Địa danh trong thơ ca hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh trong thơ tố hữu (Trang 30 - 36)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.3. Địa danh trong thơ ca hiện đại

Bước sang thời kì hiện đại, văn học Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ, sâu sắc. Tư tưởng cởi mở của phương Tây cùng phương pháp sáng tác mới, thể loại mới được du nhập vào Việt Nam. Văn học Việt Nam có sự cách tân toàn diện đem lại dáng vẻ mới. Về mặt thi ca xuất hiện hai xu hướng chủ yếu: thơ ca lãng mạn của các nhà thơ lãng mạn giai đoạn 1930 - 1945 và thơ ca cách mạng bám sát hiện thực của công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.

* Thơ lãng mạng

Thơ lãng mạn của tiếng nói cá nhân, sự giải phóng tối đa khả năng sáng tạo cũng như cá tính của tác giả. Thơ mới tạo dấn ấn quan trọng, bước ngoặt của thi ca, chuyển từ phương thức sáng tác trung đại, chịu ảnh hưởng của thi pháp Trung Hoa sang phương thức sáng tác hiện đại của phương Tây. Nhận xét về sự phát triển của thơ Mới, Hoài Thanh đã viết: “Không lấy một người so sánh với một người, hãy lấy thời đại so sánh với thời đại. Tôi quyết rằng chưa có thời đại nào phong phú như thời đại này trong lịch sử thi ca Việt Nam. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Để thể hiện phong cách, cá tính của mình, các thi nhân lãng mạn sử dụng yếu tố địa danh như một dụng ý nghệ thuật. Ta thấy được chất mộc mạc, dân giã của những thôn xóm trong thơ Nguyễn Bính:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Một người chín nhớ mười mong một người.

Gió mưa là bệnh của trời, Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”

(Tương tư)

Hoặc như tấm lòng với xứ Huế thân thương cũng như tấm lòng thiết tha với đời, yêu say cuộc sống của Hàn Mặc Tử được gửi gắm trong địa danh thôn Vĩ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Tuy thơ mới là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhưng trong thơ mới xuất hiện rất ít các địa danh nước ngoài. Các tác giả khai thác ngay vẻ đẹp của thiên nhiên, của miền quê, đất nước con người Việt. Qua đó, ta thấy được tấm lòng với non sông, thao thức, trăn trở của các thi nhân về vận mệnh dân tộc.

* Thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp

Mỗi nhà thơ cách mạng đều có sự gắn bó sâu sắc với một địa danh địa lí - văn hóa, tạo ra phong cách độc đáo, không thể trộn lỗn. Đằm thắm trong trái tim của Tố Hữu là quê hương xứ Huế, Hoàng Cầm nao lòng với quê nhà Kinh Bắc, Quang Dũng vấn vương với xứ Đoài. Thơ của họ là tâm hồn, phong cảnh một vùng văn hóa.

Xứ Đoài với rất nhiều địa danh như: Sơn Tây, Bương Cấn, Sài Sơn, Bất Bạt, sông Đáy, Phủ Quốc, Ba Vì… đã bước vào thơ Quang Dũng một cách dung dị mà ám ảnh:

“Em ở thành Sơn chạy giặc về tôi Tôi từ chinh chiến cũng ra đi Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt Chiều xanh không thấy bong Ba Vì… Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn Về lại Sài Sơn ngắm lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.”

Không chỉ xuyến xao với Xứ Đoài, Quang Dũng còn bén duyên sâu nặng với vùng đất cheo leo - Tây Bắc:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”

(Tây Tiến)

Sông Mã là con sông chảy qua Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá và cũng là địa danh nơi đoàn quân Tây Tiến đóng binh. Hai chữ “sông Mã” tiếng trước thanh bằng tiếng sau thanh trắc góp cho giọng thơ trầm hùng. Dấu “~” trong chữ “Mã” kết hợp với chữ “ơi” cuối câu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!” làm cho âm giọng ngân vang… Chữ “Lát” trong địa danh Mường Lát đi liền với chữ “hoa” trong câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, gợi cho người đọc có cảm giác như cảnh nơi ấy lát hoa, rải hoa thật là sang trọng mơ mộng và lãng mạn. Cái âm “Pha” Pha Luông” đi với cái âm “xa” Nhà

ai Pha Luông mưa xa khơi” nghe như cứ pha vào mưa, luồn vào gió, con mưa chạy dài rộng khắp mịt mù trong mưa rừng sương núi. Còn trong hai chữ địa danh Mai Châu, ta nghe như trong đó có cái gì tươi trẻ trong sáng. Từ đó gợi cho người đọc như thấy đoàn quân Tây Tiến, sau khi xuyên sơn, vượt lũng, băng rừng, lội suối đến một cái thôn Mai Châu. Ở đó những cô gái trẻ trung chạy ra chào đón các anh bộ đội tặng những cơm nắm, xôi đùm ấm áp nghĩa tình quân dân…

Như vậy, ta có thể nói rằng trong thơ Quang Dũng đầy ắp những địa danh. Cái tài của Quang Dũng là ông đã vận dụng nó vào trong câu thơ hết sức nhuần nhuyễn và đem lại cho người đọc những cảm xúc chân thực.

Cũng tương tự như chất Tây Bắc trong thơ Quang Dũng, ta bắt gặp cảnh vật và con người, miền quê Kinh Bắc trong thơ của Hoàng Cầm. Vùng Kinh Bắc không chỉ trù phú, tốt tươi, giàu truyền thống văn hóa mà còn mang một vẻ đẹp cổ kính với những phong tục tập quán, những đền chùa, những lễ hội vào dịp đầu xuân:

“Ai về Bên kia sông Đuống Cho ta gửi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai Trong chùa Bút Tháp Giữa huyện Lang Tài Gửi về may áo cho ai?

Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?”

(Bên kia sông Đuống)

Qua hồi ức các địa danh Thiên Thai, Bút Tháp, Lang Tài được gợi nhắc thể hiện niềm kiêu hãnh và tự hào của nhà thơ về vẻ đẹp quê hương mình. Các câu thơ chỉ địa danh kết hợp với những từ có ý nghĩa định vị về mặt không gian

"trên, trong, giữa" khiến không gian càng rộng lớn mênh mông, không gian của sự thanh bình. Những địa danh ấy chỉ có duy nhất ở Kinh Bắc, từ lâu đã đi vào trong ca dao, dân ca, vào lòng người dân Kinh Bắc. Mỗi địa danh lại gắn liền với một lễ hội. Chỉ bằng những vần thơ ngắn gọn nhà thơ đã làm sống dậy một quá khứ, một bức tranh đẹp đẽ, tươi vui sắc màu văn hóa của riêng đất Kinh Bắc.

* Thơ ca thời kì kháng chiến chống Mỹ

Nếu như thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp mang âm hưởng giản dị, mộc mạc thì thơ ca kháng chiến chống Mỹ mang một hơi thở mới. Đó là chất oai hùng của thế hệ thanh niên sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Họ sẵn sàng hi sinh xương máu cho nền độc lập. Chính vì vậy, mỗi địa danh đều gắn với chiến công của binh đoàn, với sự anh dũng, quả cảm của người lính:

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.”

(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân) Bên cạnh giọng thơ hào sảng, tràn đầy nhiệt huyết, thơ ca thời kì kháng chiến chống Mỹ còn mang âm hưởng sâu lắng, triết lí, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của tác giả về quê hương, đất nước. Trường ca Mặt đường khát vọng của

tác giả Nguyễn Khoa Điềm là một điển hình:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên. Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”

Không chỉ trong thi ca, yếu tố địa danh cũng được các tác giả sử dụng trong văn xuôi và âm nhạc. Trong văn xuôi, ta cũng thấy hiện tượng nhiều tác phẩm nổi tiếng có tên địa danh: Mường Giơn giải phóng của Tô Hoài, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Cù Lao Chàm

của Nguyễn Mạnh Tuấn, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu…Hàng loạt những bài hát có tính “địa danh ca”, “địa phương ca” xuất hiện, một hiện tượng chưa từng có trước đó như: Quảng Bình quê ta ơi, Hà Tây quê lụa, Chào sông Mã anh hùng, Dáng đứng Bến Tre, Quỳnh Lưu đất mẹ yêu

thương, Thái Nguyên quê tôi (Huy Cao), Nhớ về Hà Giang (Minh Thùy)…

Địa danh được đưa vào văn học cách mạng nhiều như vậy là bởi suốt 30 năm kháng chiến và chiến tranh giải phóng đất nước từ Ải Nam quan đến Mũi Cà Mau, các văn nghệ sĩ cũng là những người cán bộ cách mạng, người chiến sĩ, họ phải đến nhiều nơi trên đất nước, trải nghiệm sống và chiến đấu. Mỗi vùng đất đều gắn với những kỉ niệm sâu sắc về tình quân dân, tình yêu, tuổi trẻ và được thể hiện ra bằng văn, thơ, nhạc, họa. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Mặt khác, về phương pháp sáng tác, văn học cách mạng lấy các vấn đề dân tộc đất nước làm chủ đề cảm hứng chính. Thêm nữa với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn học thiên về phản ánh sự thật, ghi chép sự thật, vì thế càng có cơ sở để địa danh thành một biểu đạt phổ biến trong thơ. Trong thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc không thể không kể đến Tố Hữu. Nhà thơ có khả năng rung cảm đặc biệt với những địa danh cách mạng và đưa chúng vào trong thơ một cách hay nhất, nghệ thuật nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh trong thơ tố hữu (Trang 30 - 36)