Quan điểm nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh trong thơ tố hữu (Trang 39 - 45)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.3. Quan điểm nghệ thuật

Tố Hữu đã định hình cho mình một phong cách riêng bên cạnh sự nghiệp thơ phong phú, đồ sộ: "Sống là hành động, thơ cũng hành động. Với Tố Hữu thơ là hình thức tươi đẹp của hoạt động cách mạng, của sự sống" (Đặng Thai Mai). Đó là nguồn gốc giá trị sâu sắc của thơ Tố Hữu và đó cùng là cơ sở tạo nên phong cách đặc sắc trong thơ Tố Hữu.

Tố Hữu ít nói đến đời tư, đời thường. Cảm hứng của Tố Hữu là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải là cảm hứng đời tư. Nổi bật lên trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh dân tộc, cộng đồng chứ không phải vấn đề số phận

cá nhân. Nói đúng hơn số phận cá nhân hòa vào số phận dân tộc, cộng đồng. Những vấn đề đời sống được nhà thơ đề cập đến chủ yếu trên phương diện chính trị. Ông ca ngợi lý tưởng, ca ngợi những con người mang lý tưởng cộng sản, biểu dương những tình cảm cách mạng, ca ngợi nhân dân ca ngợi đất nước. Những vấn đề chính trị ấy trở thành nguồn cảm hứng, nguồn cảm xúc chân thật, sâu xa và thành lẽ sống, niềm tin… Bởi vậy, với Tố Hữu chính trị trở thành cái riêng tư và được nhà thơ diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm tình, ngôn ngữ của tình yêu, tình mẹ con, tình bạn bè một cách tự nhiên không gượng ép.

Bao trùm trong thơ Tố Hữu là vấn đề lý tưởng, vấn đề lẽ sống: Lẽ sống cách mạng, lẽ sống cộng sản. Vì thế mà trong thơ dù có: "Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay là chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ (…) là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi” ( Chế Lan Viên ).

Trước Cách mạng tháng Tám, nhà thơ khẳng định lẽ sống của con người là con đường cách mạng. Đó là con đường duy nhất có thể giải thoát cho mọi số phận cá nhân, khỏi cảnh áp bức, đọa đầy đau khổ như: Những người không

chết, Trăng trối, Con cá chột nưa, Từ ấy. Từ Việt Bắc trở đi, Tố Hữu thường

chủ yếu đặt vấn đề lẽ sống của dân tộc, và tiếp đó là mối quan hệ giữa dân tộc và thời đại.

Không chỉ phản ánh lẽ sống, thơ Tố Hữu ngập tràn tình cảm, niềm vui của con người cách mạng đó là: niềm say mê lý tưởng, tình đồng chí, lòng yêu mến nhân dân, đất nước, ân nghĩa của cách mạng, của Đảng lãnh tụ, tình cảm quốc tế. Điều đó được thể hiện qua các tác phẩm như: Việt Bắc, 30 năm, Mẹ Tơm, Nước Non, Sáng tháng Năm, Bác ơi, Miền Nam, Một nhành xuânThơ Tố Hữu ở những bài hay nhất thường là có sự kết hợp cả ba chủ đề lẽ sống lớn, niềm vui lớn và ân tình cách mạng (Việt Bắc, Mẹ Tơm, Bác ơi, 30 năm…).

Thơ Tố Hữu ở giai đoạn sau cách mạng mang khuynh hướng sử thi, chủ yếu đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân. Cái

công dân, về sau là cái "tôi" nhân dân, dân tộc, cách mạng (Ta đi tới, Việt Bắc).

Nhận vật trữ tình của Tố Hữu là những con người đại diện cho những phẩm chất dân tộc, thậm chí mang tầm vóc lịch sử, thời đại đó là: hình tượng anh giải phóng quân Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt…

Về mặt nghệ thuật, thơ Tố Hữu dạt dào cảm hứng lãng mạn, hướng về lý tưởng cộng sản và tương lai xã hội chủ nghĩa. Thể hiện cuộc sống bằng cảm quan ấy, thế giới hình tượng trong thơ Tố Hữu là thế giới của cái cao cả, cái lý tưởng, của ánh sáng, gió lộng, niềm tin.

Thơ Tố Hữu còn có giọng điệu rất dễ nhận ra đó là giọng điệu tâm tình, là tiếng nói của tình thương mến. Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng, chứ không phải thơ tình yêu. Nhưng “thơ anh là thơ của một tình nhân, anh nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm. Cái sức mạnh lớn nhất của Tố Hữu là quả tim anh” (Chế Lan Viên). Điều này được thể hiện rõ nhất qua cách xưng hô, trò chuyện, tâm sự với đối tượng “anh em ơi” ,“ban đời ơi”, "đồng bào ơi", "anh vệ quốc quân ơi"… "anh chị em ơi”, "em ơi … cho đến cả thiên nhiên đất nước "Xuân ơi xuân", "Hương giang ơi!"… Giọng tâm tình, tiếng nói yêu thương này có liên quan đến chất Huế của hồn thơ Tố Hữu, nhưng chủ yếu là do quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc, do quan niệm của Tố Hữu về thơ: "Thơ là chuyện đồng điệu (… ) ,thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí".

Thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc. Tính dân tộc thể hiện ở thế giới hình tượng, phong cảnh quê hương, đất nước thân thuộc, ở hình ảnh con người rất đỗi Việt Nam. Tính dân tộc còn thể hiện ở việc Tố Hữu sử dụng các thể thơ mang đậm tính chất truyền thống dân tộc như: Lục bát (các bài thơ Việt Bắc,

Kính gửi cụ Nguyễn Du, Nước non ngàn dặm…). Thi nhân đã kết hợp cả giọng thơ cổ điển và dân gian để thể hiện tinh thần cách mạng từ đó làm phong phú cho thể thơ lục bát. Còn về thơ 7 chữ của Tố Hữu là những tác phẩm trang trọng, có màu sắc cổ điển nhưng vẫn biến hóa linh hoạt, diễn tả được nhiều trạng thái cảm xúc ( Quê mẹ, Mẹ Tơm, Theo chân Bác….).

Về ngôn ngữ, Tố Hữu không mạnh ở sáng tạo từ mà thường sử dụng từ ngữ, lối nói quen thuộc với dân tộc, thậm chí cả những ước lệ, những so sánh ví von truyền thống, nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại.

Về nhạc điệu, thơ Tố Hữu rất giàu nhạc điệu, một biểu hiện tính dân tộc của nghệ thuật ở bề sâu. Tố Hữu có biệt tài trong việc sử dụng các từ láy, dùng các vần và phối hợp các thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ, tạo thành nhạc điệu, phong phú cho các câu thơ, diễn tả được cái nhạc điệu bên trong của tâm hồn, một nhạc điệu tâm tình mà bề sâu của nó là điệu cảm xúc của dân tộc, tâm hồn dân tộc (Em

ơi Ba Lan, Mẹ Tơm, Xuân 1961, Quê mẹ, Nước non ngàn dặm…).

Với những đóng góp quan trọng cho nền văn học, Tố Hữu rất xứng đáng là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Những vần thơ Tố Hữu đã tiếp thêm niềm say mê cuộc đời, say mê kháng chiến cho biết bao con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến dân tộc. Về mặt nghệ thuật, Tố Hữu đã đưa thơ trữ tình chính trị đạt đến đỉnh cao. Trong phương thức sáng tạo thi ca, Tố Hữu đã xây dựng thành công yếu tố địa danh gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như tình yêu cách mạng, tự hào dân tộc của chính mình. Địa danh trở thành một tín hiệu nghệ thuật đặc sắc, một sản phẩm độc đáo khẳng định cá tính và phong cách thơ.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, chúng tôi đã đề cập đến khái niệm địa danh, địa danh học, cách phân loại địa danh. Đến nay, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm địa danh nhưng chúng tôi đã khái quát lại ở vài điểm. Địa danh là một thuật ngữ nhằm chỉ tên của các đối tượng tự nhiên và nhân tạo. Địa danh không chỉ là yếu tố địa lý mà còn là yếu tố ngôn ngữ, được hình thành dựa trên quy tắc ngôn ngữ về các mặt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, được sử dụng trong ngôn ngữ nói, viết của cộng đồng. Chính vì thế nó phản ánh đời sống xã hội, với tâm lí cộng đồng, với lịch sử, văn hóa, văn học của vùng miền, đất nước, dân tộc. Địa danh trở thành một yếu tố nghệ thuật để các văn nghệ sĩ đưa vào trong sáng tác của mình.

Hiện nay, có nhiều các phân loại địa danh khác nhau, trong đó cách phân loại của tác giả Lê Trung Hoa, Nguyễn Kiên Trường có nhiều ưu việt hơn cả. Dựa trên phương diện nội dung phản ánh, chúng tôi phân loại địa danh thành bốn loại: Địa danh phản ánh đặc điểm địa hình; Địa danh phản ánh hoạt động sản xuất vật chất; Địa danh phản ánh văn hóa tinh thần; Địa danh phản ánh sự kiện, nhân vật lịch sử.

Trong chương 1, luận văn cũng chỉ ra sự xuất hiện của địa danh trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của văn học Việt Nam. Địa danh đã góp phần thể hiện văn hóa trọng tình của người Việt trong văn học dân gian, chất thâm trầm, cổ điển của văn học trung đại, chất anh hùng lí tưởng cách mạng của thơ ca hiện đại…Trong nền thi ca Việt Nam, có một tác giả đã đưa yếu tố địa danh vào trong thơ một cách đặc sắc, đó chính là Tố Hữu.

Được bồi đắp bởi quê hương xứ Huế trữ tình cùng truyền thống gia đình và ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng đã hun đúc lên tâm hồn thi ca rộng mở, phong phú ở Tố Hữu. Con đường thơ Tố Hữu gắn bó với mỗi chặng đường lịch sử gian lao mà oai hùng của dân tộc. Nhà thơ có sự rung cảm đặc biệt với mỗi biến động lịch sử của dân tộc. Mỗi chiến thắng cách mạng gắn với địa danh hay mỗi vùng quê đã từng đặt chân tới đều đi vào thơ Tố Hữu một cách hấp dẫn. Dựa trên cơ sở lí thuyết và thành quả của các thế hệ đi trước, chúng tôi xây dựng đề tài Địa danh trong thơ Tố Hữu.

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI ĐỊA DANH TRONG THƠ TỐ HỮU

Có thể nói, trong thơ Tố Hữu địa danh là một hiện tượng xuất hiện với mật độ đậm đặc và để phân loại địa danh chúng ta dựa vào rất nhiều tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, đứng trước một đối tượng ngổn ngang, bề bộn và rộng như thế thì việc phân loại địa danh là một việc làm khiên cưỡng và khá khó khăn nên trong khuôn khổ của luận văn này chúng tôi tạm thời dựa vào hai tiêu chí để phân loại, đó là: Địa danh gắn với những di tích lịch sử và địa danh gắn với những địa chỉ văn hóa để tránh trường hợp khảo sát một cách ôm đồm, quá rộng, luận văn không chặt chẽ.

Để phân biệt nội hàm hai khái niệm này, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu chúng tôi chưa phát hiện thấy có một định nghĩa nào hoàn chỉnh ở bất cứ tài liệu chính thống nào. Chính vì thế, dựa trên quan điểm chủ quan cá nhân và trong quá trình nghiên cứu, khảo sát đề tài này, chúng tôi mạo muội đưa ra quan điểm sau:

“Địa danh gắn với nhưng di tích lich sử” trước hết phải là những di tích lịch sử, những di tích lịch sử ấy phải gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, gắn liền với vận mệnh của đất nước. Để rồi, mỗi khi một địa danh nào đó được nhắc đến, người đọc thấy được một phần lịch sử của dân tộc nằm trong đó và trường tồn theo thời gian.

“Địa danh gắn với những địa chỉ văn hóa” là những địa danh gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo… đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân. Đó là những đặc trưng văn hóa mà khi đọc tên địa danh người đọc nhận ra, nắm bắt được nét riêng văn hóa độc đáo của vùng đất ấy, con người nơi ấy.

Mặc dù hai loại địa danh này có sự khác biệt nhau rất rõ ràng nhưng trong nhiều trường hợp địa danh trong thơ Tố Hữu vừa là địa danh lịch sử vừa là địa danh văn hóa như: Việt Bắc, Hà Nội, Huế… Để phân định rõ địa danh ấy

thuộc loại nào theo chúng tôi ta nên đặt địa danh đó vào một ngữ cảnh nhất định, một hoàn cảnh cụ thể. Soi chiếu nó dưới góc nhìn ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, câu thơ ta sẽ biết tác giả muốn địa danh ấy ở vị trí nào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh trong thơ tố hữu (Trang 39 - 45)