Ngày 9/5/1961 trên đường ra thăm tỉnh Hải Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân ghé thăm cán bộ, chiên sĩ và nhân dân các dân tộc Tiên Yên, sân bay Tiên Lãng - nơi máy bay hạ cánh bỗng nhanh chóng thu hút hàng ngàn bà con từ người lớn tới trẻ em, từ người Việt tới người Hoa, từ Tiên Lãng tới thị trấn và nơi sơn khu hẻo lánh. Tất cả cùng muốn thoả lòng mong ước được tận mắt nhìn thấy vị Cha già dân tộc.
Hàng trăm học sinh trường cấp I-II thị trấn cùng các chiến sỹ hải quân ào ạt qua đò, lội thác tràn sang Tiên Lãng trong niềm vui vô hạn.
Ngay khi đặt chân xuống sân bay, sau lời hỏi thăm thân mật gửi tới chiến sỹ, đồng bào, Người ân cần căn dặn: "Cán bộ phải xuống cơ sở với nhân dân, nội bộ phải đoàn kết, dân chủ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong các phong trào, xã viên phải coi Hợp tác xã là nhà, phải có tinh thần đoàn kết, tiết kiệm". Chuyến thăm
diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng để lại cho nhân dân niềm xúc động tưởng như không bao giờ dứt. Sự có mặt và lời nhắc nhở của Người như còn mãi mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người. Nó như nguồn lực kỳ lạ, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất gian khó nhưng đầy bất khuất kiên cường này.
Thấm nhuần lời dạy ân tình ấy, trong một thời gian ngắn, toàn bộ cán bộ chủ chốt của huyện đã được điều động tới các cơ sở, bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các hoạt động sản xuất, trật tự an ninh ổn định xã hội... Theo đó, cần tiếp tục động viên mọi nguồn lực về sức người sức của, khắc phục cơ bản những hậu quả của chiến tranh, đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, cải tạo tề nguỵ, làm trong sạch nội bộ, học tập chính sách sửa sai cải cách ruộng đất; góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Thị trấn Tiên Yên coi trọng việc khôi phục mạnh mẽ những cơ sở sản xuất đã có, thuộc các ngành nghề khác nhau, vừa giải quyết được việc làm mà tạo ra nguồn hàng đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất.
Với quyết tâm ấy, sau khi khôi phục và đưa vào hoạt động 100 khung cửi dệt vải, trên địa bàn thị trấn đã xuất hiện 2 Hợp tác xã thủ công chuyên sản xuất đồ mộc, rèn, cơ khí, 1 Hợp tác xã làm gạch, 1 Hợp tác xã vận tải đường thuỷ Long Châu Hà (Hợp tác mang tên các tỉnh miền Tây Nam Bộ kết nghĩa với tỉnh Hải Ninh).
Đã trải qua hơn 5 năm sau giải phóng, gương mặt thị trấn ở vùng lõi đã hồi sinh. Không khí sinh hoạt có phần nhộn nhịp sôi nổi hơn trước. Tình trạng căng thẳng do nạn cướp phá đe doạ cuộc sống của nhân dân đã cơ bản bị đẩy lùi.
Nhưng các khu vực ngoại vi thị trấn vẫn tồn tại đầy rẫy những vấn đề nan giải cần được tập trung giải quyết. Bà con trong nội thị hầu như không dám đặt chân tới nơi này, một phần vì rừng hoang quá rậm rạp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, phần vì bom mìn chưa hẳn đã được dọn hết...
Hoà chung với phong trào phát huy 3 thế mạnh của huyện là "Trồng cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi”, nhiều hợp tác xã đã giành năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi, cây công nghiệp tăng và 3 mục tiêu 5 tấn lương thực, 2 con lợn, 1 lao động trên 1 ha gieo trồng".
Là địa bàn tập trung nhiều cơ sở dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, thị trấn đã phát động phong trào thi đua sản xuất, trước tiên là ở các cơ sở của tập thể. Chỉ sau một thời
gian phát động, hàng ngàn công cụ sản xuất như cuốc, xẻng, cày bừa được "ra lò" chuyển tới bà con nông dân và các Hợp tác xã mua bán xã. Hàng trăm tấn vôi, hàng chục vạn viên gạch nung đã được vận chuyển phục vụ nhu cầu sản xuất và xây dựng.
Mặt hàng vải cap sá (loại vải truyền thống của người Hoa) của thị trấn dùng để
may vỏ chăn bông cũng kịp có mặt trên các quầy hàng15.
Đây là giai đoạn toàn Tiên Yên phát động chiến dịch tổng lực quai đê lấn biển ở Hà Dong (xã Hải Lạng) để mở rộng thêm hàng trăm hecta đất nông nghiệp và nuôi trồng hải sản. Thị trấn Tiên Yên là nơi có số lượng người tham gia đông nhất với hàng chục ngàn lượt cán bộ chiến sỹ, hội viên các tổ chức đoàn thể quần chúng (như phụ nữ, thanh niên, công đoàn), học sinh, giáo viên và bà con các khu phố... Hà Dong trở thành một đại công trường lớn, hàng ngày có tới hàng ngàn người cùng đổ mồ hôi tại đây để biến kế hoạch to lớn của địa phương thành hiện thực. Nhiều người của thị trấn đã được phong danh hiệu "Kiện tướng", "Đại kiện tướng" gánh đất trong chiến dịch có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, chính trị xã hội và trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội của quê hương Tiên Yên.
Trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, công tác thông tin tuyên truyền cũng được huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Sau khi được thành lập, cơ quan bưu điện truyền thanh huyện đã nỗ lực đưa hệ thống loa truyền thanh trên các khu vực công cộng thị trấn vào hoạt động. Đáng chú ý là việc kéo dây truyền thanh, lắp đài Galen tới các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện và các gia đình trong khu vực nội thị. Hàng ngày, ngoài các chương trình tiếp sóng Đài tiếng nói Việt Nam, có thêm các chương trình truyền thanh địa phương cung cấp tin tức nóng hổi về các hoạt động thi đua trong lao động sản xuất, học tập, an ninh trật tự trên địa bàn để nhân dân kịp thời nắm bắt và hiểu thêm các chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền địa phương.
Ngoài công trình đắp đê Hà Dong, cuộc vận động 3 xây, 3 chống góp phần nâng cao trình độ quản lý, củng cố các Hợp tác xã trên các lĩnh vực ngành nghề khác nhau; phong trào "Toàn quân, toàn dân ra quân kiến thiết đồng ruộng" được phát động rộng rãi, tập trung xây dựng những mô hình phát triển kinh tế điển hình, tạo
động lực kích thích các nhân tố tích cực thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất. Kết quả, xí nghiệp đóng tàu thuyền lớn tại thôn Thác Bưởi (xã Tiên Lãng) được xây dựng thu hút hàng trăm con em Tiên Lãng, thị trấn và các nơi khác làm việc tại đây. Đó là đứa con công nghiệp đầu lòng của huyện Tiên Yên.
Sự nghiệp y tế, giáo dục cũng có những bước tiến đáng kể, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống nhân dân. Tới thời gian này, toàn huyện đã có 55 giáo viên cấp I-II, 7 trường phổ thông cấp I; 1 trường cấp II; 1 trường Bổ túc văn hoá tập trung...
Năm 1964 Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến thăm huyện Tiên Yên. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Ty Giáo dục Quảng Ninh đã đầu tư nguồn vốn cho khởi công xây dựng trường cấp III Tiên Yên, ngôi trường cấp III lớn thứ hai của các huyện miền Đông (sau trường cấp III Trần Phú - Móng Cái), với 8 phòng học, 2 tầng nhằm thu hút con em các dân tộc từ Đình Lập, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà theo học bậc Phổ thông cấp 3 tại Tiên Yên với đầy đủ phòng học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh..
Bệnh viện cũng đã được đầu tư xây dựng kiên cố, xoá tình trạng nhà tạm trước đó, nâng cấp lên quy mô 50 giường bệnh.
Ngày 30/3/1963, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, trong tình hình mới, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá II đã ra Nghị quyết phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Từ Quyết định lịch sử này, Quảng Ninh chính thức là một tỉnh lớn hội tụ đủ các tiềm năng thế mạnh của một nước Việt Nam thu nhỏ, mở ra triển vọng phát triển mạnh mẽ cho toàn bộ miền phên dậu của khu vực Đông Bắc nói chung và miền Đông nói riêng về các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng....
Cũng trong những năm này, lần lượt các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở như đập tràn sông Tiên Yên, đập tràn Khe Tù, đập tràn Đồng Và (Yên Than) được tiến hành thi công trong điều kiện thời chiến, góp phần chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào phà đò kéo tay ra vào thị trấn hàng ngày.
Tháng 5 năm 1963, nhà máy nhiệt điện Lô Cô được xây dựng tại Khe Tù. Ngoài ra là các dự án cơ sở nung vôi, sản xuất xi măng, chế biến miến, gạch ngói... cũng nằm trong hoạch định. Tiếc là có những công trình đã hoàn thành như nhà máy điện Lô Cô, do không lường hết được khó khăn trong việc vận chuyển than phục vụ
lò hơi nên đành dừng lại, không đưa vào sản xuất, sau này buộc phải chuyển sang phương án chạy máy nổ bằng dầu đi-ê-zen ở thị trấn.
Lĩnh vực an ninh quốc phòng cũng có nhiều chuyển biến căng thẳng mới buộc ta phải tăng cường các biện pháp đối phó với các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tình hình "phản quốc tịch" của người Hoa trên địa bàn thị trấn và một số nơi vẫn còn là một nguy cơ tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường.
Trong khi đó, ngoài việc tập trung truy quét lũ tàn quân Tưởng Giới Thạch thường xuyên quấy rối vùng biên giới, các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ còn phải liên tục đối phó với các toán biệt kích được Mỹ- nguỵ tung ra miền Bắc bằng đường hàng không, đường biển...
Bước sang những năm 60, lợi dụng việc người Hoa ra yêu sách "người Hoa ở miếu người Hoa" kẻ thù kích động họ đấu tranh đòi lập cái gọi là "Hoa kiều lý sự hội", kêu gọi họ biểu tình gây rối ta ở nhiều nơi, mở chiến dịch tẩy chay, không ăn gạo, không dùng hàng Liên Xô, bao vây cửa hàng gạo...
Tháng 2/1961, ta mở đợt truy quét những kẻ còn lẩn trốn ở đường biên chuẩn bị bạo loạn, kết quả đã bắt trả cho Trung Quốc 29 tên tàn quân Tưởng, 450 người bị Trung Quốc lường gạt vượt biên trái phép.
Bọn biệt kích Mỹ - Tưởng liên tục được tung vào theo đường biển. Ngày 26/7/1963, chúng cho xuồng máy đột nhập vào nhiều nơi ở vùng biền miền Đông. Sau
13 ngày đêm chiến đấu ta bắt sống cả toán 10 tên trong đó có Tư lệnh trưởng Trịnh Kỳ Thiệu.
Ngày 28-7, Mĩ cho 3 xuồng máy (dân địa phương gọi là xuồng bay) chở biệt kích xâm nhập bờ biền Hà Cối bị vây bắt. Ngày 10-8, chúng luồn sâu vào trong đất liền, tới tận Đại Dực - Tiên Yên. Lực lượng công an nhân dân vũ trang Tiên Yên (Bộ đội Biên phòng) phải huy động cả chó nghiệp vụ tham gia để vây bắt lực lượng biệt kích Mĩ.
Phong trào thi đua diệt phỉ được phát động khắp nơi, tới ngày 10/8/1963 toàn bộ 26 tên trong đó có 1 Thượng tá, 1 Trung tá bị tiêu diệt và bắt gọn.
Ngày 24-10 một toán biệt kích khác gồm 21 tên đổ bộ vào Móng Cái, Đầm Hà... Do cảnh giác, mưu trí lại có kinh nghiệm từ các lần vây bắt trước đó, ta đã chủ động đón lõng bắt sống và tiêu diệt gọn cả 21 tên trong 3 ngày 7, tr 613].
Đây cũng chính là thời kỳ chúng gia tăng các hình thức phá hoại công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc nói chung và Tiên Yên nói riêng. Không ít lần chúng cho máy bay lợi dụng đêm tối lén lút lẻn vào Tiên Yên, rải truyền đơn xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, nói xấu lãnh tụ, xúi giục bạo loạn. Ngay tại trung tâm thị trấn nhiều người nhặt được truyền đơn loại này đã tự giác đem nộp cho chính quyền.
Ngày 5/8/1964, Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ và lấy cớ ném bom trả đũa, chiến dịch được mang tên " Mũi tên xuyên" và bắt đầu hồi 12h30 phút. Hàng loạt máy bay các loại ào ạt ném bom xuống sông Gianh, Bến Thuỷ, Lạch Trường và thị xã Hòn Gai (thuộc Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh).
Cuộc đối đầu lịch sử của quân dân miền Bắc với lực lượng không quân hung mạnh nhất thế giới của Mỹ chính thức bắt đầu. Kể từ đó, cả nước có chiến tranh, hậu phương miền Bắc XHCN chính thức trở thành tiền tuyền trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Cùng với cả nước, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân thị trấn Tiên Yên bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, thực hiện khẩu hiệu "Tay cày tay súng", "Tay búa tay súng"...
Tiếp tục phát huy những thắng lợi đã đạt được trong việc thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tích cực chuyển hướng sang nhiệm vụ sản xuất chiến đấu trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại diễn biến ác liệt, góp phần cùng cả nước đánh bại tên đế quốc đầu sỏ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.