6. Kết cấu của luận văn
3.2.3. Góp phần xây dựng biểu tượng
Để tạo nên một thế giới như thế nhà văn sử dụng nhiều yếu tố trong đó có những biểu tượng nghệ thuật. Biểu tượng là những hình ảnh sự vật cụ thể cảm tính bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Biểu tượng nghệ thuật được coi là kí hiệu thẩm mỹ đa nghĩa bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nó chính là sự mã hoá cảm xúc ý tưởng của nhà văn. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô đọng hàm súc có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của độc giả.
Biểu tượng trong thơ Tố Hữu được sử dụng nhiều, đặc biệt nó chiếm phần lớn là biểu tượng từ các địa danh lịch sử. Chính các địa danh lịch sử đã góp phần tạo dựng nên hệ thống hình tượng nghệ thuật về cuộc cách mạng của dân tộc ta. Tố Hữu quả là một người thợ tài hoa khi sử dụng các địa danh mang tính biểu tượng để tạo dựng hình tượng nghệ thuật. Nhờ có địa danh này mà có thể diễn đạt ngắn gọn, cô đọng và súc tích điều mình muốn nói. Các địa danh ấy thể hiện sự say mê lý tưởng, Đảng vĩ đại và nhân dân anh hùng, ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Mọi biểu hiện nghệ thuật của thơ ông đều quy tụ về tâm điểm này. Các biểu tượng trong các tập thơ cũng không nằm
ngoài quỹ đạo ấy. Điều đó được thể hiện ở sự lặp lại của một số hình ảnh ẩn dụ chủ đạo trong các tập thơ. Đặc biệt là sự thống nhất của một số tính chất trong các hình ảnh ẩn dụ của thơ ông. Đó là biểu tượng thuộc về thế giới tự nhiên có tầm vóc lớn lao, kỳ vĩ, mang màu sắc sử thi, huyền thoại. Hay biểu tượng mang thuộc tính bền vững, có giá trị vĩnh cửu. Và những hình ảnh tràn đầy cảm xúc trạng thái mạnh mẽ, say mê, trẻ trung, giầu nhiệt huyết. Những tính chất này không chỉ thể hiện những nét sáng tạo riêng của ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu mà từ đó còn cho thấy đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu. Với nguồn cảm xúc về cách mạng, lẽ tự nhiên, thơ Tố Hữu phải tìm đến những địa danh mang tính biểu tượng cho sự lớn lao, kỳ vĩ, huyền thoại. Và chính địa danh lịch sử ấy đã góp phần tạo nên một phong cách thơ mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng. Tố Hữu đã tạo lập nhiều ẩn dụ về các mảnh đất anh hùng. Như khi ông cất tiếng gọi Tây Nguyên anh dũng, trung kiên: Tây Nguyên ơi! Bước truân chuyên, ta thấy Tây Nguyên đã thành biểu tượng cho truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường của dân tộc ta. Nghệ thuật nhân hóa góp phần tạo cho tiếng thơ của Tố Hữu thân thương, sâu sắc hơn bội phần. Ngoài ra, tâm hồn người đọc còn được rong ruổi cùng nhà thơ trên mọi miền đất nước cùng những nỗi niềm riêng khó nói thành lời… Và biết bao tên đất, tên làng, tên núi, tên sông của nước non yêu dấu này đã đi về trong thơ ông như một niềm day dứt khôn nguôi. Màu sắc gợi cảm của những hình ảnh ẩn dụ gần gũi thân thương, giàu cảm xúc cũng là một cơ sở để khiến cho thơ Tố Hữu mang khuynh hướng của thơ trữ tình - chính trị.
Từ các địa danh lịch sử này, ta cũng thấy rõ hơn phong cách của nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu là một chiến sĩ - thi sĩ, làm thơ trước hết là phải phục vụ sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng của Đảng. Trong thơ Tố Hữu từ trước đến sau, dù đề tài, nội dung cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ lấy lý tưởng cách mạng, quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tưởng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư
của chính nhà thơ. Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng. Đặc biệt ở những bước ngoặt trong đời sống cách mạng của dân tộc, hồn thơ Tố Hữu thường vang ứng nhạy bén và dào dạt cảm hứng, kết tinh trong những bài thơ đặc sắc, được sự đồng cảm và hưởng ứng rộng rãi của đông đảo công chúng. Việc xuất hiện nhiều địa danh trong thơ Tố Hữu có thể giải thích là do hoàn cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh, địa danh trong thơ Tố Hữu cũng phải thấm đẫm chất lịch sử. Mặt khác do nhà thơ đi hoạt động và sống trong những vùng địa phương khác nhau nên miêu tả nhiều địa phương là điều dễ hiểu. Các tập thơ hầu hết hướng về con người trong chiến tranh, về cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước và công cuộc xây dựng đất nước. Càng về cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ Tố Hữu càng gia tăng những suy tư, chiêm nghiệm, triết lý nhằm nhận thức và lý giải ở tầng sâu về dân tộc, lịch sử, con người, về cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhờ vậy, giọng thơ càng trở nên lắng đọng, có sức nặng bên trong. Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi nổi bật trong thơ Tố Hữu nhất là ở những thời kì sau, kể từ cuối tập Việt Bắc. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là cái tôi chiến sĩ, về sau càng trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là con người thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ được nâng lên thành những hình tượng anh hùng mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa. Do khuynh hướng cảm hứng ấy mà thơ Tố Hữu chú trọng tác động đến tình cảm, cảm xúc của người đọc, đặc biệt khai thác giá trị gợi cảm của nhạc điệu thơ.
Các địa danh văn hóa trong thơ Tố Hữu cho thấy cách lựa chọn biểu tượng của tác giả có xu hướng tìm đến những hình ảnh tự nhiên thân thuộc, gần gũi với con người và quê hương, đất nước. Dường như đó không còn chỉ là
những cái tên ghi trong bản đồ địa lí, lịch sử mà nó đã trở thành những tâm hồn, những mảng đời gắn bó máu thịt với nhà thơ. Biết bao cảm xúc thân thương, sâu nặng khi ông gọi tên mảnh đất ấy. Chính những hình ảnh biểu tượng tràn đầy cảm xúc như thế cũng đã góp phần làm cho tiếng thơ Tố Hữu trở thành tiếng nói của những "tình cảm lớn, niềm vui lớn" giữa cuộc sống lớn lao của dân tộc.
Trong đó, đặc biệt phải nói tới địa danh xứ Huế. Sở dĩ địa danh văn hóa này xuất hiện nhiều vì Tố Hữu là người con của xứ Huế. Đã bao lần Tố Hữu cất lên tiếng gọi tha thiết, đau đáu và cháy bỏng của hồn mình: Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi!, Hương Giang ơi, dòng sông êm. Bước vào thơ Tố Hữu, xứ Huế thành biểu tượng cho miền đất nổi tiếng thơ mộng, trữ tình với biết bao hình ảnh tươi đẹp của cảnh vật và con người. Dường như, chất Huế đã thấm vào tâm hồn, máu thịt của thi sĩ trên mỗi trang thơ. Xem xét các hình ảnh biểu tượng thơ ông, người đọc thấy hình ảnh Huế đã được nhà thơ nhân hóa tựa như hình ảnh của một người mẹ tảo tần, người yêu chung thủy để từ đó nhà thơ cất lên tiếng gọi da diết. Huế và dòng sông quê hương ấp ủ bao tình thương nỗi nhớ mà mấy mươi năm trước đã từng cưu mang, che chở cho những đứa con.