Một số vấn đề trong việc gây trồng cây bản địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp kỹ thuật lâm sinh cho rừng trồng cây bản địa ở huyện cẩm thủy, tỉnh thanh hóa​ (Trang 34 - 36)

Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong giai đoạn vừa qua, diện tích rừng của nước ta đã giảm đáng kể, với tốc độ khoảng trên dưới 100.000 ha/năm [33]. Tỷ lệ che phủ của rừng giảm từ 40,7% (13,5 triệu ha rừng) vào năm 1943 (Maurand, 1943) xuống còn 27,1% vào năm 1980 và 26,2% vào năm 1985 (Bộ Lâm nghiệp, 1991) [33]. Nhiều tỉnh quan trọng ở miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng v.v..., có tỷ lệ che phủ của rừng rất thấp, chỉ còn trên dưới 10%. Việc phục hồi, tái sinh rừng đang là một nhu cầu bức bách, nhất là cho những khu vực phòng hộ đầu nguồn, ven biển và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, kể cả cho xuất khẩu. Vai trò của các loài

cây bản địa trong công tác trồng rừng là rất rõ ràng, song hiện tồn tại vô số nghịch lý ở tầm quốc tế và ở mỗi quốc gia, đòi hỏi các nhà nghiên cứu và quản lý sớm quan tâm, giải quyết các vấn đề cơ bản này. Hiện nay, việc gây trồng cây bản địa đã vấp phải những hạn chế đó là khó gây trồng phát triển cây bản địa: Điều rất đáng được quan tâm là vốn cây bản địa hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về chủng loại và số lượng do các hoạt động phá rừng. Rừng lá rộng thường xanh đang ngày một thu hẹp và dần biến thành đồi trọc. Môi trường sống bị phá huỷ, các hệ sinh thái rừng bị đe doạ, các loài động thực vật rừng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa đang trở thành một vấn đề cấp bách. Song có một nghịch lý khó giải quyết: gây trồng phát triển cây bản địa là một công việc rất khó khăn do các lý do sau:

- Các lý do về hiểu biết : Chúng ta còn thiếu nhiều hiểu biết sâu sắc về các hệ sinh thái rừng, các loài bản địa nói chung và đặc điểm riêng cho từng loài cụ thể như nhu cầu về đất đai, khí hậu, ánh sáng ở các giai đoạn khác nhau, mối liên hệ giữa các loài trong quần thể đa loài, khả năng tái sinh tự nhiên, khả năng gây trồng, vật hậu v.v... Với những lỗ hổng lớn về hiểu biết như vậy chắc chắn khó có thể phát triển cây bản địa trên diện rộng.

- Các lý do về nhận thức: Các nhà quản lý mong muốn nhanh chóng đưa nhanh các loài cây bản địa vào gây trồng đại trà, song đối với các nhà sản xuất kinh doanh, khai thác là dễ hơn cả, còn trồng rừng với luân kỳ 50 năm (hoặc hơn nữa) là quá dài đối với họ, trong khi lãi suất ngân hàng cao, hiểm hoạ đối với loại rừng này lại lớn, vì vậy họ chỉ đầu tư vào các loài cây có luân kỳ ngắn (5 - 7 năm) nhanh chóng thu sản phẩm cho công nghiệp và xuất khẩu để sớm thu hồi vốn và có lãi. Ai sẽ là người đầu tư cho cây bản địa? Rõ ràng Chính phủ phải là nhân tố chủ đạo.

- Các lý do về kỹ thuật: Cây bản địa quen sống trong một môi trường sống hoàn chỉnh, ít biến động nên có nhu cầu cao về đất và các yếu tố khác. Không thể đưa trồng ngay cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc khô cằn, trồng thuần loại tràn lan trên diện rộng. Do tuổi thọ dài, hiểu biết thiếu, kỹ thuật chưa đồng bộ nên khả năng thành rừng khi trồng cây bản địa thuần loại trên diện rộng là khó như trường hợp rừng Mỡ (Manglietia glauca) và Lát hoa (Chukrasia tabularis) cho gỗ lớn trong những năm vừa qua. Rừng trồng Bồ đề (Styrax tonkinensis) rất thành công ở luân kỳ đầu song năng suất giảm dần ở các luân kỳ sau mà chưa có các biện pháp giải quyết thoả đáng. Ai cũng biết nghiên cứu cần phải đi trước một bước song đầu tư cho nghiên cứu các vấn đề này còn quá thấp.

- Các lý do về xã hội: Vùng có nhu cầu lớn về trồng cây bản địa thường là vùng sâu vùng xa, đời sống của dân còn gặp nhiều khó khăn, giao thông yếu, điều kiện để tiếp thu kỹ thuật mới còn nhiều hạn chế. Quy hoạch đất rừng, bảo vệ rừng, đất cho trồng rừng, trồng rừng gì v.v... Ở các địa phương còn chưa cụ thể. Người dân vẫn phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp và cây lương thực. Vốn cho trồng rừng thiếu, dân chưa muốn trồng rừng luân kỳ dài và rừng hiện còn khó bảo vệ. Một số nơi đã có đầu tư của Nhà nước cho trồng rừng cây bản địa song mức đầu tư còn thấp, trồng quảng canh, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp kỹ thuật lâm sinh cho rừng trồng cây bản địa ở huyện cẩm thủy, tỉnh thanh hóa​ (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)