3.4.1.Quan điểm:
Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng và đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ tre nứa là thành phần chính và giữa các thành phần đó có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Mỗi quần thể thực vật rừng có đặc điểm hình thái cấu trúc đặc trưng được quy định bởi tổ hợp các nhân tố sinh thái nhất định. Rừng tự nhiên nước ta mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của rừng nhiệt đới, có cấu trúc tổ thành loài cây đa dạng, phong phú, hình thái phức tạp, nhiều tầng tán rất khó phân biệt rõ ràng, tuy có tính ổn định cao với điều kiện hoàn cảnh nhưng cũng rất nhạy cảm với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, dễ bị phá vỡ và rất khó phục hồi. Khi thảm thực vật rừng bị phá huỷ, sẽ làm toàn bộ quá trình trao đổi vật chất và năng lượng trong hệ sinh thái rừng bị đảo lộn, quá trình tái sinh và diễn thế rừng diễn ra theo những chiều hướng phức tạp, rất khó hồi nguyên trạng thái ban đầu. Rừng là một hệ sinh thái, phục hồi rừng thực chất là phục hồi một hệ sinh thái hoàn
chỉnh, trước hết là phục hồi lại thành phần chủ yếu của rừng là thảm thực vật cây gỗ. Sự hình thành nên thảm cây gỗ này sẽ tạo điều kiện cho sự xuất hiện các thành phần khác của rừng như tầng cây bụi, tầng cỏ quyết, khu hệ động vật, vi sinh vật, tạo hoàn cảnh rừng và các quá trình trao đổi vật chất và năng lượng diễn ra liên tục và ổn định.
Rừng tự nhiên ở miền nam Việt nam bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoá học là đối tượng rừng bị con người phá hoại bằng một phương thức đặc biệt, khác hẳn các phương thức tác động thường gặp khác.Trước chiến tranh, đây là một hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa được xem là một trong những hệ sinh thái rừng cực đỉnh ở miền nam Việt nam, trong đó kiểu thảm thực vật cực đỉnh là kiểu rừng kín rậm cây lá rộng, nửa thường xanh ưu thế là các loài cây họ Sao Dầu (Thái Văn Trừng -1998)[24]. Khi bị rải chất diệt cỏ làm rụng lá với số lượng và nồng độ cao, rải đi rải lại nhiều lần trên diện rộng, đã làm rụng lá cây rừng, tán rừng bị phá vỡ, cây rừng bị chết, nguồn hạt giống khan hiếm, dẫn đến quá trình trao đổi vật chất và năng lượng trong hệ sinh thái rừng cũng bị đảo lộn, khả năng tái sinh phục hồi rừng khó khăn. Tuy nhiên, do có tổ thành loài cây rừng phức tạp, nhiều tầng tán, độ mẫn cảm của mỗi loài cây rừng với hoá chất khác khau, địa hình phân bố rừng ( độ cao, độ dốc) khác nhau, bị rải với số lần nhiều hay ít, các tác động hỗ trợ phá huỷ ( như đạn pháo, bom napan...) khác nhau cho nên mức độ bị thiệt hại của rừng không hoàn toàn giống nhau. Trên cùng một khu vực rộng lớn bị ảnh hưởng, có một số nơi cây rừng còn sống sót nhiều ; có nơi cây rừng bị chết ít chỉ còn ít cây bụi; có nơi toàn bộ thảm thực vật bị phá trụi hoàn toàn ‘như hoang mạc trên mặt trăng’. Mặt khác, sau khi chiến tranh hoá học kết thúc, hệ sinh thái rừng ở từng nơi vẫn còn tiếp tục bị tác động theo những chiều hướng khác nhau: tích cực và tiêu cực với mức độ tác động cao thấp khác nhau. Chính những điều kiện trên đã quyết định đến khả năng và tốc độ của quá trình phục hồi rừng trở lại như
ban đầu. Những nơi cây rừng sống sót nhiều, điều kiện hoàn cảnh rừng và nguồn hạt giống đảm bảo, hoặc bị rải hoá chất nhiều, cây rừng sống sót ít nhưng địa hình ít dốc, lân cận vùng không bị ảnh hưởng, có nguồn hạt giống phong phú, được bảo vệ tốt sẽ có khả năng và tốc độ phục hồi rừng tự nhiên sẽ nhanh hơn những nơi bị rải hoá chất nhiều lần, thảm thực vật bị phá trụi trên diện rộng, nguồn hạt giống khan hiếm, độ dốc cao, thường xuyên bị hạn hán và lửa rừng.
Vì vậy, khi phân tích đánh giá sự ảnh hưởng của chiến tranh hoá học đối với tài nguyên rừng và khả năng phục hồi rừng sau khi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoá học, đề tài luôn nhận thức một cách toàn diện và thống nhất các quan điểm lịch sử, quan điểm địa lý, quan điểm sinh vật học và quan điểm sinh thái học để giải quyết những vấn đề nội dung nghiên cứu nêu ra, đề xuất những nhóm giải pháp phục hồi rừng trên một số vùng trọng điểm.