4.2.2 .Tình hình kinh tế xã hội
4.4. Đánh giá thực trạng rừng trên vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoá
tranh hoá học và nguyên nhân.
Từ kết quả phân tích trên bản đồ và điều tra trên thực địa có thể đưa ra một số nhận xét đánh giá sau :
- Khu vực nghiên cứu là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh học ở tỉnh Kon tum nói riêng và ở Miền nam Việt nam nói chung. Do bị rải chất độc hoá học với nồng độ cao, với số lần rải chủ yếu là 2-3 lần trở lên đã làm tài nguyên rừng trong khu vực nghiên cứu đã biến đổi rất nhiều. Từ một khu rừng nguyên sinh lá rộng thường xanh , cây rừng phong phú, động vật đa dạng, đến nay diện tích rừng giàu và rừng trung bình chỉ còn 1.451,4 ha chiếm 6,07% diện tích khu vực, còn lại 94% bị biến đổi thành các trạng thái rừng nghèo, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa, rừng tre nứa, đất trống cây bụi và các loại đất khác. Không thể tính toán đầy đủ những thiệt hại về trữ lượng gỗ bị mất, sự đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ bị suy giảm, nhưng có thể khẳng định rằng thiệt hại này rất lớn và khó khắc phục. Sự biến đổi tài nguyên rừng làm cho công tác bảo tồn VQG Chư Mom Rei hiện tại phải gánh chịu nhiều nguy cơ. Trước hết là tính liên
tục của sinh cảnh rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới bị phá vỡ. Những cánh rừng thường xanh này được xem là cầu nối sinh cảnh của các cánh rừng thường xanh của các khối núi trong dãy Chư Mom Rei với núi Chư Hinh (729m) ở phía nam, với núi Chư Chok(728m), núi Rờ Cơi (857 m) và dải rừng dọc biên giới Campuchia ở phía tây bị chia cắt. Từ đó đã làm cho các loài thú sống trên núi như gấu, chồn, các loài khỉ hầu và nhiều loài khác bị cô lập trên những núi khác nhau như sống trên những ốc đảo, dẫn đến sự giao phối và trao đổi nguồn gen hạn chế, sức sống quần thể bị suy giảm, khả năng ẩn nấp, trốn tránh săn bắt bị hạn chế. Mặt khác với diện tích đất trống, đồng cỏ cây bụi rải rác và rừng tre nứa gần 14.000 ha chiếm gần 60% khu vực, trải dài dọc theo thung lũng Jar Booc 22 km, chẳng những không có giá trị đa dạng sinh học mà còn là nguy cơ thường thực của nạn cháy rừng hàng năm, đe doạ nơi sống của nhiều loài động vật hoang dã. Với điều kiện khí hậu mỗi năm có 4 tháng khô hạn, nắng nóng kéo dài là điều kiện bất lợi cho sinh trưởng phát triển cây rừng thời kỳ tuổi nhỏ, cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua điều tra thực tế cho thấy, trong những năm trước khi VQG được thành lập, nạn cháy rừng trong khu vực vẫn xảy ra hàng năm với những mức độ khác nhau.
- Hiện trạng tài nguyên rừng trong khu vực nghiên cứu hiện nay không liên tục, đan xen nhiều trạng thái phức tạp, giá trị bảo tồn không cao, một diện tích rộng lớn không có khả năng phục hồi rừng bằng con đường tự nhiên. Cụ thể :
+ Diện tích rừng gíàu và rừng trung bình còn lại rất ít, 1451,4 ha, chỉ chiếm 6% tổng diện tích khu vực, phân bố rải rác. Từ kết quả điều tra cấu trúc rừng, đặc điểm tái sinh, đối chiếu với rừng trong khu vực đối chứng cho thấy đây là những khu rừng còn sót lại, bị ảnh hưởng không đáng kể. Rừng có cấu trúc hỗn loài, thường xanh, tổ thành loài cây khá phong phú khoảng 30 loài, tuy mật độ tầng cây gỗ thấp hơn vùng đối chứng bình quân
373 cây/ ha ( so với 519 cây/ha) nhưng vẫn còn một số ít cây có đường kính lớn từ 80-100cm của những loài cây như Sao cát, Chò chai, Dầu nước, Gụ lau. Xét về mặt thời gian sinh trưởng của cây rừng có thể khẳng định rằng đây là những cây đã từng tồn tại trước khi bị rải chất độc hoá học. Nhìn chung cấu trúc rừng ít bị phá vỡ, tình hình tái sinh rừng đảm bảo về tổ thành cũng như mật độ, sự phân bố cây trên mặt đất. Những đám rừng này nằm ven khu vực không bị rải, sát đường biên giới, dưói chân những ngọn núi cao, có thể khi rải chất độc hoá học máy bay không thể hạ thấp độ cao để hoá chất tập trung như những vùng khác. Tuy nhiên số lượng những cây có đường kính lớn rất ít so với vùng đối chứng cho thấy những tầng nhô của những đám rừng này cũng đã bị chết trong chiến tranh hoá học. Về phân loại rừng, đối với rừng trung bình đang xếp vào trạng thái IIIA2 có thể xếp vào trạng thái rừng IIIA3, rừng giàu vẫn xếp vào trạng thái IIIB là phù hợp.
Nhìn chung, dù diện tích không lớn, phân bố không liên tục nhưng sự tồn tại của những đám rừng này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo sinh cảnh cho các loài động vật lớn trú ngụ và là nguồn phát tán hạt giống phong phú đa dạng trong khu vực.
- Đối với trạng thái rừng nghèo : Diện tích là 2189,2 ha, chiếm khoảng 9,15%, phân bố thành những đám rải rác, không liên tục. Rừng có cấu trúc hỗn loài, tổ thành loài cây từ 14-15 loài, gồm những cây gỗ lớn, trung bình gỗ nhỏ, đường kính bình quân từ 18,3cm – 29,3cm, chiều cao bình quân 13,1m – 14,2m, những cây gỗ có đường kính lớn khoảng 80cm hầu như không có, mật độ cây gỗ thấp, phần lớn dưới 250 cây/ha. Tuy nhiên, tình hình tái sinh tương đối đảm bảo về tổ thành, mật độ cây tái sinh và cây triển vọng, phân bố cây tái sinh theo cụm, nếu có điều kiện cần điều tiết hợp lý hơn. Có thể nói, đây là đối tượng rừng phục hồi sau khi bị ảnh hưởng tương đối nặng nề bởi chất độc hoá học. Khi bị rải chất độc hoá học cấu trúc rừng đã bị phá vỡ, những loài cây trong tầng nhô và tầng ưu thế
sinh thái gần như bị chết hoàn toàn, cây sống sót còn lại chủ yếu ở tầng dưới và một số cây tầng ưu thế sinh thái như Bằng lăng, Sữa, Chua khét. Hoàn cảnh rừng bị thay đổi theo, phần lớn loài cây tái sinh là cây rụng lá vào mùa khô, chịu khô hạn tốt như Bằng lăng, Chiêu liêu, Đẻn 3 lá, Thầu tấu. Xu thế rừng này có thể sẽ phục hồi thành rừng gỗ lá rộng thường xanh, xen kẻ một số loài cây rụng lá. Về phân loại theo trạng thái IIIA3 như hiện tại là phù hợp.
- Đối với trạng thái rừng non : Diện tích 1048.4 ha,chiếm tỷ lệ khoảng 4.38%, phân bố ở những vùng thấp, gần các con suối. Rừng có cấu trúc hỗn loài, một tầng cây gỗ, tổ thành loài cây phong phú, với số loài cây từ 15 loài đến 29 loài, nhưng loài ưu thế thể hiện khá rõ rệt với sự nổi trội của các loài cây Thành ngạnh, Bằng lăng, Nhội, Kơ nia. Mật độ cây gỗ trong trạng thái này khá cao, bình quân gần 1000 cây/ ha, đường kính bình quân khoảng 13cm, chiều cao khoảng 12 m. Tình hình tái sinh rừng khá tốt, tổ thành loài cây tái sinh rất phong phú từ 15- 23 loài, trong đó nhóm loài cây chiếm tỷ lệ rất cao vẫn là Thành ngạnh, Bằng lăng, Nhội, Kơ nia là những loài cây ưa sáng, rụng lá trong mùa khô hạn, tái sinh hạt và chồi rất mạnh. Đáng chú ý trong tổ thành cây tái sinh có xuất hiện một số loài cây gỗ quý hiếm như Cẩm lai, Trắc, Giáng hương. Mật độ cây tái sinh bình quân là 11617 cây/ha. Đây là đối tượng rừng phục hồi trên những vùng bị chất độc hoá học phá huỷ toàn bộ thảm thực vật rừng, làm cho đất đai trở nên khô cằn, chỉ những loài cây tiên phong là những loài cây ưa sáng, rụng lá trong mùa khô hạn, tái sinh hạt và chồi rất mạnh như Thành ngạnh, Bằng lăng, Nhội, Kơ nia chiếm lĩnh, sau đó mới có những loài cây khác xuất hiện. Một số nơi trên diện tích này cũng đã từng được người dân địa phương canh tác nương rẫy, sau đó bỏ hoá để rừng phục hồi như hiện nay. Đáng chú ý là diện tích rừng này chiếm tỷ lệ khá ít trên diện tích đất trống rộng lớn, chứng tỏ điều kiện để phục hồi rừng trong khu vực tương đối khó khăn
và chậm. Xu thế rừng sẽ phục hồi như nguyên trạng nhưng thời gian phải kéo dài khoảng vài chục năm nữa trong điều kiện được quản lý bảo vệ tốt. Về phân loại rừng theo trạng thái IIB như hiện nay là phù hợp.
- Đối với trạng thái rừng hỗn giao gỗ và tre nứa. Diện tích khá lớn 4.647,4 ha, chiếm khoảng 19,43% diện tích khu vực. Rừng có cấu trúc hỗn giao gỗ và tre nứa, có 2 tầng cây gỗ, trong đó tổ thành loài cây gỗ tương đối đa dạng, có khoảng từ 15 - 28 loài cây gỗ, chủ yếu là cây gỗ lớn và trung bình, các loài tre nứa chủ yếu là giang tép, lồ ô, và le. Mật độ cây gỗ trong rừng hỗn giao gỗ và giang tép, gỗ và le từ 296 cây/ ha đến 436 cây/ha, trong rừng hỗn giao gỗ lồ ô rất thấp chỉ 160 cây/ha. Tình hình tái sinh rừng về tổ thành, chất lượng cây tái sinh đảm bảo, riêng về mật độ cây tái sinh và cây tái sinh có triển vọng tính bình quân đều thấp hơn so các trạng thái rừng gỗ khác, chứng tỏ điều kiện hoàn cảnh dưới tán rừng trong trạng thái rừng này không thuận lợi như ở các trạng thái khác. Trước khi bị tác động bởi chiến tranh diện tích tre nứa, lồ ô rất ít, không đáng kể, nhưng sau đó diện tích rừng hỗn giao gỗ và tre nứa và rừng tre nứa thuần loài tăng lên rất nhanh. Nguyên nhân có thể trong thời điểm cây gỗ đang bị chất độc hoá học làm trụi lá và chết, nguồn hạt giống bị mất, thì các loài tre nứa do sinh sản bằng thân ngầm tồn tại được, sau đó lại ra hoa quả và phát tán giống nhanh, phát triển mạnh, chiếm ưu thế. Xu thế phát triển của loại rừng này sẽ dần dần trở thành rừng gỗ hỗn loài nhưng phải mất thời gian rất lâu, hàng mấy chục năm để các loài cây tre nứa bị khuy chết hàng loạt và bị tán các loài cây gỗ che kín hoàn toàn. Về phân loại theo trạng thái có thể xếp vào trạng thái IIIA3- TN
- Rừng tre nứa thuần loài : Diện tích 7897,5 ha, chiếm diện tích lớn nhất các loại rừng trong khu vực, khoảng 33% tổng diện tích khu vực nghiên cứu, bao gồm chủ yếu là rừng lồ ô thuần loài, một số ít rừng le, và tre gai nằm ven suối. Đây là loại rừng được hình thành trên những vùng bị
rải chất độc hoá học cây gỗ bị chết hoàn toàn và không còn cây con tái sinh. Nguyên nhân hình thành loại rừng này có thể lý giải như ở rừng hỗn giao gỗ và tre nứa, nhưng điều kiện hình thành thuận lợi hơn. Điều đáng nói là sự lan tràn của các loài tre nứa không chỉ trên vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoá học mà ngay cả trên các vùng khác cũng rất nhanh, chứng tỏ cúng có sức sống mạnh mẽ và thích nghi rất tốt với điều kiện hoàn cảnh môi trường, đặc biệt là ở những vùng thảm cây gỗ bị mất. Trong trạng thái rừng này, cây gỗ rất ít, điều kiện đất dưới tán rừng nghèo dinh dưỡng, cây tái sinh không đáng kể. Về mặt phòng hộ nguồn nước, trạng thái rừng tre nứa cũng có tác dụng tốt, nhưng xét ở góc độ đa dạng sinh học và kinh tế đây là loại rừng kém giá trị, do đó không nên để một diện tích quá lớn, đặc biệt là ở VQG. Qua khảo sát cho thấy, trong rừng tre nứa thuần loại rất ít loài động vật sinh sống, do nguồn thức ăn nghèo nàn, sự di chuyển khó khăn. Rừng tre nứa cũng tiềm ẩn khả năng cháy rừng rất cao. Trên thực tế cho thấy ở một số vùng, chủ yếu là những vùng cao, rừng lồ ô đã và đang chết hàng loạt do hiện tượng khuy, tuy nhiên xu thế phát triển tự nhiên trong tương lai vẫn là rừng tre nứa thuần loài, để rừng tự phục hồi như cũ phải mất hàng trăm năm nữa.
- Đất trống cây bụi: Diện tích lớn thứ hai sau rừng tre nứa thuần loại, với 6382,3 ha, chiếm khoảng 26,7% diện tích khu vực nghiên cứu. Diện tích này phân bố ở độ cao 300 – 450 m, tập trung ở thung lũng JaBooc, dọc
đường trục đường Hồ Chí Minh, kéo dài khoảng 22km theo hướng Bắc Nam, 3 - 5km theo hướng Đông Tây. Đây là hậu quả của chất độc hoá học rải với nồng độ cao với số lượng từ 3 lần trở lên, kết hợp với bom nổ, bom cháy làm cho rừng biến thành trảng cỏ, cây bụi. Thành phần thực vật chủ yếu trên diện tích này là các loài thuộc họ cỏ (Poaceae) gồm: Cỏ tranh, cỏ
Mỹ, cỏ đuôi chồn, cỏ Lào, ven nơi ẩm có Lau, Sậy, Đót, xen lẫn với Đậu bạc đầu, Đậu sóc, Trinh nữ, Mâm xôi, các loài Dương xỉ. Độ cao tầng cỏ
vào mùa mưa khoảng 1,2m – 1,6m, những nơi Lau, Sậy phân bố cao từ 2 đến 3m. Ngoài ra còn có một số loài cây gỗ mọc rải rác như Me rừng, Bằng lăng, Chò chai, Thành ngạnh, Vừng lá đỏ, Gạo, Thồi lồi, Gáo lá tim, Thầu tấu, chất lượng cây xấu, cành nhánh khẳng khiu do phải chịu lửa rừng nhiều lần. Đáng chú ý nhất là trên những đồng cỏ này thỉnh thoảng còn gặp được những cây Kơ nia to lớn, xanh tươi, có đường kính 80cm đến 100cm, điều đó chứng tỏ đây là loài cây có khả năng chống chịu tốt nhất với chất độc hoá học. Diện tích đất trống cây bụi này tồn tại hàng mấy chục năm qua, chia cắt VQG thành 2 phần rõ rệt. Nguyên nhân rừng không thể tự phục hồi lại được là do đất bị rửa trôi, trở nên cằn cỗi, xương xẩu, chai cứng lại vì khô hạn và bị cháy hàng năm. Trên diện tích này hàng năm vào mùa mưa có rất nhiều thú móng guốc tập trung để ăn cỏ, kéo theo nhiều loài động vật ăn thịt khác. Theo số liệu kiểm kê diện tích này khá lớn, nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy trong những năm gần đây do công tác quản lý bảo vệ của VQG tốt, ngăn chặn có hiệu quả nạn cháy đồng cỏ hàng năm, đã góp phần đã làm xuất hiện một số đám rừng non trên trảng cỏ, diện tích đất trống đã thu hẹp hơn. Loài cây phát triển nhanh, cạnh tranh mạnh mẽ với cỏ là Thành ngạnh. Đây là loài cây gỗ nhỏ, rụng lá vào mùa khô, tái sinh hạt và chồi rất mạnh, chịu được khô hạn và lửa, thân có gai nhọn , sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên, đây là loài cây kém giá trị, khi còn nhỏ thân có gai nhọn, làm cho sự di chuyển của thú bị hạn chế. Xu thế phát triển của trạng thái đất trống cây bụi này diễn theo nhiều hướng khác nhau tuỳ thuộc vào những tác động bên ngoài, nhưng để rừng tự phục hồi bằng con đường tự nhiên như trước, chắc chắn phải mất thời gian hàng trăm năm.
Về nguyên nhân hình thành các trạng thái rừng phức tạp, không thuần nhất như hiện nay chủ yếu là do chiến tranh hoá học tàn phá, làm cho một diện tích rừng gỗ bị chết trụi, hoặc sống sót rất ít, nguồn hạt giống trở nên khan hiếm, phân bố không đủ cho cả một vùng rộng lớn hàng chục nghìn ha. Sau chiến tranh, rừng vẫn tiếp tục bị tác động tiêu cực, không
được quản lý bảo vệ tốt. Cụ thể là: nạn cháy rừng diễn ra hàng năm đã cản trở việc phục hồi tự nhiên của rừng và tình trạng canh tác nương rẫy trên một số diện tích rừng phục hồi sau chiến tranh cũng làm cho rừng cạn kiệt dần. Chỉ sau khi khu vực này được quy hoạch chức năng rừng đặc dụng, công tác quản lý bảo vệ được quan tâm, rừng mới có điều kiện phục hồi trở lại ở những nơi điều kiện hoàn cảnh thuận lợi, những nơi điều kiện hoàn cảnh không thuận lợi vẫn bị cỏ dại và tre nứa xâm chiếm.