Ngô là loài cây trồng phổ biến trên toàn huyện Đà Bắc với diện tích gieo trồng lớn nhất so với các loại cây khác là 5.285,11 ha, chiếm 47,98% tổng diện tích gieo trồng năm 2019. Cây ngô được trồng 2 vụ 1 năm trên nhiều loại đất: nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ven lòng hồ sông Đà. Sản xuất ngô trong những năm gần đây đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, … Tuy nhiên những năm gần đây, ngô của khu vực giảm nhanh về diện tích trồng, sản phẩm thu hoạch do giá bán ngô liên tục xuống giá, mất nhiều nhân công lao động,…
Hình 3.3. Trồng rau màu tại xã Tu Lý
Hình 3.4. Trồng ngô tại xã Mường Chiềng
- Dong riềng là một trong những loại cây trồng chủ yếu ở Đà Bắc. Một số địa phương như xã Tân Minh, xã Tu Lý, xã Cao Sơn, dong riềng là một trong hai cây hàng hóa chủ lực, đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương. Nhiều vùng sản xuất dong riềng đã chuyển sang trồng giống mới, năng suất lên tới 100 tấn/ha, đạt bình quân thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
- Mía: huyện Đà Bắc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển vùng mía. Nhất là cây mía tím hiện vẫn dẫn đầu các tỉnh miền Bắc về quy mô diện tích cũng như chất lượng. Mía có thể sử dụng trực tiếp hoặc dung để chế biến đường.
Về hiệu quả kinh tế, so với cây hàng năm như lúa, ngô, sắn thì cây mía có ưu thế hơn nhưng so với cây như bưởi, cam thì không bằng. Theo thống kê, diện tích trồng mía toàn huyện những năm qua ổn định (năm 2017 diện tích mía 61,98ha; năm 2018 60,2ha và năm 2019 là 61,8ha). Diện tích trồng mía ăn tươi (mía tím và mía trắng) luôn chiếm tỷ trọng cao trong diện tích trồng mía của tỉnh (từ 80 - 85%). Chất lượng mía ăn tươi, nhất là mía tím có xu hướng giảm sút, nguyên nhân do giống bị thoái hóa và đầu tư kém, đồng thời do tác động của giá cả phân bón, chi phí vận chuyển, công chăm sóc đều tăng cao nên người dân ít có sự đầu tư, dẫn tới cây mía tím có chất lượng thấp. Ngoài ra, thời gian qua, do ảnh hưởng thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài nên chất lượng mía cũng bị giảm, tỷ lệ mía loại I đạt thấp (chỉ khoảng 40%). Nhưng so sánh lợi nhuận sản xuất mía ăn tươi vẫn cao hơn so với nhiều cây trồng khác, do đó diện tích mía ăn tươi có thể ổn định trong thời gian tới nếu đảm bảo được thị trường tiêu thụ.
Hình 3.5. Thu hoạch dong riềng tại xã Tu Lý
Hình 3.6. Loại hình trồng mía