Tiên Yên từ 1965-1975

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị tiên yên (quảng ninh) quá trình hình thành và biến đổi (Trang 55 - 61)

6. Bố cục của luận văn

3.2.3. Tiên Yên từ 1965-1975

Từ năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Tiên Yên nằm ở khu vực ngã ba miền Đông Bắc, của ngõ của miền Đông, thuộc khu vực nhạy cảm nhất mà máy bay Mỹ có thể giội bom bất cứ lúc nào.

Hầu như ngày nào máy bay Mỹ cũng hoạt động trên bầu trời Tiên Yên cả đêm cả ngày để phát hiện các mục tiêu cần bắn phá đặc biệt là mục tiêu quân sự. Hầu hết các máy bay thực hiện các phi vụ ném bom ở sâu trong đất liền như Lạng Sơn, Hà Bắc... cả đi và về đều qua Tiên Yên. Do đó, việc đảm bảo các hoạt động sản xuất diễn ra an toàn trong điều kiện thời chiến là hết sức quan trọng.

Thị trấn là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng, lại là nơi có nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể dừng chân trên địa bàn. Hệ thống kho tàng bến bãi lớn và phức tạp. Do vậy công tác phòng tránh, sơ tán... đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết. Một số đơn vị, trường học được lệnh sơ tán tới những nơi an toàn nhất ngoài phạm vi thị trấn như Tam Thịnh, Đồng Và, Hang Dơi....

Hệ thống cửa hàng lương thực, bách hoá, thực phẩm, xăng dầu... được chia nhỏ thành các điểm bán lẻ để bảo đảm cung cấp hàng thiết yếu cho nhân dân. Bến xe được sơ tán sang Khe Tù, các biện pháp nguỵ trang đuợc tiến hành nghiêm túc và kiểm tra thường xuyên. Lực lượng dân quân tự vệ thị trấn phối hợp với khối dân quân tự vệ của các cơ quan, trường học lên phương án xây dựng trận địa phòng không. Phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh được phát động rộng rãi ở khắp nơi sau khi các đơn vị chiến đấu được trang bị thêm vũ khí và được huấn luyện chu đáo.

Mỗi cán bộ chiến sỹ trong toàn lực lượng dân quân tự vệ ở các xã, thị trấn được Ban chỉ huy quân sự huyện phát cho một cuốn sổ tay "Khẩu lệnh bắt giặc Mỹ, phiên âm tiếng Anh" hướng dẫn việc hô bắt phi công Mỹ bằng những khẩu lệnh ngắn

gọn đơn giản nhất16.

Bà con các Hợp tác xã Thuỷ Cơ, Long Châu... đuợc giao nhận vũ khí, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ chiến đấu và tuần tra canh gác trên biển, phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh giặc ngay trên đường vận tải.

Những tháng sau đó, đúng như dự đoán, máy bay Mỹ liên tục bắn phá địa bàn thị trấn. Có lúc ném bom đánh phá cầu ngầm Tiên Yên, cầu Tam Thịnh, có đợt chúng xả súng bừa bãi xuống các khu vực sơ tán của dân ở gây chết người và thương vong. Tuy chỉ là những hành động ném bom, bắn phá lẻ tẻ chưa có mục đích rõ ràng, nhưng hành động của chúng là hết sức nguy hiểm vì nó liều lĩnh và đe doạ trực tiếp tính mạng tài sản của nhân dân.

Ngày 27/7/1967, một lực lượng lớn máy bay ném bom của Mỹ được huy động tập trung ném bom dữ dội bến phà Ba Chẽ hòng cắt đứt giao thông huyết mạch nối hai miền Đông - Tây tỉnh Quảng Ninh. Các chiến sỹ tự vệ, dân quân bảo vệ phà đã hiệp

16Cuốn sổ tay còn được quân nhân Tô Hiển ở xã Đông Ngũ giữ làm kỷ vật của thời kháng chiến

đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không đánh trả quyết liệt, góp phần bắn rơi một máy bay trên bầu trời Tiên Yên. Chiến công này của quân dân Tiên Yên, nhanh chóng được thông báo, tạo nên một không khí náo nức hăng hái thi đua trong phong trào lao động sản xuất và đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.

Với tinh thần "Thóc đủ cân, quân đủ người" từ năm 1965 đến 1969, hàng ngàn lượt thanh niên các dân tộc trong huyện trong đó có thanh niên thị trấn đã hăng hái nhập ngũ, sẵn sàng lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam. Hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển quân của cấp trên giao cho, đảm bảo chất lượng huấn luyện quân sự cho cán bộ chiến sỹ, các lực lượng vũ trang địa phương. Giữa lúc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nguỵ quân nguỵ quyền còn đang choáng váng trước đòn đánh tổng lực của quân giải phóng vào các thành phố lớn trong dịp tết Mậu Thân 1968, cách mạng miền Nam đang tập trung mọi nỗ lực để thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế có lợi toàn diện cho ta, thì từ những ngày cuối tháng 8 năm 1969 hơn 30 triệu nhân dân cả nước và nhân dân thị trấn Tiên Yên bàng hoàng, lo lắng trước các bản tin đặc biệt về tình trạng sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản tin cuối cùng thông báo trái tim của vị Cha già dân tộc đã ngừng đập hồi 9 giờ 47 phút ngày 3/9/1969.

Trước sự đau thương của đất nước, nhân dân thị trấn và toàn huyện Tiên Yên đã biến đau thương thành hành động cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, động viên con em sẵn sàng nhận lệnh đi chiến đấu thực hiện tốt Di chúc của Người là xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 25/10/1970, trên cơ sở đánh giá tiềm năng thế mạnh về tài nguyên đất đai, con người của từng khu vực trên địa bàn huyện, Huyện uỷ Tiên Yên ra Nghị quyết phân định rõ 2 vùng kinh tế trọng điểm bao gồm:

Vùng 1: gồm các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng, Tiên Lãng, Đồng Rui có nhiệm vụ sản xuất lúa, khoai, nuôi vịt...

Vùng 2; gồm các xã Đại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ, Điền Xá, Yên Than có nhiệm vụ sản xuất lúa, khoai, trồng sở, nuôi trâu, bò.

Thị trấn trung tâm nằm giữa hai vùng kinh tế có nhiệm vụ sản xuất vật liệu xây dựng gạch, ngói, vôi, giấy xuất khẩu, rau xanh và cây ăn quả.

Theo tinh thần đó các cơ sở tiểu thủ công nghiệp do thị trấn quản lý đã tập trung củng cố những cơ sở đã có, đầu tư nguồn vốn cho việc xây dựng các cơ sở mới;

tuyển chọn những con em người địa phương có trình độ kỹ thuật vào làm việc tại các đơn vị xí nghiệp chủ chốt của huyện như Công trường III, Công ty cầu đường miền Đông, Xí nghiệp đóng tàu, Nhà máy điện, Lâm trường... Một số cơ sở khai thác chế biến lâm thổ sản, hải sản... của ngoại thương... tuy sản xuất trong điều kiện còn vô vàn khó khăn của thời chiến vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Được sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc, huyện đã đầu tư nguồn vốn và cơ sở vật chất để thành lập Trại nuôi ong tại Đồng Và (xã Yên Than) với hàng chục hecta cây ăn quả, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho nhân dân thị trấn, mở ra hướng sản xuất mới. Trong thời kỳ này, ngoài 2 Hợp tác xã nông nghiệp là Hợp tác xã Nông Sơn, Đông Tiến, các Hợp tác xã thủ công nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau như cắt tóc, may mặc, khai thác tre gỗ, bốc dỡ hàng hoá, mua bán dịch vụ, vận tải đường thuỷ lần lượt được củng cố và thành lập mới.

Hợp tác xã vận tải Long Châu vinh dự là đơn vị được cấp trên giao cho nhiệm vụ tham gia chiến dịch VT5 chở hàng quân sự từ miền Bắc vào Nghệ An, Quảng Bình để từ đó chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam. Tàu 73 tấn đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng vào Cửa Hội - Nghệ An 1 chuyến. Tàu 105 tấn đã thực hiện thành công 2 chuyến vận tải hàng "đặc biệt" vào Sông Gianh (Quảng Bình). Điều đó chứng tỏ Hợp tác xã Long Châu đã có một đội ngũ cán bộ xã viên có bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm vững vàng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và quân đội. Họ có một vinh dự góp phần làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.

Trong lúc công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh của huyện đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất thì liên tục từ năm 1968 đến năm 1971 thiên tai hạn hán, lũ lụt xảy ra. Theo nhiều người trận lũ xảy ra vào tháng 9/1971 có thể coi là trận lũ lịch sử mà họ chưa từng được chứng kiến. Sau một trận mưa lớn kéo dài trong 3-4 ngày, lũ thượng nguồn từ hai con sông Phố Cũ và sông Tiên Yên ập xuống đúng lúc triều cường khiến thị trấn bị lũ quét tràn qua và ngập chìm trong phút chốc. Trừ một số khu dân cư toạ lạc trên các vị trí cao nhất như Cồn Chìm, Quang Trung, Hoà Bình còn lại đều ngập chìm trong biển nước. Khu lò mổ gần bến phà Khe Tù bị ngập trắng,

hàng trăm con lợn thu mua từ các nơi tập trung về đây chờ giết mổ bị trôi dạt chạy tứ tán khắp nơi. Các đơn vị quân đội tại Khe Tù, Đồn Cao vừa lo chạy lũ, vừa lo tập trung cứu dân. Hầu hết nhà cửa, tài sản của nhân dân bị ngập chìm hoặc trôi theo lũ.

Thị trấn bị cô lập hoàn toàn bởi cả 3 đập tràn Tiên Yên - Khe Tù - Đồng Và bị ngập chìm và có nguy cơ bị lũ phá hỏng. Giao thông qua lại thị trấn đi khắp nơi hoàn toàn tê liệt. Các loại bến bãi kho tàng của Nhà nước ở bến Kho II, Lâm trường, khu Nhà thờ hầu hết không kịp sơ tán.

Lũ rút đi để lại một tình cảnh hết sức thương tâm với những hậu quả nghiêm trọng chưa từng có. Trước thiên tai bất chợt, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên cùng nhân dân thị trấn tập trung thu dọn những gì còn sót lại, sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, phân phát hàng cứu trợ, kêu gọi mọi người tương trợ giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn.

Nhờ những biện pháp quyết liệt và kịp thời ấy, thị trấn Tiên Yên với 3/4 diện tích bị lũ tàn phá đã sớm được ổn định về nhiều mặt, mọi hoạt động lao động sản xuất nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường.

Tháng 4 năm 1972 nhằm tìm kiếm thế mạnh trên bàn hội nghị 4 bên ở Pa-ri, Mỹ ồ ạt ném bom miền Bắc trên diện rộng và ở hầu hết các tỉnh thành. Cuối tháng 12 năm 1972, bằng trận Điện Biên Phủ trên không, quân dân ta đã kiên cường chiến đấu, đè bẹp toàn bộ sức mạnh của không lực Hoa Kỳ buộc chúng phải chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27/1/1973, chấp nhận điều khoản chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi miền Nam. Ngày 29/3/1973, tên lính cuối cùng của quân đội Mỹ và các nước chư hầu rút khỏi miền Nam. Cách mạng Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới, từng bước thực hiện lời tiên tri của Hồ Chủ tịch "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào".

Cùng với khắp nơi trên miền Bắc, nhân dân thị trấn Tiên Yên đón nhận cuộc sống trong hoà bình yên ổn. Các đơn vị cơ quan, trường học, bệnh viện nhanh chóng chuyển từ nơi sơ tán về thị trấn, tiếp tục ổn định các hoạt động sản xuất, lao động và học tập.

Theo báo cáo thống kê, năm 1974 toàn huyện đã có 6.331 con trâu, 63 con bò, 9566 con lợn. Ngành đánh bắt hải sản tuy gặp nhiều khó khăn cũng đạt sản lượng 300 tấn cá và 50 tấn hải sản khác.

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã có những bước phát triển đáng kể với 4 triệu viên gạch; 130.000 viên ngói âm dương; 150.000 viên ngói đỏ và 200 tấn vôi,

kịp đáp ứng nhu cầu xây dựng của nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp nhà nước trên địa bàn.

Năm 1974, công trình xây dựng trường cấp III đã được bàn giao và đưa vào sử dụng đón nhận hàng chục thầy cô giáo và hàng trăm con em các dân tộc từ Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu, Đầm Hà... tới theo học. Bên cạnh giáo dục phổ thông, một số loại hình giáo dục khác như trường Bổ túc cán bộ, Thanh niên dân tộc, Mẫu giáo... cũng lần lượt được ra đời làm phong phú thêm các loại hình giáo dục trên đại bàn.

Kể từ những năm đầu thập kỷ 70, những lứa học sinh tốt nghiệp cấp III Tiên Yên đầu tiên đã tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học và lần lượt trở về Tiên Yên công tác, tạo ra đội ngũ trí thức và cán bộ khoa học mới đầy triển vọng cho huyện.

Ngành Y tế tiếp tục được đầu tư về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất mới, phục vụ các nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Các ngành Văn hoá, Thông tin, Thể dục thể thao ngày càng có nhiều chuyển hướng tích cực thông qua hoạt động của các đội thông tin, chiếu bóng lưu động, các hội diễn nghệ thuật quần chúng, thi đấu thể dục thể thao... góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao sức khoẻ và đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân...

Ngoài ra ngành văn hoá thể thao còn mời đuợc đoàn vận động viên bơi lội quốc gia trên đường từ Móng Cái về biểu diễn các động tác bơi lội điêu luyện và đẹp mắt tại khu vực Bến Châu; mời được đội bóng đá Thanh niên Hà Nội dừng chân tại Tiên Yên, giao lưu bóng đá với đội tuyển bóng đá thanh niên và bộ đội Tiên Yên.

Tất cả những hoạt động trên được coi là điểm sáng trong đời sống văn hoá tinh thần huyện Tiên Yên nói chung và thị trấn nói riêng, đem đến cho người dân Tiên Yên những món ăn tinh thần hết sức bổ ích, lành mạnh, góp phần bồi đắp thêm truyền thống đoàn kết yêu nước trên bước đường phát triển xây dựng cuộc sống mới.

Chặng đường 10 năm, từ năm 1965 đến năm 1975, của thị trấn Tiên Yên là chặng đường vừa kiên trì hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tập trung xây dựng chế độ mới, đóng góp sức người sức của cho công cuộc giải phóng đất nước. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân các dân tộc thị trấn Tiên Yên đã gửi con em thân yêu của mình ra mặt trận suốt từ những ngày đầu của cuộc chiến đấu. Những

thành tích đóng góp bằng xương bằng máu trên chặng đường hết sức vẻ vang của dân tộc ấy đã góp phần viết nên một trong những trang sử đẹp nhất của một thế hệ người dân thị trấn. Tuy chỉ là phần đóng góp hết sức khiêm tốn so với cả nước, nhưng chắc chắn sẽ được lớp lớp thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên trên quê hương Tiên Yên sau này mãi nhắc tới với niềm khâm phục và tự hào sâu sắc. Đó là nguồn sức mạnh tạo cho họ niềm tin vững bước trên các chặng đường vẻ vang chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, xây dựng quê hương Tiên Yên ấm no hạnh phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị tiên yên (quảng ninh) quá trình hình thành và biến đổi (Trang 55 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)