Góp phần xây dựng ngôn ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh trong thơ tố hữu (Trang 84 - 86)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Góp phần xây dựng ngôn ngữ

Ngôn ngữ thơ vừa là phương tiện, vừa là mục đích. Thơ hay do nhiều nguyên nhân nhưng thể hiện rõ nhất ở tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ. Nó là kết tinh của lao động sáng tạo. Thế giới ngôn ngữ thơ của Tố Hữu là thế giới của bản thân cuộc sống và thiên nhiên, đất nước, người, cảnh, chim muông, cây lá, màu sắc, mùi vị…Trong bức tranh chung của cuộc sống đã tìm

thấy ở đây một bức tranh từ ngữ sinh động, tương ứng. Người đọc dễ dàng nhận ra: “Ngôn ngữ thơ của Tố Hữu là ngôn ngữ “ tình” nhưng trong tình có “lý” có trí tuệ ở tầm cao” ( Hoàng Trinh). Các địa danh trong thơ Tố Hữu cũng góp phần làm rõ phong cách sử dụng ngôn ngữ của ông. Ở đó, ta thấy ông sử dụng từ ngữ, lối nói quen thuộc của dân tộc, những so sánh, ví von truyền thống. Nhiều địa danh được tác giả lấy từ kho ca dao, dân ca của dân tộc, như: xứ Nghệ, Hồng Lam, Lạc Hồng…Chỉ cần đọc tên các địa danh ấy, ta đã thấy vang lên điệu hồn dân tộc gần gũi. Là hình thức hiện đại của thơ tiếng Việt, thơ Tố Hữu mở cửa cho những tiếng lòng gần gũi, mang cái hổn hển, dào dạt của đời vào thơ. Nó mở cửa cho tiếng nói hàng ngày, chất văn xuôi đủ cung bậc, lĩnh vực có thể vào thơ. Nó mở ra cho các hình thức tư duy mới mẻ, cho phép sử dụng các ẩn dụ, liên tưởng đầy nghịch lí bất ngờ. Và dĩ nhiên, nó cho phép cá tính nhà thơ bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Ngôn ngữ thơ này đã đem lại cho thơ Tố Hữu vẻ đẹp độc đáo, bất ngờ và đầy sức lôi cuốn.

Ngoài ra, Tố Hữu còn phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt khi viết các địa danh bằng việc sử dụng tài tình từ láy, phối hợp âm thanh, nhịp điệu, vần, tạo nên chất nhạc chứa đựng cảm xúc dân tộc, tâm hồn dân tộc (Quê

mẹ, Mẹ Tơm, Em ơi …Ba Lan).

“Em ơi Ba Lan mùa tuyết ta

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.”

(Em ơi… Ba Lan)

Tính nhạc trong địa danh Ba Lan làm cho bài thơ trở thành một sinh thể nghệ thuật đồng thời làm nên tính độc đáo của ngôn ngữ thơ.

Các địa danh văn hóa cho chúng ta thấy thêm nét đặc sắc trong phong cách sử dụng ngôn ngữ của Tố Hữu. Đó là tính dân tộc sâu sắc. Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu sử dụng ngôn ngữ quen thuộc của dân tộc, những so sánh, ví von truyền thống.

Các địa danh xuất hiện trong thơ ông là biểu hiện của tính dân tộc thể hiện từ nội dung đến hình thức của sáng tác. Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu trước hết được xem xét từ sự mô tả phong cảnh đất nước tươi đẹp, chú ý tới đặc trưng vùng miền. Tiếp đó, tính dân tộc thể hiện qua việc chọn lọc tên gọi các địa danh giàu nhạc điệu, mang đậm màu sắc dân tộc. Việc sắp xếp các địa danh giàu sắc thái ca dao cũng thể hiện chất dân tộc được vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo. Trong thơ Tố Hữu có thể bắt gặp một cách phổ biến những lối ví von, các phép chuyển nghĩa và cách giới thiệu các địa danh trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Sáng tạo hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị tạo hình, thậm chí nhà thơ còn sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng khá quen thuộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh trong thơ tố hữu (Trang 84 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)