Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với ngành tài chính ngân hàng thế giới nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bởi vậy, Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nhất định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã có những tác động tiêu cực đến toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Đã có lúc tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam bị đe dọa, các khoản nợ xấu ngày càng tăng, làm tổn thất nghiêm trọng tới lợi ích của ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đã nhiều lần có sự thay đổi về lãi suất, thậm chí một tháng có tới 4 lần thay đổi lãi suất. Nguồn vốn huy động cũng có thời điểm bị thu hẹp, làm giảm hoạt động kinh doanh, giảm tính thanh khoản của ngân hàng. Trong cuộc khủng hoảng cũng đã có những dự báo về tình hình sát nhập, mua lại những ngân hàng có vốn chủ sở hữu thấp, tình hình tài chính ảm đạm. Do đó, môi trường kinh doanh và hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Do những yếu kém của nền kinh tế đã tích lũy từ nhiều năm trước, như mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn; năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mỏng của đa số doanh nghiệp, lạm phát tăng cao, những điều chỉnh về tỷ giá, giá nguyên, vật liệu tăng cao đã khiến các doanh nghiệp vay vốn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả nợ vay cho ngân hàng.
Chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát khiến lãi suất huy động và cho vay đều tăng cao, sớm lộ rõ những khó khăn yếu kém của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề chi phí tăng cao, thiếu vốn, đồng thời tiêu thụ hàng hóa khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện tài chính, kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp. Đã có không ít những doanh nghiệp bị thua lỗ, thậm chí phá sản do không theo kịp chính sách quản lý kinh tế mà hậu quả là ngân hàng cho vay phải gánh chịu.
Do không dự đoán trước được khó khăn, vướng mắc khi ban hành một số chủ trương, chính sách kinh tế của Chính phủ nên khi triển khai thực hiện vô hình chung tạo ra những bất lợi rủi ro cho doanh nghiệp như chính sách thuế, xuất nhập khẩu, quy hoạch đất đai.
Chính sách cấm cho vay và huy động vốn bằng vàng của Ngân hàng nhà nước: Theo đó, các Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động vốn và cho vay bằng vàng. Vì vậy, VAB đề nghị thỏa thuận với khách hàng đang có dư nợ vay bằng vàng thực hiện tất toán trạng thái vàng bằng cách chuyển đổi dư nợ vay sang VNĐ. Khi thực hiện chuyển đổi dư nợ vay sang VNĐ, đa số khách hàng phải chịu một khoảng lỗ không nhỏ. Thứ nhất, do giá vàng tại thời điểm chuyển đổi cao hơn rất nhiều so với thời điểm vay vốn. Thứ hai, lãi suất VNĐ áp dụng sau khi chuyển đổi vàng sang VNĐ cao hơn lãi suất vay vàng từ 4% - 6%/năm (lãi suất vay vàng thường dao động từ 5%-6%/năm). Từ đó, làm cho khách hàng không có khả năng thanh toán nợ vay vì phải gánh chênh lệch giá vàng và lãi suất quá nhiều. Đây là nguyên nhân làm cho nợ xấu tăng cao, do VAB có dư nợ vàng khá lớn.
Chính sách thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 làm cho các công trình có nguồn vốn từ ngân sách bị ảnh hưởng, không có vốn hoặc tiến độ giải ngân chậm gây ảnh hưởng đến nguồn thu của các doanh nghiệp xây dựng, dẫn đến thiếu nguồn thanh toán trả nợ cho ngân hàng của các doanh nghiệp vay vốn.